Mái nhà yêu thương của con nuôi đồn Biên phòng

Cuộc sống vốn đầy khó khăn của những đứa trẻ mồ côi cha, mẹ ốm đau liên miên nay đã bước sang trang mới khi được những người lính Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng. Được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển bản thân nên các em luôn cố gắng, phấn đấu học tập tốt, không phụ lòng các bố, các chú BĐBP và mong ước sau này, mình cũng có thể giúp đỡ những đứa trẻ không may mắn khác.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai tặng quà, trao hỗ trợ cho học sinh theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Cao Xuân

Ngôi nhà thứ 2

Đã 3 năm kể từ ngày Hồ Thành (lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) được đón về làm con nuôi của Đồn Biên phòng Ra Mai. Nhà Thành ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa. Ở bản, ai cũng biết nhà em khó khăn khi bố mất, một mình mẹ tần tảo nuôi 8 người con khôn lớn. Từ một cậu bé nhỏ thó, rụt rè, nay Thành đã lớn vổng, ra dáng một thiếu niên. Chỉ còn mấy tháng nữa, Thành sẽ tốt nghiệp cấp 2, các bố Biên phòng bảo em sẽ được xuống trung tâm huyện học tiếp lên cấp 3.

Thành đã sẵn sàng cho hành trình mới, nhưng thương em Hồ Duy, người cũng được Đồn Biên phòng Ra Mai nhận làm con nuôi. Nhà Duy ở tận bản Cha Cáp, cách đồn gần 20 cây số. Hoàn cảnh Duy thương lắm. Bố Duy bị tàn tật, mẹ cũng một mình gồng gánh nuôi 6 người trong nhà. Khi về đồn, Duy mới 6 tuổi, buổi đêm sợ bóng tối nên dù các chú Biên phòng bố trí 2 giường, nhưng Duy vẫn sang ngủ cùng Thành.

Từ ngày về đồn, Hồ Thành và Hồ Duy được bố trí chỗ sinh hoạt riêng 1 phòng. Trung úy Hồ Khiêm, nhân viên Đội Vận động quần chúng được Ban Chỉ huy đồn giao nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn 2 em làm quen với nếp sống mới ở đồn. Trung tá Phan Văn Toán, là quân y của đơn vị, thương 2 đứa nhỏ sớm xa vòng tay của người thân nên rất quan tâm, thường xuyên kiểm tra, rồi chăm sóc chu đáo mỗi khi Thành, Duy ốm. Mọi người trong đơn vị mỗi khi đi xa, lúc về đều mua món quà nhỏ cho con nuôi như một thói quen. Và cứ như thế, Thành và Duy cùng nhau lớn lên trong vòng tay và tình thương của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai...

Đại úy Cao Xuân Hoành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình, nhà trường để nắm bắt tình hình học tập và các mối quan hệ của các cháu để có biện pháp quản lý, giúp đỡ, rèn luyện phù hợp. Ngoài quan tâm việc học, chúng tôi tạo điều kiện để các cháu phát triển toàn diện. Thành và Duy còn được rèn luyện bởi những bài học kỹ năng sống như tự chăm sóc bản thân, dọn dẹp phòng ở, cùng tăng gia sản xuất với cán bộ, chiến sĩ”.

Hồ Thành chia sẻ: “Ngày nghỉ, cháu thích được xuống bếp giúp các chú nuôi quân nấu ăn. Cháu để ý và đã học được vài món. Những lần về nhà, cháu đã nấu cho mẹ và các em ăn thử. Ai cũng khen ngon. Mẹ cháu bảo đúng là ở với bộ đội nên cháu biết thêm được nhiều thứ”.

Đổi thay số phận

Hồ Thành bảo: “Ngoài Duy, cháu còn có “5 em gái”, nhưng dịp lễ, Tết, các em mới được các bố, các chú đón về đồn. Những ngày đấy, 7 anh em vui thật là vui”. Hóa ra, “5 em gái” mà Hồ Thành nhắc đến chính là 5 học sinh được Đồn Biên phòng Ra Mai nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Những học sinh này đều có chung hoàn cảnh là gia đình rất khó khăn, đơn vị nhận đỡ đầu với mong muốn các cháu cố gắng phấn đấu hơn nữa trong học tập và rèn luyện để sau này có cuộc sống tốt hơn.

Phụ nữ dân tộc Khùa có nhiều thiệt thòi so với đàn ông, trẻ em gái cũng vì thế mà ít được tạo điều kiện học tập và đặc biệt ở những gia đình càng khó khăn lại càng dễ vướng vào tảo hôn. Lập gia đình sớm, tất nhiên thiệt thòi sẽ là cô gái, nhưng tục lệ này đã có từ nhiều năm nay, không dễ gì thay đổi. “Chúng tôi lựa chọn hỗ trợ các cháu gái đến hết lớp 12 cũng là để các gia đình “cam kết” cho con học hết phổ thông. Được học hành, được đi xa, các cháu sẽ có cơ hội tiếp xúc rồi thay đổi nhận thức, biết điều gì là tốt cho mình” - Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ra Mai “bật mí” lí do lựa chọn 5 cháu đều là nữ để đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Hồ Thị Luân (lớp 8, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 Trọng Hóa) được Đồn Biên phòng Ra Mai nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm 2019. Luân là người Khùa, nhà ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa. Em mồ côi cha từ nhỏ, chỉ còn mẹ, lại đông anh em, nhiều khi bữa cơm không đủ no. Thế nhưng, Luân không muốn bỏ học, bởi em hiểu rằng: “Bỏ học rồi sẽ lấy chồng sớm nên cháu không muốn thế. Từ ngày được các chú Biên phòng giúp cho tiền, gạo hàng tháng, mẹ cháu cũng “hứa” sẽ cho cháu học ít nhất hết lớp 12”.

Đinh Thị Diễm Quỳnh (lớp 8, Trường Trung học cơ sở Thanh Lạng) và Nguyễn Thị Ánh Tuyết (lớp 8, Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Bắc Sơn), xã Thanh Hóa, huyện Minh Hóa đều có bố mất sớm, nhà nghèo, thế nhưng năm học nào, 2 cô học trò nhỏ cũng có kết quả học tập xuất sắc. Để “tiếp sức” cho 2 cô học trò nghèo vượt khó, Đồn Biên phòng Ra Mai đã nhận hỗ trợ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức 500 ngàn đồng mỗi tháng. Những người lính Biên phòng tin rằng, với tố chất, nghị lực sẵn có, lại được hỗ trợ kịp thời, các em sẽ có thêm cơ hội thay đổi số phận.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mai-nha-yeu-thuong-cua-con-nuoi-don-bien-phong-post448829.html