Lũy Trầm Hương & Thành phố Phật Vàng

Ở quê nhà, một thị xã phía bắc miền Trung, ngày tôi còn nhỏ xíu, mỗi lần có lãnh đạo bên nước bạn Lào sang thăm là chúng tôi lại đứng hai bên đường thắt khăn quàng đỏ và vẫy chào đoàn bằng những bông hoa và lá cờ hai nước. Hai tỉnh liền núi, liền sông, nương tựa vào nhau, kết tình anh em từ khi tôi còn chưa có mặt trên đời.

Bốn mươi tuổi, tôi mới có dịp lần đầu đặt chân đến nước bạn Lào. Hành trang mang theo là một cuốn sách để đọc dọc đường có tuổi đời xấp xỉ tuổi tôi, tác giả là những nhà văn lừng lẫy một thời: Nông Quốc Chấn, Xuân Diệu, Tô Hoài, Thép Mới. Sách dù đã ngả màu thời gian mà từng trang, từng trang vẫn lấp lánh tình bạn vàng son một thuở, đọc sách mà như được cùng các tiền nhân lần theo những lối xưa. Xin trích:

“Nhớ Trường Sơn - chào bạn Lào” - Thép Mới

Việt - Lào hai nước chúng ta núi liền một dải, bên gọi là Trường Sơn, bên mang tên Phu Luổng (núi lớn).

Tháp Thạt Luổng ở thủ đô Viêng Chăn

Cây hữu nghị mọc trong máu lửa, hôm nay đã thành đại thụ giữa rừng đời, thẳng như mày hing, mày péc (tùng, thông), chắc và có vân đẹp như mày nhung (trắc), thơm quý như mày nhom pa, chuyên dùng tạc tượng Phật. Nó như ngọc quý, đẹp hơn trăng rằm, như các nhà lãnh đạo Mặt trận Lào yêu nước đã từng nói.

Phải suy ngẫm rất nhiều mới có thể khẳng định: Đó là “quan hệ mẫu mực xưa nay hiếm có”. Để chỉ mối quan hệ đó, Chủ tịch Xuphanuvông trong diễn văn đọc tại mít-tinh quần chúng đã 5 lần dùng chữ “đặc biệt” và “đặc biệt vĩ đại”.

Không có các mẹ Lào, làm sao mà người chiến sĩ còn sống được đến ngày nay. Những ngày gian khổ, ôm cây sung, nay thiềng na này, mai thiềng na khác. Thiềng na là nhà ở rẫy của đồng bào Lào. Đêm là phải mò vào các thiềng na nằm co mà ngủ vì rừng sâu nhiều thú dữ. Phải tránh cả dấu chân hổ và dấu chân địch. Gặp thú rừng mà phải nổ súng thì lộ. Ai nuôi mình lúc bấy giờ? Chỉ có các mẹ Lào thôi. Những úp (giỏ) xôi ngày ấy, bát cơm Phiếu mẫu, trả ơn nghìn vàng... Các mẹ Lào thường nói về người bộ đội. Chưa có chúng nó thì bản làng thường chẳng dám ho to, đi suốt ngày phải cúi lưng. Chúng nó chẳng những đánh giặc giỏi mà lại còn biết bảo mình làm ăn no đủ.

Rồi đến ngày tôi chào mẹ để về nước thì mẹ cứ dặn đi dặn lại: “Thôi thế là con về rồi. Con về, con đón mẹ của con sang đây chơi với mẹ. Thế nào cũng sang, con nhé!”. Tôi chỉ ngày đêm ước mong hai cụ cùng sống cho lâu để tôi còn được thực hiện điều mà tôi cũng rất mong ấy: Đưa mẹ đẻ ra tôi sang tận nơi cảm ơn mẹ nuôi Lào.

Tôi tìm đến tiếng đàn. Dàn nhạc đặt trong một cửa động, ánh đèn neon xanh biếc. Cây đàn kỳ diệu. La nát nghĩa là đàn thuyền. Bầu đàn hình một chiếc thuyền và nguyên lý của đàn la nát không khác mấy đàn tơ rưng của Tây Nguyên hay đàn ăng không của Indonesia. Chỉ khác là tiếng đàn không phải bật lên từ những mảnh tre, thanh trúc mà ngân lên từ những thanh gỗ chắc. Nhạc sĩ Lào chỉ cho tôi: Thứ gỗ làm đàn la nát này chỉ có thể là gỗ lim. Thảo nào mà âm thanh sắc hơn, âm lượng đầy hơn. Tiếng nhạc rừng lim! Tôi bỗng nhớ đến những rừng lim, đôi ngả Trường Sơn mà những tuổi trẻ anh hùng nối tiếp nhau đã đi qua, những đêm hành quân khuya, những buổi sớm mai lên đường, những chiều mưa xối xả và đó đây, những tấm bia đơn sơ và những nấm mộ.

