'Mất bò mới lo làm chuồng'

Năm 2017 và 9 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong đó có 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền SHTT; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa.

Tình trạng xâm phạm quyền SHTT ngày càng trở nên nghiêm trọng, nan giải hơn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, bất chấp tầm quan trọng của việc đăng ký quyền SHTT, hiện nay phần lớn DN Việt Nam còn khá thờ ơ với công tác này. Thông thường, chỉ khi nào thương hiệu bị xâm phạm, DN mới loay hoay tìm cách kêu cứu. Đánh giá riêng trên địa bàn Thủ đô, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội nêu rõ: Hiện, Hà Nội có hơn 230.000 DN, trong đó 97 - 98% là DN nhỏ và vừa. Trong tổng số DN, tới hơn 50% DN mù mờ về các quy định liên quan đến SHTT. Có DN thờ ơ không đăng ký SHTT, song có DN đã đăng ký nhưng khi bị vi phạm lại không biết trình tự, cách thức xử lý như thế nào.

Khi bị xâm phạm SHTT, DN thua thiệt đủ đường. Bởi thế, những thờ ơ, chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này là điều đáng trách. Tuy nhiên, mọi câu chuyện đều không thể chỉ xem xét một chiều. Đã có những DN chia sẻ, không phải DN không quan tâm tới SHTT, thực chất, điều DN khá ngần ngại lại nằm ở khâu thủ tục tại Việt Nam. Ví dụ như, trong quá trình xác lập quyền cho DN, cơ quan quản lý chậm trễ trong việc xử lý đơn, thẩm định nội dung, gây tồn đọng nhiều. Lý do chậm trễ thường được đưa ra là số lượng đơn quá nhiều so với số lượng nhân sự xử lý, để đảm bảo chất lượng của quá trình này, cơ quan quản lý cần nhiều thời gian hơn...

Trên thực tế, câu chuyện thờ ơ với SHTT không hề mới. Cách đây khoảng 3-5 năm, nội dung này đã được nhắc tới khá nhiều tại không ít hội thảo, hội nghị có liên quan. Nhà quản lý lên tiếng, DN góp mặt, thậm chí cả giới chuyên gia nêu quan điểm, vậy mà đến nay thực trạng dường như không có nhiều đổi khác.

SHTT là tài sản vô hình, song đã và đang tạo ra không ít tài sản hữu hình cho DN. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, đặc biệt là ở bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tài sản này lại càng trở nên có giá trị, phải được bảo vệ, phát huy thích đáng. Rõ ràng, với SHTT, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là bản thân mỗi DN phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại để kịp thời đổi thay, tránh lặp đi lặp lại tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Đức Quang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mat-bo-moi-lo-lam-chuong.aspx