Mất cân bằng dinh dưỡng ở người cao tuổi và gợi ý giải pháp từ chuyên gia

Thiếu hụt và mất cân bằng dinh dưỡng ở người cao tuổi có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, xương khớp, tăng huyết áp… và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các gia đình, con cháu cần thấu hiểu và có chế độ dinh dưỡng phù hợp khi chăm sóc người cao tuổi.

Tại sao người cao tuổi thường thiếu chất?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giai đoạn từ 40 tuổi trở đi, cơ thể bắt đầu có nhiều sự thay đổi rõ rệt với những dấu hiệu suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan. Với hệ tiêu hóa ở người lớn tuổi, vị giác kém hơn, khả năng nhai, cắn thức ăn, tuyến nước bọt hoạt động yếu đi dẫn đến việc ăn uống không còn ngon miệng. Dạ dày có xu hướng co bóp không tốt như trước, khả năng tiết dịch vị giảm nên thường gây các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu. Bên cạnh đó, hầu hết người cao tuổi thường có kèm các bệnh mạn tính, phải uống thuốc nhiều và thường xuyên nên cũng ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, dẫn đến kém hấp thu và thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu.

Nguyên nhân lớn thứ hai của tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở người cao tuổi chính là do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp. Khi cao tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của người lớn tuổi sẽ có nhiều sự khác biệt với nhu cầu dinh dưỡng của những giai đoạn tuổi khác, cho nên người cao tuổi cần phải có sự điều chỉnh chế độ ăn để phù hợp với nhu cầu cơ thể. Cụ thể, nhu cầu năng lượng ở người cao tuổi giảm đi so với thời kỳ thanh niên, nên chế độ ăn cần điều chỉnh giảm bớt lượng thức ăn hàng ngày. Đối với người lớn tuổi nhu cầu về tỷ lệ chất bột đường, tỷ lệ chất béo cũng cần giảm nên chế độ ăn cũng cần điều chỉnh giảm hợp lý các nhóm chất này.Riêng đối với chất đạm, do cơ thể giảm khả năng tổng hợp đạm nên cần duy trì tỷ lệ thành phần đạm trong chế độ ăn.

Theo PGS.TS.BS Trần Đình Toán - Viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng cho biết, người cao tuổi cần quan tâm đến nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể. Cụ thể, theo khuyến cáo người cao tuổi nên duy trì 25-30% tỷ lệ đạm từ nguồn động vật và 70-75% đạm từ thực vật. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận, không phải ai cũng hiểu rõ chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi trong gia đình. Người cao tuổi ăn uống không phù hợp, ăn theo thực đơn chung của cả nhà (người trẻ tuổi) có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất.

Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng khó hấp thu, khẩu phần ăn giảm sút, gây ra một vấn đề lớn mà hầu hết người cao tuổi đều gặp phải là mất cân bằng và thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu hụt các vi chất.

Thiếu hụt dinh dưỡng làm suy giảm sức khỏe

“Ở người cao tuổi, việc thiếu hụt và mất cân bằng dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe toàn diện và chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, thể trạng yếu làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp, xương khớp… Đồng thời, làm nặng thêm các bệnh nền mạn tính mà người cao tuổi đang mắc phải như huyết áp, đái tháo đường, suy thận, viêm gan...”, bác sĩ Toán khuyến cáo.

Bên cạnh đó, thể trạng kém cũng kéo theo các vấn đề khác về tinh thần không thoải mái, mất ngủ, say sẩm, khó chịu, suy nhược cơ thể,… Thiếu hụt chất dinh dưỡng làm suy giảm sức khỏe của người cao tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Vì vậy, các gia đình, con cháu cần thấu hiểu và có chế độ dinh dưỡng phù hợp khi chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt bổ sung dinh dưỡng cho người lớn tuổi nhằm hạn chế các bệnh lý mạn tính và nâng cao sức khỏe.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mat-can-bang-dinh-duong-o-nguoi-cao-tuoi-va-goi-y-giai-phap-tu-chuyen-gia-n183122.html