Một đoạn tường thành cổ của Lũy trầm hương (Viêng Chăn) hiện đang được bảo tồn

Họa tiết mái vòm của một ngôi chùa Lào. Hình tượng voi thân thuộc và xuất hiện khá nhiều

Tình bạn máu! Từ đấy, tôi nghe tình bạn đó lâng lâng, dìu dặt mà náo nức lòng người trong tiếng nhạc rừng lim: Cung đàn la nát.

Người cách mạng cao niên gặp quần chúng, chiến sĩ, ngay từ phút đầu, tự nhiên gần gũi. Đồng chí Lê Duẩn rất vui, hỏi các chiến sĩ gái:

- Tất cả các chiến sĩ đều đã trực tiếp bắn súng cả rồi chứ?

Cả đến Phăn xi, người Xa van na khét và Xút tha, người Luông Pra bang, những em gái út của đơn vị, cũng đều trả lời: “Báo cáo, có!”.

Đồng chí Lê Duẩn cả cười:

- Thế là các đồng chí hơn tôi rồi đó! Nay mai, các đồng chí sẽ lập gia đình, sẽ thành mẹ cả. Con các đồng chí sẽ rất tự hào vì mẹ của các cháu đã cầm súng đánh giặc, cứu nước. Không ai anh hùng hơn người phụ nữ vì người phụ nữ chiến đấu còn bảo vệ con mình nữa.

Tình thương, một nguồn sức mạnh. Từ thương hòn máu của mình, người mẹ Lào yêu thương người chiến sĩ là con của mọi nhà. Câu chuyện bà mẹ Lào yêu thương chiến sĩ tình nguyện quân không phải là chuyện cá biệt hay hiếm có. Từ ngày kháng chiến trước, người ta còn kể lại câu chuyện hai mẹ con bà mẹ Lào, một vùng đầy phỉ, che giấu cán bộ bị phỉ truy lùng rất gắt, đã đấu tranh với địch như thế nào. Để bảo vệ an toàn cho chiến sĩ gây cơ sở, mẹ và con đã tổ chức bản làng, tự mình gây cơ sở cả một vùng, trở thành cán bộ của nhân dân, từ quần chúng mà ra, được dân yêu, dân tin, dân phục, đồng bào gọi là Lục xảo châu phạ Ít-xa-la (người con gái của vua Ít-xa-la).

Sau tháng 11-1954, từ khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút về nước và quân đội Pa-thét Lào chuyển quân từ 10 tỉnh về tập kết đúng thời hạn ở 2 tỉnh Sầm Nưa và Phong-xa-lỳ, hình ảnh người chiến sĩ không bao giờ phai mờ trong tâm trí các bà mẹ Lào ở trên 5 nghìn bản làng của vùng du kích và vùng căn cứ du kích cũ. Các con bộ đội đi rồi, nhiều nơi, các bà mẹ vào rừng chăm sóc giữ gìn những lán cũ mà các con ở ngày trước, rào lại để làm lưu niệm. Bộ đội của thời kháng chiến trước, đất nước còn nghèo, trang cấp nào có gì đâu. Người cây súng, chỉ có bộ quần áo rách, chăn rách và màn rách. Chia tay nhân dân, không có một chút gì gửi lại các mẹ chiến sĩ để làm vật lưu niệm. Có một đồng chí bộ đội vào năm 1953, chiến dịch Bắc Lào, biếu lại mẹ hộp dầu Con hổ. 15 năm sau, vào năm 1968, năm chiến thắng Nậm Bạc, anh mới có dịp trở lại đất cũ. Bà mẹ lại đưa ra hộp dầu kỷ niệm, mất hết mùi thơm, nhưng hoàn toàn còn nguyên như mới.

Một nhà thơ trẻ của bộ đội Việt Nam đã ghi lại những hình ảnh lớn lao của nhân dân Lào và phụ nữ Lào đi dân công tuyến lửa trên các ngả đường chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (trích trong “Cây xanh đất lửa” của Nguyễn Đức Mậu).

Búp bê trong trang phục cổ truyền của phụ nữ Lào tại một khách sạn ở thủ đô Viêng Chăn

Lễ buộc chỉ cổ tay

Không biết anh chiến sĩ nào của đơn vị bạn đã tinh nghịch viết lên một tờ giấy lớn, dán lên vách núi giữa đường hành quân, một bản “khường a bản” (thực đơn) của chiến trường: “Sáng ăn cháo đạn cối của máy bay lên thẳng. Trưa ăn món xào rốc két. Chiều món lạp bom B52 (Lạp là một món ăn dân tộc của các bạn Lào). Cơm nóng: Đạn 20 li ăn tha hồ. Suốt ngày có đàn của OV10 “tấu nhạc”. Chị em ta cũng vui không kém, ghi thêm vào thực đơn do Ních-xơn phục vụ: Tối đến còn có pháo sáng và đạn lửa suốt đêm, liên tục mở hội hoa đăng, có thể (múa) lăm vông được đấy”.

