'Máu đào của các liệt sỹ đã làm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói'
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sỹ, những người có công với cách mạng. Bác viết: 'Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ…'.
Công việc đền ơn đáp nghĩa không chỉ ngày một, ngày hai
Suốt 24 năm kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (tháng 9/1945) đến tháng 5/1969, có khoảng 25 lần Bác Hồ gửi thư thăm hỏi anh chị em thương binh, gia đình liệt sỹ. Theo Người, công tác thương binh, liệt sỹ là một hình thức xây dựng tượng đài kỷ niệm trong lòng dân chúng. Các thế hệ phải ghi nhớ công ơn, những chiến công hiển hách của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Ngày 19/12/1946, sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Đời sống những binh sỹ bị thương, gia đình liệt sỹ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông báo có đoạn viết: “Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Người đã yêu cầu các làng, chính quyền địa phương lập danh sách, xem xét, nếu đúng sự thật thì “đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở Hà Nội”.
Ngày 16/2/1947, trên cương vị Chủ tịch nước, Người ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách thương binh, liệt sỹ của nước ta.
Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã thu hút nhiều thanh niên tham gia chiến đấu. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Bác, Hội nghị trù bị của Trung ương tổ chức tại xã Phú Ninh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã nhất trí lấy ngày 27/7 là “Ngày thương binh toàn quốc”. Đến tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày này thành Ngày “Thương binh - Liệt sỹ” và tên gọi đó được trân trọng lưu giữ cho đến nay.
Khi phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sỹ được phát động và triển khai, Bác luôn tiên phong gương mẫu thực hiện. Người viết trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày “Thương binh toàn quốc” tháng 7/1947: “Ngày 27 tháng 7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các liệt sỹ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc ta...”. Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1127 đồng để tặng thương binh.
Ngày 03/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để chuyên trách chăm lo đến thương binh, liệt sỹ. Người cũng chỉ ra rằng công việc chăm sóc thương, bệnh binh và gia đình liệt sỹ vừa là nghĩa cử cao đẹp, vừa là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Công việc đó cần phải thiết thực, có tổ chức và thể hiện trong mọi hoàn cảnh, mọi đơn vị, mọi làng xã. Và quan trọng hơn là công việc đền ơn đáp nghĩa không phải chỉ thực hiện trong ngày một, ngày hai, chỉ trong những ngày lễ, Tết, mà phải duy trì liên tục và duy trì mãi mãi: “Tôi mong và chắc rằng: đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi”.
Người cũng thường xuyên đến động viên, thăm hỏi và có nhiều ý kiến huấn thị, căn dặn các thương, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ. Trong đó, Người nhấn mạnh đến việc phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ cách mạng và phải không ngừng phấn đấu vươn lên để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng hoàn cảnh; từ đó tham gia học tập và lao động sản xuất, góp phần vào công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước...
Mỗi dịp lễ, Tết, ghi nhớ công lao của các liệt sỹ, Người thường xuyên đặt vòng hoa viếng tại Đài liệt sỹ Hà Nội, nhắn nhủ ân tình: “Ngày mai là năm mới... Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt Nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sỹ”. Người còn ký và ban hành các sắc lệnh về chế độ lương hưu, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sỹ”; thành lập sở, ty thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh, đặt ra Bảng vàng danh dự, Bằng gia đình vẻ vang và truy tặng, phong tặng các danh hiệu anh hùng, huân chương, huy chương cho các liệt sỹ, thương binh.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Năm 2024 tăng hơn 5.300 tỷ đồng phụ cấp người có công, gia đình chính sách
Thực hiện tâm nguyện của Người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã thể hiện trách nhiệm đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ bằng những chính sách ngày càng hoàn thiện. Trong cả nước, những chương trình xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; chăm sóc và nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quy tập hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang; xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sỹ cùng với chương trình hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho những gia đình chính sách đã được thực hiện.
Kể từ Sắc lệnh 20 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ” đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về công tác thương binh, liệt sỹ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng cho đến ngày nay.
Đó là Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005; các nghị định của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng...
Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã tăng lên 2.789.000 đồng. Theo đó, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong năm 2024 là 35.629 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.
Cụ thể, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung bằng 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công/1 người/1 lần. Mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là 2.884.000 đồng; thân nhân của 1 liệt sỹ là 2.789.000 đồng, thân nhân của 2 liệt sỹ là 5.578.000 đồng, thân nhân của 3 liệt sỹ trở lên là 8.367.000 đồng.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng 8.367.000 đồng, phụ cấp ưu đãi hằng tháng 2.337.000 đồng. Mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 2.337.000 đồng; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày là 1.673.000 đồng.
Trước đó, trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, việc thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công với mức tăng cao hơn sẽ góp phần bảo đảm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42-NQ-TW về nâng cao đời sống của người có công với cách mạng và nguyên tắc khi xem xét, điều chỉnh các chính sách xã hội thì mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất.
Hơn nữa, trong 20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân.
Kết quả thống kê từ các địa phương cho thấy tỷ lệ giảm tự nhiên (chết do tuổi già, nhiều bệnh tật nền) của người có công với cách mạng tăng nhanh, nhất là người có công là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Chỉ riêng số liệu thống kê số lượng Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2020 có tổng số là 4.962 Mẹ, nhưng đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 2.998 Mẹ.
Do độ tuổi của người có công cao (khoảng từ 75 đến 95 tuổi), việc thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là điều chỉnh ngay mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng ở mức cao nhất, là rất cần thiết. Bởi vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ là cần thiết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết của Quốc hội và cụ thể hóa thực hiện chính sách, chế độ chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.