'Miếng thịt bò đã bị ăn bởi tôi', hay ý nghĩa của 'Code of conduct'

Đã từng sống ở nước ngoài nhiều năm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta trong giao tiếp hàng ngày với đồng bào người luôn giữ tác phong giản dị, gần gũi, và không sử dụng những từ ngữ có nguồn gốc từ nước ngoài, những phong cách nói 'lai căng' mà chúng ta có thể gặp phổ biến ngày hôm nay...

...Chuyện kể rằng, sau ngày giải phóng Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm sân bay Gia Lâm. Bác rất ngạc nhiên khi ở sân bay có dòng chữ Phi trường Gia Lâm. Bác nói rằng phi là bay, trường là sân, phi trường có nghĩa là sân bay; đây là một từ gốc Hán. Chỉ khi nào trong tiếng Việt không có từ ngữ thay thế, chúng ta mới sử dụng những từ có nguồn gốc nước ngoài. Bác yêu cầu đổi phi trường thành sân bay, phi cơ thành máy bay. Và đó chính là những từ mà chúng ta vẫn sử dụng bây giờ.

Chỉ qua một sự việc nhỏ như vậy, chúng ta có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời là người hết sức quan tâm tới việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Đã từng sống ở nước ngoài nhiều năm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta trong giao tiếp hàng ngày với đồng bào người luôn giữ tác phong giản dị, gần gũi, và không sử dụng những từ ngữ có nguồn gốc từ nước ngoài, những phong cách nói “lai căng” mà chúng ta có thể gặp phổ biến ngày hôm nay...

Code of Conduct.

“Anh ý sắp vào công tác, cậu chú ý take care cẩn thận nhé”; “Chị rất là sure những điều đã nói với em”; “Ông ý là một người chơi rất fair”; “Cậu có nhớ deadline của việc này không?”... những cụm từ và phong cách nói ngày càng phổ biến hiện nay trong một bộ phận người Việt.

Tiếng Việt chúng ta có những từ ngữ có thể thay thế cho những từ trên không, có và đều rất hay, nhân văn. Thế nhưng, những cách nói như trên gần như đã trở thành một thứ mốt, một thứ phong cách “thời thượng” trong giao tiếp.

Ở Việt Nam đã từng có một thế hệ du học sinh ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ vào thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, nhiều người đã học ở nước bạn cả chục năm, sau này trở về Việt Nam.

Nhưng trong giao tiếp hầu như không thấy họ sử dụng phong cách nói “lai căng” tiếng mà họ đã được học như thế hệ sau này học tiếng Anh dù chỉ được học ở trong nước. Phải chăng văn hóa của các nước sử dụng tiếng Anh kém hơn so với văn hóa Nga?

Các nền văn hóa đó đều là những nền văn hóa vĩ đại, lỗi một phần do một người thầy, người đang truyền đạt tiếng Anh đến với thế hệ học trò của mình chưa thể thấm hết được nền văn hóa ấy, thứ tiếng ấy, một phần có thể do sự sính ngoại chăng, phải nói pha chút tiếng Anh mới là “hội nhập và phát triển”. “Chị rất chắc chắn về những điều đã nói với em”; “Em sẽ chăm sóc cho anh”... Tiếng Việt của chúng ta hoàn toàn có thể thay thế được cơ mà.

Miếng thịt bò.

...Thế hệ 7x, 8x chúng tôi ở Hà Nội chắc nhiều người từng biết tới một thầy giáo tiếng Anh hết sức nổi tiếng ở gần trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ). Ông là người luyện thi TOEFT rất lâu đời và có uy tín. Học trò của ông cho đến ngày hôm nay có rất nhiều người thành đạt, nhiều người đang làm việc và giảng dạy tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, Canada..., nhiều người đang làm việc và thành đạt tại các doanh nghiệp và cơ quan tại Việt Nam.

Ngày đó, được vào học lớp Tiếng Anh của thầy quả thực là một thử thách hết sức khó khăn. Thầy có những yêu cầu về đầu vào hết sức đặc biệt. Nhiều bạn trong lứa chúng tôi nói rằng thầy hơi lập dị. Thế nhưng phương pháp giảng dậy của thầy hết sức khoa học, sắp xếp bài bản, và đặc biệt là thầy sử dụng một số phương pháp để chúng tôi bắt buộc phải học.