Nên nhớ rằng trên toàn đất nước Lào 3 triệu tấn bom Mỹ đã rơi. Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là một trong những khoảnh đất mà bom Mỹ cày xới mật độ khá là dày đặc. Trên bầu trời đó, có ngày máy bay Mỹ xuất hiện hơn 1 nghìn lượt chiếc.

Câu nói xưa, phụ nữ là “đoóc-xa-ba” (hoa râm bụt), sống được là nhờ phên dậu, hoàn toàn không còn đúng nữa.

Người con gi Lào, dịu hiền nhất, xưa kia chỉ trông thấy máu là đã sợ, đến bông hoa trên nương cũng không nỡ dẫm chân lên, không nỡ vò nát, vì sao, chẳng những coi thường bom đạn, mà còn dám vùng lên trong nỗ lực kiên trì, học kỹ thuật bắn súng lớn, quyết xông lên phía trước, quyết tự tay mình rót đạn, bắn cho đồn thù bốc cháy?

Tượng Phật vàng trên núi Phu Xỉ - Luông Pha-bang

“Kính chào nước Lào mới” - Thép Mới

Chỉ có Việt Nam mới thông cảm hết với Lào. Giải phóng là phải lo trước hết cứu đói. Cách mạng Lào đùng một cái phải tính lương ăn cho 20 vạn nhân dân các đô thị, 10 vạn nhân viên chính quyền và quân đội cũ, 10 vạn dân mà địch cưỡng ép lìa bỏ nông thôn trước đây. Năm đó, vùng mới giải phóng mất mùa, kể cả vựa lúa Pắc xế cũng đói to. Chính nhân dân vùng giải phóng cũ phải gùi gạo vào giúp lương ăn cho vùng giải phóng mới. Bao nhiêu việc chúng ta phải làm sau khi miền Nam giải phóng, bạn Lào ta cũng phải làm từng ấy công việc. Đối với bạn Lào, ngay đến quân đội cũng phải đẻ thêm ngay lập tức, nào không quân, nào thủy quân, nào bao nhiêu binh chủng mới. Về ngoại giao, thì phải tiếp tục duy trì mọi mối quan hệ bình thường và xúc tiến đặt liên hệ với các nước anh em và bè bạn. Về đối nội, thì nhân đà thắng lợi đang sôi nổi là hợp tỉnh liền, đỡ tâm tư, đỡ phức tạp. Và tiếp tục phát động quần chúng nổi dậy, bạn tiến hành bầu cử đồng loạt trên toàn bộ đất nước, ngay từ mùa thu năm 1975, HĐND xã, huyện, tỉnh, lấy ngay đại biểu HĐND tỉnh triệu tập Quốc dân đại hội, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân. Kỷ nguyên mới của nước Lào chính thức bắt đầu ngày 2-12-1975.

Khải hoàn môn Viêng Chăn

“Ghi ở Luông Pha-bang” - Nông Quốc Chấn

Xiềng Thoòng là tên cũ của Luông Pha-bang. Các cụ già thường kể tên đất nước từ buổi đầu là Mường Xoa, Mường Xiềng Thoòng, Xuvana Phum, Pathet hay Lẻng Thoong đến Mường Xiêng Xẻn, Mường Viên Chăn, Mường Kaboong, Mường Champaxắc...

Nghệ thuật nóc Khải hoàn môn Viêng Chăn

Năm 1757, tức 1300 Phật lịch, tên thủ đô được đặt là Mường Xiềng Thoòng. Xiềng Thoòng - làng cây vông. Ngày xưa ở chỗ này có cây vông to bằng mấy chục người ôm: Chu vi 27 sải, cao 117 sải. Các nhà sư đã mượn tên Xiềng Thoòng đặt làm tên chùa. Cây vông trở thành biểu tượng của lòng tin. Một bức tranh cây vông được họa sĩ dùng nhiều mảnh sành sứ chắp lại dựng liền vào bức tường của ngôi chùa. Dưới hình bức cây vông có hình 5 con thú: Con rùa và con hươu đền ơn trả nghĩa cho nhau sau khi qua cơn hoạn nạn, khi con hổ định vồ lấy con bò mẹ thì con bê xin đi thay thế mẹ... Những hình tượng biểu hiện tinh thần chung thủy, vị tha và hy sinh như thế thường được kể trong các chuyện dân gian, cũng như vẽ thành những bức tranh lớn trong các ngôi chùa.

