MiG-31 mang 'dao găm' Kinzhal kề sát nách NATO

Nga quyết định thành lập 2 trung đoàn tiêm kích MiG-31 mang Kinzhal tại căn cứ Monchegorsk, bắc Murmansk ở Bắc Cực.

Thông tin này được cơ quan báo chí của Hạm đội Phương Bắc Nga cho biết, thời điểm thành lập 2 trung đoàn tiêm kích MiG-31 diễn ra vào cuối năm 2019. Dù không nói rõ lý do ưu tiên trang bị cặp vũ khí này cho Bắc Cực nhưng theo giới quân sự, một khi 2 đơn vị này chính thức đi vào hoạt động, Nga rút ngắn khoảng cách tấn công vào NATO từ hướng Bắc một khi xảy ra xung đột.

Bởi với khả năng tấn công trúng mục tiêu từ khoảng cách lên tới 2.000km cùng tốc độ siêu thanh, tiêm kích MiG-31 cùng tên lửa Kh-47M2 Kinzhal là cặp vũ khí tấn công đáng sợ hàng đầu hiện nay của Nga mà phương Tây chưa thể tìm ra cách đối phó.

Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal tại Bắc Cực.

Nói về việc thành lập 2 trung đoàn mới, Thứ trưởng Quốc phòng Nga - Yuri Borisov cho biết: "Đây là thứ vũ khí hiện đại: Tên lửa siêu thanh với tầm bay xa nâng cao, thực chất có thể vượt qua mọi hệ thống phòng không và lá chắn tên lửa. Nó không hề có điểm sơ hở và sở hữu sức mạnh chiến đấu với tiềm năng to lớn".

Điểm ưu việt của tên lửa Kinzhal đó là nó có đủ sức qua mặt những hệ thống radar cảnh giới và tên lửa phòng không tối tân nhất, vũ khí này sẽ giúp cho những đơn vị không quân tiền tuyến có thể cấp tốc tung đòn giáng trả đối phương trong khi chờ đợi tuyến sau chi viện.

Đối với loại vũ khí đặc biệt như vậy, máy bay vận chuyển cũng phải đặc biệt: tốc độ cao, có khả năng đưa tên lửa tới điểm phóng trong vài phút, leo được vào tầng bình lưu. Đó là lý do vì sao Nga chọn MiG-31 là loại máy bay mang tên lửa này. "Điều kiện để phóng một tên lửa như vậy là phải bắt đầu phóng từ tầng bình lưu. Hiện tại chỉ có một loại máy bay của Nga là MiG-31 có thể bay tới đó", ông Yuri Borisov cho biết.

Mục đích của Nga khi dồn vũ khí tối tân cho Bắc Cực đã khá rõ ràng, đặc biệt là trước khi quyết định thành lập 2 trung đòn MiG-31, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu vừa có tiết lộ mới về căn cứ quân sự quy mô lớn của Nga tại Bắc Cực:

"Chúng tôi tiếp tục hoàn thành dần dần công việc của mình trên các đảo ở Bắc Cực. Đó là việc phục hồi các sân bay và xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại nhất. Tôi có thể nói với sự tự tin rằng ngày nay không có quốc gia nào trên thế giới có hạ tầng hiện đại như Nga tại đây", bộ trưởng Nga cho biết.

Ông Sergei Shoigu đưa ra, ngay trong đầu năm 2019, Nga sẽ thành lập và trang bị xong một đơn vị quân đội thường trú tại Bắc Cực. Bên cạnh tu bổ lại 6 căn cứ không quân có từ thời Liên Xô, Nga còn xây thêm nhiều căn cứ quân sự mới ở đây.

"Chúng tôi không che giấu việc này. Thực tế, chúng tôi đã xây xong một căn cứ quân sự ở ở đảo Kotelny thuộc quần đảo Novosibirsk", ông Shoigu nói. "Đây là một căn cứ khá lớn. Ngay cả thời Liên Xô cũng không có công trình nào lớn như vậy ở Bắc Cực".

Ngoài ra, các căn cứ quân sự nhỏ hơn cũng sẽ được thiết lập trên đảo Wrangle, Mũi Schmidt, bờ đông khu tự trị Chukotka thuộc vùng Viễn Đông Nga và trên quần đảo Kuril, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Moscow và Tokyo.

Ông Shoigu cũng thông báo rằng, Nga đã hoàn tất quá trình xây dựng căn cứ quân sự Arctic Trefoil có diện tích 14.000m2 trên đảo Alexandra Land, thuộc quần đảo Franz Josef - Căn cứ này là nơi đồn trú của khoảng 150 binh sĩ.

Thực phẩm và nhiên liệu dự trữ sẽ giúp họ lưu lại đây trong 18 tháng liên tục mà không cần tiếp tế từ bên ngoài. Các binh sĩ có thể di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác bên trong căn cứ mà không cần ra ngoài giữa thời tiết lạnh đến -47 độ C.

Viết trên trang tin Vice News của Mỹ, chuyên gia John Dyer nhận định căn cứ quân sự Arctic Trefoil là dấu hiệu mới nhất cho thấy kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chơi lâu dài ở Bắc Cực của Nga. Thu nhập từ dầu khí và các ngành công nghiệp khác ở Bắc Cực chiếm khoảng 20% GDP của Nga, theo chuyên gia Heather Conley, Giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các khối băng ở Bắc Cực đang tan chảy, làm gia tăng khả năng tiếp cận tới trữ lương dầu khí khổng lồ cùng các nguồn khoáng sản khác ở Bắc Cực cũng như mở ra một tuyến giao thương đường biển nhanh nhất từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ.

Nga, Canada, Mỹ, Na Uy và Đan Mạch đang chạy đua giành lợi ích ở Bắc Cực. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính Bắc Cực nắm 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 13% trữ lượng dầu thô chưa được khai thác của thế giới, tương đương 90 tỷ thùng dầu. "Bắc Cực đã thể hiện rõ tầm quan trọng của nó và các nước sẽ nhận ra rằng khu vực này càng quan trọng hơn trong tương lai", chuyên gia Heather Conley nhận định.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/mig-31-mang-dao-gam-kinzhal-ke-sat-nach-nato-3374167/