Mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng

25 năm qua, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho cộng đồng, là động lực động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước hăng say đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các tác giả là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm các công trình đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Anh Tuấn

Những công trình tiêu biểu

Để thuận tiện và giảm chi phí cho việc xây dựng và phát triển hạ tầng ở khu vực biển, đảo của Việt Nam, các kỹ sư Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng đã đề xuất và thực hiện thành công công trình: “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công khoan hạ cọc ống thép phù hợp với điều kiện thi công ở khu vực đảo Trường Sa”. Chi phí sản xuất thiết bị chỉ khoảng 500 triệu đồng so với việc mua một máy khoan tự hành khoảng 20 tỷ đồng.

“Sử dụng thiết bị này chúng ta còn có thể làm được những việc khác như thực hiện khoan hạ cọc để kè những bờ đảo bị sạt lở hay cắm những cọc bảo vệ các công trình đang có trên biển đảo”, Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý, Viện trưởng Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, Chủ nhiệm công trình cho biết. Thành công của đề tài đã mang lại hiệu quả cao về quốc phòng, an ninh, góp phần vào nhiệm vụ củng cố và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Để cảnh báo lũ lụt và vận hành hồ chứa nước, các kỹ sư của Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) đã đề xuất và phát triển thành công hệ thống đo mưa tự động Vrain gồm các trạm đo mưa tự động được đặt tại các điểm đo mưa (các thôn, xã ở vùng mưa lũ, lưu vực các hồ chứa thủy lợi, thủy điện) và nền tảng quản lý (phần mềm, máy chủ, các ứng dụng...).

Với thiết bị đồng bộ, phần mềm quản lý có chất lượng, tính ổn định cao, giá thành hợp lý và phù hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam, chỉ chưa đầy 4 năm, hệ thống đo mưa tự động Vrain đã phát triển nhanh chóng với hơn 1.000 trạm đo mưa tự động phủ khắp cả nước. Hệ thống này cung cấp dữ liệu đo mưa cho Tổng cục Khí tượng thủy văn, 30 chi cục thủy lợi, văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, 25 công ty thủy điện và công ty khai thác thủy lợi với 36 hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong cả nước, trở thành hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng lớn nhất hiện nay ở nước ta.

Đó là hai trong số những công trình đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm nay. Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC, chất lượng các công trình, đề tài tham gia dự thi ngày càng được nâng cao, được đánh giá tốt về tính sáng tạo, tính mới, hiệu quả kinh tế xã hội và khả năng ứng dụng rộng rãi. Hầu hết các công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng.

Đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ

Từ năm 1995, Giải thưởng Khoa học công nghệ VIFOTEC, nay là Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam đã tập trung vào 6 lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của nhà nước, như: Cơ khí - tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Các công trình tham dự giải đều được đánh giá nghiệm thu, giúp giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp, nhằm tạo ra sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ xuất khẩu và giảm chi phí nhập khẩu...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đến nay đã có 2.671 công trình tham gia và 894 công trình đoạt giải. Giải thưởng đã động viên và tôn vinh kịp thời các nhà khoa học, các nhà sáng tạo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Qua 25 lần tổ chức, Giải thưởng ngày càng có tiếng vang, có uy tín lớn trong giới khoa học, trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trong cả nước.

Để ngày càng có nhiều công trình có giá trị thực tiễn hơn nữa, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, các cấp thẩm quyền cần có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà sáng tạo; cần hình thành hệ thống các dịch vụ khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào cuộc sống. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước cũng như chính sách giúp các nhà khoa học công nghệ làm giàu bằng chính sản phẩm của mình. Một trong các biện pháp đó là cho vay vốn đối với các công trình đoạt giải có hiệu quả kinh tế cao do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/981969/mang-lai-hieu-qua-cao-cho-cong-dong