Nghệ thuật nóc Khải hoàn môn Viêng Chăn

Vát Xiềng Thoòng do vua Châu A Nụ xây nên. Mỗi cánh cửa, mỗi bức tượng đều được trang trí bằng nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Trong chùa có 1 tượng Phật nằm, 3 tượng Phật ngồi, 1 tượng Phật đứng. Thực dân Pháp đã cướp đi 1 tượng Phật nằm bằng đồng đen. Nhân dân đấu tranh đòi lại. Một bức họa lớn: Rồng và rắn. Vua đi chơi bắt gặp đôi rồng rắn quấn nhau, rắn bị chém vì loài hạ đẳng dám phối hợp với loài thượng đẳng. Rồng bất bình kiện vua và đêm đêm bò vào phục dưới gậm giường vua để trả thù... Hằng năm, đến ngày Xeng khăn mồng 5 tháng 5, lễ rước sư được tổ chức tại chùa này. Người ta múa hát và diễn các trò vui. Mỗi khi vua đi xa trở về, trước hết phải nghỉ lại chùa bãi cát bên kia sông, từ đó vua được rước sang chùa này để lễ Phật rồi mới được đưa vào cung.

Du khách nước ngoài ngồi đợi ngắm cảnh mặt trời lặn từ đỉnh núi Phu Xỉ, một trong những cảnh đẹp nhất ở Luông Pha-băng

Từ Khún Lo, vua đầu tiên của Lào khi xuất hiện Nhà nước Lạn Xạng là một quá trình thống nhất từng mường, mường nhỏ, mường lớn. Tên nước, tên thủ đô được đặt ra trong mỗi thời kỳ lịch sử thường có quan hệ chặt chẽ với những bước phát triển của nền văn hóa dân tộc. Vua Pha Ngừm chăm lo xây dựng tư tưởng và văn hóa đạo Phật. Nhiều nhà sử, học giả, họa sĩ từ khắp nơi được mời đến Lạn Xạng. Họ mang theo cuốn sách Tripitaca của phái Tiểu thừa và một bức tượng Phật nổi tiếng bằng ngọc thạch mang tên Pha-bang được đưa đến Xiềng Thoòng - còn gọi là Xiềng Đông. Tên Luông Pha-bang xuất hiện từ thuở đó.

Luông Pha-bang là vùng đất của hơn 20 đời vua với cung điện vàng son. Hầu như mỗi ngọn núi, con sông ở đây đều có truyền thuyết. Những truyện kể thực thực hư hư. Ngày ngày đêm đêm hai con sông Nặm Khan Nặm Không trôi đi cuốn theo những rác rưởi xuôi dòng, để lại hai bên bờ những màu xanh, điệu phon, tiếng lăm và công trình nghệ thuật kiến trúc đặc sắc.

Leo 328 bậc, chúng tôi lên đỉnh Phu Sỉ. Ngọn núi cao 150m. Người xưa dựng trên đỉnh núi này một ngọn tháp cao 21m, bệ tháp 10m55. Một quả chuông được đặt ở trong cái tháp bên cạnh. Ngày xưa, mỗi khi tiếng chuông vang lên là mọi người dân nhất tề đứng dậy để chống thú dữ, chống lụt hoặc chống giặc ngoại xâm.

Tháp Phu Sỉ do ai xây dựng? Tên của nhà kiến trúc dài gần như con đường từ chân núi lên đỉnh núi: Chạu Un rút-Phạ Chạu-Ma hả Ut-tu-ma-vông khoong sỉ săt ta nạc-Kha nạ-hút U-đôm Lăt-ta-bu-ri-tôm-Phôm-ma-Chac-Chăc-ca-phat-Ma hả lat-tha-ni lan-san-hom-khảu-Luông Pha-bang.

Chùa Wat Xiengthong ở cố đô Luông Pha-bang

Công trình được xây năm 1166 theo lịch Phật. Mảnh đất này trước tiên đón hai anh em: A-Ma-la-lư-sỉ và Nhô-thi Ca-lư-sỉ. Từ bãi phù sa, bản, xiềng, người xuất hiện. Nơi trên bến dưới thuyền thu hút người bốn phương về sống quần tụ với nhau. Hai anh em Lư-sỉ xây thị trấn, chọn núi đặt tượng Phật, dựng tháp. Ngọn núi vô danh từ đó thành ngọn núi nổi tiếng: Phu-sỉ. Núi mang tên hai người có công điểm xuyết, tạo thêm hình và đắp lên mãi tâm hồn dân tộc.

“Khúc múa Lăm vông” - Xuân Diệu

Trong bút ký “Một đêm trên đất Lào”, nhà văn Nguyên Ngọc viết năm 1960: “Ở nước Lào có hai điều trái ngược: Một đất nước rất cổ kính, lại vừa là một đất nước trẻ trung; một dân tộc rất thanh bình lại vừa là một dân tộc chiến đấu rất ngoan cường” và anh cũng cho biết: “Người Lào có thể múa hát suốt đêm không bao giờ chán”.

