Lý giải kỷ lục mới của nền kinh tế

Tính đến chiều ngày 30/12/2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức 514 tỷ USD, ghi nhận một kỷ lục mới của nền kinh tế.

Việt Nam đã tăng quy mô một số mặt hàng xuất khẩu tỷ trọng lớn, năm 2019 có 32 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 262,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 248,5 tỷ USD, xuất siêu lên tới gần 11 tỷ USD.

Việt Nam nằm trong nhóm có giá trị xuất nhập khẩu lớn nhất toàn cầu

Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu nhập khẩu. Năm 2001, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận trị giá xuất nhập khẩu ở mức khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Sáu năm sau, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2007 cán mốc 100 tỷ USD, đây là thời kỳ Việt Nam bắt đầu trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2011 và 300 tỷ USD trong năm 2015. Xu thế tăng trưởng tỷ trọng xuất nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh với 400 tỷ USD vào năm 2017. Và, dấu mốc 500 tỷ USD chính thức xác nhận vào nửa cuối năm nay.

Việt Nam đã tăng quy mô một số mặt hàng xuất khẩu tỷ trọng lớn, năm 2019 có 32 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD chiếm tỷ trọng gần 93% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Như vậy có thể nói nếu như quy mô số mặt hàng lớn mà đẩy lên được thì tổng kim ngạch xuất khẩu rất lớn.

Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu , chỉ sau Singapore và Thái Lan.

2020: Xuất khẩu đạt 300 tỷ USD

Rõ ràng với những con số ở trên, từ một nước thiếu thốn, bao cấp, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới.

Chỉ đạo tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Thủ tướng giao Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về vấn đề này, mục tiêu là năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Đây là con số rất lớn đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực. Đi liền với số đó là xuất siêu đạt khoảng 15-17 tỷ USD.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI; Tiếp tục phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng xuất nhập khẩu; Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà xuất khẩu chân chính...

Đánh giá về những cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm hóa giải một số khó khăn đang đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam - EU (EVFTA) chắc chắn là cú hích lớn cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, cơ hội chủ yếu đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh, như: Dệt may, da giày, nông sản nhiệt đới... Dự báo, kim ngạch xuất khẩu vào EU có thể tăng tới 20% trong thời gian tới.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ky-luc-moi-cua-nen-kinh-te-164428.html