Mâm cỗ và bài văn khấn hóa vàng mùng 3 Tết Giáp Thìn năm 2024

Chuẩn bị mâm cỗ và bài văn khấn cúng hóa vàng mùng 3 Tết (có thể thay đổi tùy từng gia đình) là một trong những phong tục truyền thống của người Việt Nam dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài các nghi lễ theo phong tục truyền thống của người Việt Nam như cúng ông Công ông Táo, cúng Tất niên, cúng đêm giao thừa, cúng đầu năm mới thì cúng hóa vàng đầu năm vào ngày mùng 3 Tết cũng là một nghi lễ được nhiều gia đình đặc biệt quan tâm.

Anh Cao Ánh đi chợ từ tờ mờ sớm để phụ mẹ vợ chuẩn bị mâm cỗ cúng đưa ông bà ngày mùng 3 Tết năm Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Lễ hóa vàng thường được nhiều gia đình tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 7 Tết. Một số gia đình có thể làm sớm hoặc muộn hơn, muộn nhất là mùng 10.

Mâm cỗ cúng hóa vàng phải chỉn chu

Anh Cao Ánh (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết, gia đình cũng thường tổ chức nghi lễ hóa vàng mùng 3 Tết. Năm nay, do chi phí đi lại khó khăn, kinh tế khó khăn nên anh Ánh quyết định về quê vợ ở Bến Tre ăn Tết, sau Tết sẽ về quê thăm bố mẹ ở Ninh Bình.

Anh Ánh kể, mỗi lần về quê vợ ăn Tết, anh sẽ biết thêm được nhiều điều hay về các nghi lễ nhờ sự chỉ bảo của mẹ vợ. Đặc biệt, mâm cỗ từ trước Tết đến ngày mùng 3 cúng đưa ông bà sẽ hoàn toàn do mẹ vợ anh chuẩn bị.

“Mẹ vợ tôi hay bảo, lễ hóa vàng cũng là lễ đón thần Tài về với gia đình, hy vọng một năm mới gia đình thuận lợi, hanh thông. Ngày nay, quan niệm về đời sống tâm linh đã nhẹ nhàng hơn nên việc chuẩn bị mâm cỗ cúng cũng như bày biện bàn gia tiên ngày càng tối giản, gia chủ không cần bày quá nhiều lễ vật”, anh Ánh nói.

Mâm cỗ mặn thì một món không thể thiếu trên mâm cỗ là gà luộc. (Ảnh: Xuân Mạnh)

Theo anh Ánh, mẹ vợ anh sẽ chuẩn bị lễ vật cúng hóa vàng ngày mùng 3 Tết gần giống lễ cúng gia tiên gồm hương, hoa, mâm ngũ quả, vàng mã, đèn, nến, trầu cau.

“Tùy theo quan niệm của mỗi gia đình mà có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn nhưng không thể thiếu các món đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, bánh tét (có bánh chay và bánh mặn). Đặc biệt, nếu gia đình nào chọn cúng mâm cỗ mặn thì một món không thể thiếu trên mâm cỗ đó là gà luộc”, anh Ánh cho hay.

Tương tự anh Ánh, là một người con lớn lên trong một gia đình truyền thông và quan trọng các nghi lễ trong dịp Tết Nguyên đán, chị Minh Thảo (sinh năm 1994, quê Thừa Thiên Huế) cho biết, từ ngày đi làm dâu, các mâm cúng trong gia đình đều do chị Thảo tự chuẩn bị.

Theo chị Thảo, từ nhỏ, chị đã được bố mẹ nói rằng lễ cúng đưa ông bà là lễ hóa vàng cho tổ tiên, cũng là lễ cúng tạ đầu năm. Mẹ chị Thảo vẫn hay bảo con cháu trong nhà rằng: “Tục hóa vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hóa vàng thường gắn liền với đời sống thường nhật như quần, áo, tiền, vàng, nhà cửa, phương tiện đi lại và tất cả đều bằng giấy”.

Chị Thảo cho biết thêm, trong lễ hóa vàng, gia đình chị thường đốt nhiều vàng mã. Lúc hóa xong, tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì chị Thảo sẽ vẩy vào thêm chút rượu, vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm, các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.

Mâm cúng chay ngày mùng 3 Tết năm Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Hoàng Phạm)

“Nhà tôi còn đơn giản, nhiều nhà còn cẩn thận mang theo hai cây mía hơ trên phần tiền vàng mới hóa xong, tượng trưng cho đòn gánh để các cụ gánh tiền, gánh vàng về cõi âm. Phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm được hóa cuối cùng”, chị Thảo kể.

Bài văn khấn lễ hóa vàng

Nam mô a di đà phật (3 lần)

Nhất thiết cung kính, nhất tâm kính lễ mười phương chư phật, chư đại bồ tát, chư thánh hiền tăng, thiên long bát bộ, hộ pháp thiện thần, lịch đại tổ sư

Nhất tâm kính lễ: Đương cai kim niên thái tuế chi đức tôn thần, chư tinh hành binh, công tào phán quan

Nhất tâm kính lễ: Ngài bản cảnh thành hoàng, chư vị đại vương, ngài bản sứ thần linh thổ địa tôn thần, các ngài ngũ ngũ phương, ngũ thổ long mạch tôn thần cùng lịch đại chư gia tiên, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá huynh đệ, cô dì tỷ muội, tiên linh nội ngoại họ...

Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm mới

Tín chủ con là… (tên gia chủ)

Ngụ tại… (địa chỉ gia chủ đang ở)

Tín chủ con thành tâm sắm sửa phẩm hương hoa, đăng trà quả thực, kim ngân vật phẩm dâng lên trước án, kính cẩn thưa trình:

Tiệc xuân đã mãn, nguyên đán đã qua, nay con xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ phật thánh, chư vị tôn thần, rước tiễn tiên linh trở về âm giới.

Kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con cháu được bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành cúi xin chứng giám.

Nam mô a di đà phật (3 lần)

Sau khi đốt vàng mã, hạ mâm cúng, con cháu trong gia đình sẽ tề tựu đông đủ để cùng nhau dùng bữa cơm thân mật. Ngày Tết được coi như kết thúc sau lễ hóa vàng và mọi người bắt đầu trở lại với nhịp sống thường ngày.

Để phong tục cúng hóa vàng đầu năm mới mãi là một nét đẹp văn hóa tâm linh, các gia đình chỉ nên cúng bái và chuẩn bị số lượng vàng mã vừa đủ, tránh đốt nhiều, đốt bừa bãi dễ gây cháy nổ và gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mam-co-va-bai-van-khan-hoa-vang-mung-3-tet-giap-thin-nam-2024-166220.html