Chùa Wat Xiengthong ở cố đô Luông Pha-bang

Đây là điệu Lăm vông, điệu Lăm tròn, người ta đi tròn trịa, từng đôi nam nữ, bốn bước lên, một bước lùi lại, bước lên thì nhìn đằng trước, lùi lại thì nam nữ quay mặt lại trông nhau, hai chân khẽ khàng nhún nhảy theo nhịp bài ca điệu nhạc, hai tay miễn là có nhịp điệu, còn đôi tay nữ thì mỗi năm ngón tay là năm cánh hoa Chăm-pa (hoa đại), khi búp, khi xòe... Điệu múa này là một sáng tạo độc đáo của nhân dân Lào, chính ở chỗ nó lôi cuốn mạnh mẽ mà giản dị tuyệt vời, giản dị để mang tính cách quần chúng đến cao độ, đặng cho ai nấy đều có thể dự múa Lăm vông. Tinh thần thắm thiết tập thể đã tạo ra nó: Mỗi người góp vào vòng múa phần tài hoa của mình và cùng nhau tạo ra một từ trường khiến cho ai vào đây cũng bị lôi cuốn, cũng cảm thấy một sự lâng lâng... Ở đây không cần tài giỏi đặc biệt, một sự nỗ lực nghệ thuật làm tốn nhiều tài và sức, đây là một cuộc trò chuyện cởi mở mặc dầu không ai nói, một cuộc giao hòa trang nhã giữa những tâm trí, lấy những nét múa hưởng ứng điệu nhạc và tiếng hát.

Điệu nhạc Lăm vông nhẹ bay mà lại dồn dập. Tôi nhớ mãi gương mặt chú thiếu niên, tay chú đánh vào chiếc trống miệng chú nở rạng rỡ lạ thường: Chú khoái trá thật sự; ca nhạc múa như đã nhập vào người chú. Chú ấy vào khoảng 15 tuổi nhưng cả những thế kỷ ca múa của dân tộc đã tự bao giờ vào trong máu thịt của chú, cho nên bàn tay non trẻ ấy có khả năng gọi dậy hồn nhạc, hồn múa, hồn ca và cả nhị, sáo, đàn như dựa vào tiếng trống của chú.

Tôi nhớ những đoạn sách trước đây đã đọc viết về nước Lào như là làm thơ: Cao nguyên chất ngất và vật vã ở phía Bắc, cao nguyên thấp dịu ở phía Nam, đều có sông nhánh của Mê kông chảy qua, những sông nhánh chảy từ Đông sang Tây, như những khớp xương sinh động, hướng về một trong những con sông lớn nhất của địa cầu, cùng với Dương Tử Giang và Hằng Hà là ba con sông chảy xuống từ nóc nhà của thế giới, đó là sông Mè Khoỏng (nghĩa là mẹ của những con sông). Và ngòi bút kia trở nên trữ tình: “Người dân Lào là vua trên nước. Một mình một thuyền hoặc trên thuyền có cả một nhóm, họ không sợ khó khăn, môi mỉm cười khi bọt nước lướt trên da, miệng ca hát khi độc mộc dài như một mũi tên lao xuống thác... Thật là dễ chịu biết bao, bỗng nhiên nghe tiếng hò reo vọt ra từ những lồng ngực hết phải lo âu, khi qua đoạn gian nguy rồi, những thân mình lại ưỡn thẳng lên, chiến thắng, luôn luôn chiến thắng...”.

Tôi lại nhớ lời Hoàng thân Xuphanuvông, theo Nguyên Ngọc ghi lại, đã nói sau khi vượt nhà từ Phôn-ken ở Viêng Chăn, đi trong 5 tháng (1960) để trở về vùng giải phóng: “Có đi như vậy mới biết nước Lào thật đẹp, nhưng sông thường giống nhau. Còn núi thì luôn luôn đổi khác, lúc tròn, lúc nhọn, lúc chằng chịt dữ tợn, lúc lơ thơ như trong tranh...”.

Lăm vông ơi! Hãy cứ hát cứ múa, giúp cho ta khe khẽ khép mắt mà thấy lại cố đô Luông Pha-bang có 65 ngôi chùa, ta mới thăm được có 6, 7 ngôi thôi, giữ ấn tượng những điệu múa thếp vàng trên những cánh cửa chạm trổ tinh vi điêu luyện, những chùa mái cao lợp ngói, như những cánh chim phượng xòe ra buông xuống. Viêng Chăn, thủ đô nước CHDCND Lào, nhà cửa, lầu gác, tháp chùa chen lẫn ẩn hiện với cây cối xanh um. Tôi nhớ mãi Viêng Chăn, “thành trầm hương” với những tiếng khánh reo từ trên chóp tháp Thát Luổng cao vút xây đã hơn 400 năm, những âm thanh không to, mà lanh lảnh nghe rất rõ và bay bổng lạ thường. Đồng thời tôi nhớ Viêng Chăn, trong đêm khuya, tiếng những thanh niên thủ đô đi hộ đê ngăn lụt trở về, ca hát rầm rộ và đánh trống bập bùng trên những chiếc xe tải đang chạy nhanh, cái dòng lôi cuốn của xe và người và tiếng hát ấy gợi lên một dòng thác cách mạng đang đi...

