Miền Trung lại đối mặt với đợt mưa đặc biệt lớn trên diện rộng

Do ảnh hưởng của các hình thái thiên tai kết hợp khiến khu vực Trung trung bộ sắp phải đối mặt với đợt mưa lớn trên diện trong ít ngày tới.

Mưa đặc biệt lớn lại xảy ra ở khu vực Trung Trung bộ

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tính đến sáng 15/10, bão lũ đã khiến 40 người chết (trong đó: Quảng Trị 12, Thừa Thiên Huế 8, Quảng Nam 9); Người mất tích: 8 người (gồm: Quảng Trị 3, Thừa Thiên Huế 1, Đà Nẵng 1, Quảng Nam 2, Gia Lai 1).

585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập; 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; tuyến đường sắt Hà Nội-Đông Hà bị chia cắt đến ngày 14/10 mới thông tuyến; 870ha lúa, 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 6 tàu vận tải/57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị, trong đó đã cứu vớt được 50 người, 7 người bị chết, mất tích; 4 tàu cá/17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.

Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp bàn phương án ứng phó với Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khắc phục hậu quả của thiên tai trong thời gian qua của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia cho biết, hoàn lưu bão số 7 tiếp tục gây mưa lớn từ hôm nay đến hết ngày 16/10, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông bắc bộ và Thanh Hóa có lượng mưa từ 100 – 150mm, khu vực Quảng Ninh 150 – 200mm, đồng bằng bắc bộ và Hòa Bình khoảng 50 – 100mm.

ATNĐ đang di chuyển tương đối nhanh, kết hợp rất nhiều hình thế đang tồn tại như dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Trung trung bộ; không khí lạnh khá mạnh tăng cường vào ngày 16-17/10 tới khu vực Trung trung bộ; Áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn về phía Tây gây nhiễu động gió đông cao, kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn ở miền Trung. Áp thấp nhiệt đới kết hợp với 3 hình thế trên gây ra mưa đặc biệt lớn ở khu vực miền Trung.

Theo ông Khiêm, mưa bắt đầu xuất hiện trở lại từ chiều tối 15/10 đến khoảng ngày 20/10, sẽ gây mưa lớn diện rộng từ khu vực Hà Tĩnh – Quảng Bình từ 400 – 700mm, có nơi trên 700mm tập trung lớn nhất từ ngày 17 – 19/10, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế từ 300-500mm có nơi trên 500m. Đà Nẵng đến Phú Yên mưa nhỏ hơn và có khả năng kết thúc sớm hơn khu vực trên. Từ ngày 21 – 13/10, sau khi ATNĐ vào hoàn lưu kết hợp với không khí lạnh và nhiễu động gió Đông gây mưa chủ yếu từ 50 – 150 cho khu vực Trung bộ.

“Diễn biến thời tiết năm 2020 ở Việt Nam rất khủng khiếp”

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết: “Tính từ ngày 5/10 đến nay, trên đất nước ta liên tục xảy ra các hiện tượng thời tiết dị thường như bão, lũ,…gây thiệt hại lớn. Sau cơn bão số 5, số ngày mưa lớn kéo dài ở miền Trung, ngoài ra cộng hưởng với cơn bão số 6, 7 khiến cho khu vực này chưa bao giờ trong một thời gian ngắn lại xảy ra nhiều hình thái thiên tai dồn dập như vậy. Mưa lớn nhiều điểm ở khu vực miền Trung có nơi trên 2000mm chỉ trong vòng 1 tuần. Tính dị thường diễn biến thời tiết của năm nay rất khủng khiếp”.

Hướng đi dự kiến của Áp thấp nhiệt đới.

Theo ông Cường, thời gian qua các lực lượng cũng đã nỗ lực triển khai các phương án khá tích cực, điển hình là toàn bộ hệ thống hồ đập cơ bản đảm bảo an toàn, sản xuất toàn vùng cơ bản hè thu và lúa mùa đã cơ bản thu hoạch,…

Ông Cường nhấn mạnh: “Hoàn lưu bão số 7 tiếp tục gây mưa ở các tỉnh ở khu vực phía Bắc, vì vậy không được chủ quan, theo dõi chặt chẽ các hồ đập nhất là các hồ thủy điện. Chăm lo quản trị hồ nhất là hồ thủy điện trong nhánh sông Đà và nhánh Thác Bà. Cùng với đó, nghiên cứu đảm bảo dự trữ nước cho mùa khô sang năm. Rà soát giảm thiểu thiệt hại nông nghiệp, thủy hải sản, chăn nuôi,… hết sức cẩn thận vì sau cơn này sẽ xuất hiện cơn khác vì năm nay thiên tai rất dị thường và khó lường không theo quy luật”.

Ông Cường đề nghị: Tổng rà soát không để diện tích gieo trồng cây vụ Đông bị ảnh hưởng. Tuyên truyền không để xảy ra thiệt hại về người ở khu vực miền núi.

Tận dụng thời cơ trong ngày 15 -16/10 để đẩy mạnh công tác phục hồi, tập trung cứu nạn cứu hộ ở các khu vực nhất là Trung Trung bộ và Rào Trăng 3. Tập trung phục hồi đời sống sinh hoạt, khôi phục sản xuất của nhân dân. Tập trung nguồn lực ứng phó với Áp thấp nhiệt đới đang vào gây mưa rất lớn trong thời gian tới.

Công tác dự báo cố gắng sát nhất để có phương pháp, chỉ đạo ứng phó kịp thời. Điều hành thống nhất chủ động, phương châm 4 tại chỗ. Kiểm soát, điều tiết giá cả hàng hóa, các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu.

Tập trung cứu trợ, giải quyết những vấn đề trước mặt và chuẩn bị các điều kiện ứng phó với các hình thái thiên tai khác. Đề nghị các cơ quan truyền thông quan tâm đảm bảo chủ động thông tin kịp thời, tuyên truyền cho người dân nắm rõ và chủ động ứng phó giúp hạn chế tối đa thiệt hại./.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mien-trung-lai-doi-mat-voi-dot-mua-dac-biet-lon-tren-dien-rong-786253.vov