Việc nghỉ học là hết sức khó khăn, nhiều trường hợp phải có phụ huynh gọi điện tới xin thầy mới đồng ý cho nghỉ và học tiếp, nếu không sẽ phải thôi học. Ngay cả yêu cầu về đầu vào của thầy, là học trò phải có form chứng minh mình sẽ đăng ký đi du học tại Mỹ hay Anh, không chấp nhận Úc hay một số nước nói tiếng Anh khác, cũng chỉ bởi vì thầy muốn các học trò của mình luôn nỗ lực đặt ra mục tiêu cao nhất để hoàn thành khối lượng kiến thức khổng lồ trong môn học.

“Miếng thịt bò đó đã bị ăn bởi tôi”... là câu chuyện đặc biệt về một giờ học ở lớp của thầy. Khi có một học viên trong lớp dịch một câu bị động từ tiếng Anh sang tiếng Việt nghe rất “ngây ngô” như vậy. Cả lớp học cười phá lên.

Thầy mỉm cười, sau đó ông nói: “Các anh chị có biết để dịch tiếng Anh tốt, chúng ta phải giỏi cái gì không”. “Chúng ta phải giỏi tiếng Việt”. Đúng như vậy. Để hiểu, dịch và học tốt một ngôn ngữ khác, chúng ta phải hiểu và thông thạo tiếng mẹ đẻ của mình. Nếu không thông thạo tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình, sẽ có nhiều câu dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt hết sức ngây ngô như Google dịch, ví dụ: “I go out” sẽ dịch thành “Tôi đi ngoài”...

Học Tiếng Anh, tôi nhận thấy rằng các hệ thống giáo trình dạy tiếng Anh của người Mỹ hay người Anh đều hết sức khoa học, bài bản. Điều đó là đương nhiên rồi. Thế nhưng các hệ thống giáo trình đó đều hết sức nhân văn và hướng người học đến với những giá trị cao đẹp. Giáo trình Headway dạy về bài hát Wonderful tonight của Eric Clapton, một bản tình ca rất đẹp và lãng mạn, hướng tuổi trẻ tới với những giá trị cao đẹp của tình yêu.

Học Toefl chúng ta sẽ được học về việc lao động đã tạo nên con người như thế nào, học về các thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá giữa, đồ đá mới; đọc về quá trình hình thành các vì sao; về lịch sử thế giới... Có lẽ đó chính là mục đích của những giáo trình dạy tiếng Anh, bên cạnh việc làm cho người đọc tiếp cận nhanh nhất với ngôn ngữ này, còn là việc truyền bá và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những giá trị văn hóa.

Người học được học những giá trị ấy từ một ngôn ngữ mới, một nền văn hóa mới; vậy nên người thầy, người dậy ngôn ngữ ấy càng phải hiểu được tính nhân văn và văn hóa của một ngôn ngữ để truyền đạt cho học viên của mình. Tiếc rằng đối với chúng ta, có lẽ ở đâu đó, như tôi đã nói ở trên, có những người được coi là thầy nhưng không đủ văn hóa để truyền đạt những giá trị nhân văn của tiếng Anh cho học viên của mình.

Phi trường Gia Lâm.

Những câu chuyện vừa qua về một người được học trò gọi bằng “cô” bằng “thầy” dạy tiếng Anh đã mạt sát, chửi học trò của mình và bị đưa lên mạng đã cho thấy rõ điều đó. Liệu người thầy ấy có hiểu được những giá trị văn hóa của tiếng Anh, thứ tiếng mà người ấy truyền đạt cho học viên của mình ? Có lẽ, ngay cả với tiếng Việt, với ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của mình, cô ấy cũng không thể nói một cách văn hóa thì nói gì đến việc dạy một ngôn ngữ khác cho những người khác...

“Code of conduct” tiếng Anh dịch ra tiếng Việt theo một cách hiểu có nghĩa là “đạo đức nghề nghiệp”. Tôi không rõ cô giáo Tiếng Anh ấy đã từng bao giờ dạy cho các học trò của mình về cụm từ này chưa và nếu giả sử khi dạy cho học trò của mình, cô ấy đã từng và sẽ nói gì về “Code of conduct” – “Đạo đức nghề nghiệp” của một người đứng trên bục giảng truyền đạt cho học viên của mình. Nhiều người có thể dịch một cách rất đơn giản “Code of conduct” ra tiếng nhưng thấy được đạo đức nghề nghiệp là sự tôn trọng bản thân, tôn trọng những giá trị của mình và của người khác thì không phải ai cũng thấm và làm được người thầy đích thực.

Nguyễn Phước Thắng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/mieng-thit-bo-da-bi-an-boi-toi-hay-y-nghia-cua-code-of-conduct/768518.antd