Khất thực lúc tảng sáng ở Luông Pha-bang

Nghệ thuật tạo ra một không khí giao cảm, khuyến khích tâm trí ta vượt không gian, vượt thời gian, phá những ngăn cách giả tạo giữa các dân tộc, nghe Lăm vông hát, nhìn Lăm vông múa, tôi còn muốn tìm ra những lời người ta khen ngợi dân tộc Lào không những gần đây, mà từ thuở nước Lan Xang (Năm 1353, vua Pha Ngừm thống nhất các Mường Lào ở hai bên sông Mê kông, thành lập vương quốc Lan Xang trong hơn 350 năm, tới 1707).

Tiếng thơm của dân tộc Lào hơn 3 thế kỷ trước còn truyền và vẫn là sự thật đến bây giờ. Một cha cố người Italia năm 1663 đã viết về những đức tính của dân tộc Lào ưa sự hòa hảo, sẵn sàng tiếp khách lạ, chân thực tuyệt vời, nhất quyết giữ chữ tín... Và dân tộc ưa hòa hảo ấy cũng là một dân tộc ngoan cường. Sau cuộc khởi nghĩa chống phong kiến xâm lược Xiêm thất bại (1826), trong nhân dân Lào ở hai bên bờ Mè Khoỏng đã hình thành nên nhiều truyền thuyết về cuộc chiến tranh ái quốc và đặc biệt kết tinh vào truyện vị tướng Lat xa vông đã dũng cảm kiên cường tiếp tục vận động chống Xiêm. Mỗi vùng đất hai bên bờ sông Mè Khoỏng đều có truyền thuyết Lat xa vông. Hầu như nhân vật Lat xa vông đã đặt chân lên khắp mọi nơi và sống mãi trong niềm tin không gì dập tắt nổi của nhân dân quần chúng. Và đến thời kỳ cách mạng, người anh hùng Lat xa vông đã tái sinh thật, với hàng trăm thân mình và tâm trí trong đại đội chủ lực đầu tiên của Lào Ix-xa-la mang tên Lat xa vông.

Tôi nghĩ đến câu nói giản dị, chân thành mà lại có một ý nghĩa thật sắc nét của một trong những người lính ngụy đã đưa Hoàng thân Xuphanuvông và các lãnh tụ Pa-thét Lào vượt cái nhà tù chuồng ngựa Viêng Chăn ra vùng giải phóng 24-5-1960: “Đó là những người đã đưa tôi thoát ra khỏi tù ngục của đời tôi” và cuộc vượt ngục này là một chiến công kỳ diệu của Cách mạng Lào, gây cho cả nước Lào nổi dậy vũ trang trong một không khí thần thoại: “Mệnh trời là thế này kia mà!”...

Cuộc múa Lăm vông chưa tàn. Chúng ta cũng biết, trong những giờ phút đặc biệt mà nghệ thuật cất đưa tâm trí ta lên, đó là những giờ phút cao cấp ta như nhìn thấy rộng hơn và tự thống nhất mình với nhiệm vụ vinh quang, lý tưởng tốt đẹp. Bỗng nhiên cái tứ về hoa

Chăm-pa dạt dào đến trong tôi, kết hợp với tình mến yêu dân tộc Lào anh em ruột thịt, tôi cảm thấy mờ mờ rằng mình đang làm trước bốn câu kết của một bài thơ đang hình thành:

Tôi xin hứa với hoa Chăm pa cánh trắng nhụy vàng

Tôi xin thề với hoa Chăm pa lòng vàng cánh tuyết

Mãi mãi thắm tươi nghĩa tình Lào - Việt

Như cốt cách thanh cao, tinh thần sáng đẹp của Chăm pa!

“Viêng Chăn hôm nay” -

Tô Hoài

Ngót trăm năm thực dân Pháp chiếm nước Lào, cả nước Lào không có nổi hai trường trung học và trên 20 năm đế quốc Mỹ tràn vào Lào, phố xá Viêng Chăn chưa có được cống rãnh và hè phố thành hệ thống. Bên dãy nhà sàn ngập ngụa trong lầy lội nhoi lên những tầng nhà ăn, nhà ngủ hiện đại. Cao lâu Tàu Tân đào viên, hiệu ăn Nhật Také, những khách sạn Apollo, Inter... tiệm nhảy Lex... đứng giữa ao rau muống. Đêm mưa, ễnh ương, chẳng chuộc kêu, hôm tôi mới tới, khuya vẫn chưa chợp mắt, ngỡ đâu đây vẫn còn xập xình nhạc hộp đêm.

