Mẹ chồng đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ như thế nào?

Mẹ chồng và mẹ đẻ tất nhiên không thể giống nhau được. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, có một người mẹ chồng như bà, tôi còn mong muốn thêm gì nữa đây?

Mẹ chồng tôi lên ở cùng chúng tôi trước khi tôi sinh con vài ngày. Trước đó, chúng tôi ít khi gặp mặt nhau, nên mọi sự vẫn tốt đẹp.

Cho đến khi bà lên chơi, mâu thuẫn giữa hai mẹ con mới nảy sinh và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Bà rất tiết kiệm. Gia đình tôi có thói quen hầm xương nấu canh mỗi tối. Nồi canh của bà chỉ có 4 mẩu sườn, đủ cho mỗi người một mẩu. Và để tiết kiệm ga, thì món canh của nhà tôi đơn thuần chỉ là hỗn hợp nước và sườn mà thôi. Món xào, rán của bà thì hầu như không có dầu mỡ, chẳng khác gì món luộc. Bà thường bảo cả nhà: “Ăn nhiều rau vào, cho dễ tiêu hóa. Ăn nhiều cơm, là đủ dinh dưỡng rồi”. Bà thương con trai, nên cứ bóng gió là con trai bà từ trước tới nay chẳng phải làm việc gì cả, thật là bất công, tôi có phải là người giúp việc đâu chứ. Tôi cũng phải đi làm, cũng phải kiếm tiền nuôi con như chồng tôi cơ mà.

Có một người mẹ chồng như bà, tôi còn mong muốn thêm gì nữa đây? - Ảnh minh họa

Rồi thì mọi ý kiến của tôi về việc chăm con đều bị bà gạt phăng đi, bà bảo: “Tôi nuôi ba đứa con vừa cao to vừa khỏe mạnh như thế, chẳng lẽ lại không biết bằng chị hay sao?”. Bà còn hay trách tôi lãng phí tiền mua cho con cái này cái nọ, trẻ con mau lớn, chỉ cần ăn uống đầy đủ là được rồi, cớ sao tôi lại dùng tiền mồ hôi xương máu của chồng tôi để tiêu xài lãng phí như vậy chứ? Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại, tôi chỉ muốn bỏ về nhà mẹ đẻ ngay, còn bà thì cũng vài bận rơi nước mắt rồi. Ôi, mẹ chồng tôi, sao muốn yêu bà mà lại khó đến thế?

Nhưng rồi có một hôm, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, bà lại kể cho tôi nghe một câu chuyện. Chả là ở quê có một bà đang ở thành phố với con, lại đùng đùng bỏ về quê, rồi trước mặt đông đủ họ hàng làng xóm kêu gào tố cáo bị con dâu ngược đãi, đến cơm mỗi bữa cũng ăn không đủ no. Rồi bà tỏ vẻ rất mãn nguyện: “Mẹ thì ngày nào cũng ăn no thật là no, chưa bao giờ phải ăn lại cơm nguội. Về quê lần nào, mọi người cũng bảo là mẹ béo lên nhiều rồi”. Sống mũi tôi bỗng cay cay, yêu cầu của mẹ chồng tôi chỉ đến như vậy, có phải là tôi đang đối xử với bà tệ quá không? Bà mới chỉ tốt nghiệp tiểu học, tôi lại yêu cầu bà phải nuôi cháu theo khoa học. Điều kiện kinh tế của bà có hạn, tôi lại muốn bà tiêu tiền xả láng. Bà đã sống nửa đời người rồi, tôi lại hy vọng bà có thể thay đổi thói quen sống từ trước tới nay của mình. Tại sao tôi yêu cầu người khác thay đổi vì mình, trong khi tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc thay đổi vì người khác? Liệu tôi có ích kỷ quá hay không?

Có một kỷ niệm thật khó quên đối với tôi. Khi tôi đang ở trạng thái thập tử nhất sinh vì đẻ khó, bà ở bên tôi âm thầm lau nước mắt. Trong thời gian ở cữ, ngày nào bà cũng dậy sớm, mua móng giò hoặc gà về nấu cháo cho tôi ăn để mẹ khỏe, lấy sữa cho con bú. Nấu ăn không cho nhiều dầu mỡ, vì bà thấy chồng tôi hơi béo, sợ lại ảnh hưởng đến tim mạch. Mọi người trong khu phố tôi đều biết, tìm giúp việc chẳng qua là bất đắc dĩ, chứ không ai tốt bằng người nhà mình cả. Con trai tôi đã hơn một tuổi, được bà chăm tốt nên mới chỉ hắt hơi sổ mũi vài lần. Mẩu sườn nhỏ nhất trong nồi canh bà để dành phần mình, có lúc trong bát của con tôi là hai mẩu sườn, còn bà chỉ ăn cơm trắng với rau.

Mẹ chồng và mẹ đẻ tất nhiên không thể giống nhau được. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, có một người mẹ chồng như bà, tôi còn mong muốn thêm gì nữa đây?

Người ta thường nói: “Nhà có người già, như là có vàng”. Nhờ có mẹ chồng toàn tâm toàn ý giúp đỡ, tôi có thể yên tâm công tác, đảm bảo cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Nếu như hai người đàn bà biết đứng vào vị trí của nhau để suy xét mọi việc, thì tôi tin rằng, chắc chắn sẽ đồng cảm và hiểu nhau hơn, để tạo nên một gia đình hạnh phúc.

Theo Gia đình Việt Nam

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/yeu-tam/me-chong-da-khien-toi-thay-doi-suy-nghi-nhu-the-nao-783706.html