Lý do Ấn Độ cử nhóm tàu tác chiến hải quân đến Biển Đông
Động thái điều tàu đến Biển Đông của Ấn Độ nhằm thể hiện chính sách Hành động hướng Đông, đồng thời gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
Hạm đội miền Đông Ấn Độ sẽ triển khai nhóm tác chiến đến Đông Nam Á, Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương trong vòng 2 tháng, thực thi sứ mệnh củng cố hợp tác quân sự với các đối tác.
Tờ India Today ngày 2/8 đưa tin, sứ mệnh mới của nhóm tác chiến Hạm đội miền Đông thuộc hải quân Ấn Độ là một phần trong chính sách Hành động hướng Đông của New Delhi nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quân sự, đối phó tham vọng của Trung Quốc đang mở rộng đến Ấn Độ Dương.
Thông báo chính thức từ Hải quân Ấn Độ nêu rõ: “Để theo đuổi chính sách hướng Đông và củng cố quan hệ hợp tác với các quốc gia thân hữu, nhóm tác chiến của Hạm đội miền Đông thuộc hải quân Ấn Độ từ đầu tháng 8 đã lên đường đến Đông Nam Á, Biển Đông và khu vực Tây Thái Bình Dương. Thời gian triển khai khoảng 2 tháng”.
Nhóm tác chiến bao gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường INS Ranvijay, tàu hộ vệ tên lửa Shivalik, tàu hộ tống tác chiến chống ngầm Kadmatt và tàu hộ tống tác chiến Kora.
Ngoài tàu INS Ranvijay, 3 tàu còn lại được thiết kế cũng như sản xuất nội địa và được trang bị nhiều loại vũ khí và cảm biến khác nhau.
Trong quá trình triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhóm tàu của Ấn Độ sẽ diễn tập chung với các hải quân đối tác, trong đó có Singapore (SIMBEX), Indonesia (Samudra Shakti) và Australia (AUS-INDEX).
Nhóm tác chiến cũng sẽ tham gia các cuộc diễn tập đa quốc gia MALABAR-21 bên cạnh lực lượng phòng thủ trên biển của Nhật Bản, hải quân Australia, Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, lần triển khai này của Hải quân Ấn Độ diễn ra vào thời điểm bộ binh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang duy trì tình trạng căng thẳng tại biên giới sau cuộc đối đầu tháng 5/2020 ở khu vực Đông Ladakh.
Bất chấp các cuộc đối thoại ngoại giao và quốc phòng, hai cường quốc châu Á này vẫn chưa giải quyết dứt điểm các điểm tranh chấp tại biên giới.