Trong đêm tối, lại hiện ra một nước Lào đau thương đứng im giữa bóng rừng. Thế mà, thời đế quốc Mỹ xâm lăng Đông Dương, ở Viêng Chăn, có lúc chỉ riêng sứ quán Mỹ, nhân viên đội lốt hành chính của nó đã lên tới con số mấy nghìn. Chẳng ai lạ những mưu kế hiểm độc nhằm đánh phá cách mạng Lào, khống chế và thủ tiêu những lực lượng dân tộc tiến bộ, nuôi phỉ Vàng Pao, làm quân của CIA, đấy là những việc to lớn, còn bây giờ, người Viêng Chăn vẫn kể rằng người Mỹ nào đến Viêng Chăn, họ công tác ở những ngành nào không biết, nhưng ai cũng làm ba việc giống nhau: Một là buôn lậu thuốc phiện; Hai là buôn vàng đem về thị trường vàng Sài Gòn; Ba là quanh năm thuê thợ mộc đóng giường tủ, bàn ghế bằng gỗ tếch, gỗ trắc, đóng gói từng kiện hàng tạ, hàng tấn để gửi về Mỹ, gửi theo cách gửi hàng ngoại giao (khỏi bị đánh thuế và cước). Ai ở Viêng Chăn cũng biết ba việc làm quá quen ấy của người Mỹ thời Mỹ ở Viêng Chăn. Thời ấy, Viêng Chăn như cái chợ đầu bến cửa rừng của kẻ cướp đi buôn...

Viêng Chăn trong mùa mưa Lào. Mỗi ngày mỗi đêm, khi mưa khi không, chợt nắng chợt rào rào. Những cây ban hoa đỏ. Những tán bàng xanh mởn. Những vừng hoa sen nở đỏ thậm. Cái xanh lá xanh mượt, xanh thăm thẳm như kéo dài qua dòng sông sang tận bên kia nước Thái Lan có rặng tếch mờ như khói trong làn hoa vàng rắc phấn. Viêng Chăn, Viêng Chăn trước thiên nhiên vẫn nguyên khuôn mặt đáng yêu tưởng như đã tự bao giờ. Những nét khỏe của cuộc sống mới tô đậm vào trời đất ấy, là một điều rất tự nhiên...

Viêng Chăn, thành phố của những chùa những tháp công trình nghệ thuật dân gian. Những năm 1641-1642, đoàn thuyền của lái buôn Hà Lan Giê-nit Van Oen-stop ngược sông Mê Kông lên Viêng Chăn đã ngạc nhiên trước cảnh hùng vĩ “khi trời vừa tối, hàng mấy trăm chiếc thuyền người chèo người đốt đuốc, cuộc bơi thi bắt đầu quanh những chiếc thuyền thắp nến sáng như kiệu hoa, thế là cả dòng sông mênh mông rực rỡ như nổi lửa lên”...

Tháp cổ Thát Luông - nơi để di cốt những người tu hành, tượng trưng cho đỉnh cao giữa thế gian. Quanh sân cỏ xanh mướt, bước lên tầng hai, suốt bờ tường nở từng cánh sen mọc châu tuần vào 30 ngọn tháp. Đứng đây ngước mặt nhìn đỉnh tháp cao nhất mọc giữa 12 cánh hoa quỳ, ngọn tháp như ngọn nến vàng thắp lên trời, vẳng tiếng khánh reo trong gió. Đứng đây nhìn những cây cọ cổ thụ cùng ra đời với tháp từ những thế kỷ trước, giữa ngôi nhà sàn thênh thang “một nghìn cửa” - cái sa la (quán nghỉ chân) lớn nhất của các chùa trên đất Lào. Trên sa la nghìn cửa giữa vùng cỏ xanh biếc, những tàu lá cọ như những chiếc dù che, bao nhiêu năm đã qua, mỗi năm lại đến một cuộc vui đêm ngày của đám hội chùa Thát Luông đã cắt nghĩa được tâm tình con người với những nét yêu nét tin vô vàn.

Có thể nhận ra những nét tin yêu ấy ở đâu cũng có. Một cánh cửa, một bệ tượng Phật ngồi trên cánh sen, những lá cọ, những bông lúa nếp, cành lá ban vừa trông thấy trong bức tranh và nét khắc, ngước mắt ra sân vẫn thấy người ấy, cây ấy, lá ấy. Phật ngồi niệm, tay bấm hư vô, tay buông thư thái. Phật đi cất bước như người đi ngoài đường. Mọi hình tượng của tín ngưỡng cũng là quanh cảnh đời sống và tâm tư con người. Pho tượng thần mưa óng ả trong chùa Phạ Kèo, cả dáng thân mình chảy dài như dòng nước, hai tay buông, năm ngón năm giọt nước rơi giữa mùa mưa nước Lào. Mùa mưa nước Lào, vẻ ngoài ủ dột ấy của thiên nhiên nhưng lại chính đương chứa đựng một mùa mong đợi, mùa sinh sôi...

“Mùa thu Luông Pha-bang” - Tô Hoài

Luông Pha-bang, thành phố trong những vườn dừa và trong bóng xanh rời vườn chùa những cây chăm pi - hoa ngọc lan. Những cây ngọc lan cổ thụ, sân chùa vườn chùa, đường phố nào cũng có.

Con sông Nậm Khan ra đến đấy còn làm duyên uốn mình một quãng rồi mới chịu hòa vào Mê Kông. Trong giải đất hẹp giữa hai triền sông gặp nhau, chỗ đầu nhọn vút ấy chính là thành phố cổ Luông Pha-bang có núi Phu-Xỉ sừng sững giữa thành phố, như trái núi mọc đầu nhà. Ở Luông Pha-bang, trông phía nào cũng nhìn thấy triền núi và chi chít những nương lúa xanh nhạt dưới bóng mây và nghe tiếng mõ trâu gõ lãng đãng đi qua, những mái chùa kiến trúc bắc Lào năm lần mái nghiêng lên nhau. Luông Pha-bang, thành phố Phật vàng, thành phố trong màu xanh bóng núi có hơn 2 vạn người và trên 50 ngôi chùa. Những rặng cây tếch hoa vàng, những vườn dừa và hoa ngọc lan trắng muốt. Phố trung tâm lượn quanh chân núi Phu Xỉ, những mái chùa cao đứng, ngói mốc đen, ba lần, năm lần xếp chồng lên nhau, khác chùa hai mái ở Viêng Chăn, khác chùa Xiêng Khoảng một mái đứng - mỗi nơi một kiểu, nhưng đâu cũng một kiến trúc Lào, mái rêu phong đen sẫm, không ngói đỏ vàng sặc sỡ như ở một đôi chùa lai Thái, lai Miến. Ở đây cũng như Viêng Chăn, nhưng nghệ thuật ở đây càng thuần Lào hơn nữa, những pho tượng, những tấm khắc trên cửa, những bức tranh vẽ tường, những sự tích chùa chiền chẳng khác mọi sinh hoạt nhân gian ngoài đời sống.

Pho tượng Phật ở chùa Xiêng Thoong khác nào cô gái Lào nằm ngủ nghiêng người, tay áp má, tay duỗi trên thân thật đẹp, hai bàn chân thanh thản xếp bên nhau. Nhà nghệ sĩ tài hoa nào thời ấy đã khéo gửi hình ảnh người yêu của mình vào muôn thuở như thế.

Sự sống thường này trong công cuộc làm ăn và rong chơi, ngoài đời có múa hát, trong tranh có múa hát, người và cá sấu múa rỡn, cả trong gian nguy vẫn múa hát. Múa trên hoa sen lá sen, múa trên lưng ngựa, trên đầu voi, trên đầu quỷ... Những sự tích nhà Phật trên những tranh vẽ tường chùa Vạt May khác đâu những cảnh ta hằng thấy ở mọi nơi trên đất nước này: Lều chợ bên sông, bên hồ sen, người bán cá, bán chổi, người giã gạo, có người vác nước. Cả đến cái nhà tô lên đấy cũng hệt ngôi nhà trong làng: Nhà có bậc thang lên, đầu mái tranh đặt chiếc chum hứng nước mưa với chiếc gáo múc nước treo đầu cột. Một bức tranh hay tấm gỗ khắc nào cũng viền voi, ngựa, trâu và lá cỏ, lá sen - đâu cũng gặp những hằng ngày như thế, cảnh nhà cửa vẽ trên tường chùa cũng như những dãy phố dài đều đặn từng nếp nhà nửa hai tầng nửa sàn, cửa sổ trông ra núi Phu Xỉ.

Cái trống chùa trên núi Phu Xỉ mặt da trâu, đanh gỗ lởm nhởm như những con ốc nhồi bám quanh tang trống. Gác trống cất giữa mỏm đá cao nhất. Không biết ngày đêm từ bao đời, cứ cách quãng ba giờ, nhà sư giữ chùa lại thong thả điểm một hồi. Tiếng trống rơi xuống thành phố. Tiếng thu không, tiếng nửa đêm, tiếng thức giấc, tiếng rạng sáng... thành phố, dòng sông và những dãy núi nửa tỉnh nửa mơ trong tiếng đạo, tiếng đời...

Thay lời kết

Từ khung cửa sổ máy bay nhìn qua tầng mây mỏng, nước Lào toàn một màu xanh. Xanh sông ngòi ao hồ, xanh núi rừng trùng điệp. Lần này chúng tôi có nhiệm vụ trao đổi một số nghiệp vụ để giúp bạn phát triển tờ Hengngan (Báo Lao Động của Lào). Chanthavone Aphayalath, cán bộ của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đợi sẵn tại cửa sân bay hiện đại ở Viêng Chăn có mái được thiết kế mô phỏng các nóc nhà truyền thống như những triền núi gối lên nhau. Anh là cựu lưu học sinh tại Việt Nam, một người tận tụy và dễ mến.

Chanthavone kể, ở Lào không có ngọn núi nào cao quá 1.000m và khách đường xa tưởng như chỉ cần biết câu “Samadi” - xin chào - là có thể đi khắp xứ triệu voi. Lào có chưa đến 7 triệu dân, gồm 3 dân tộc lớn và 49 bộ tộc nhỏ; bản làng nào cũng có một đến hai ngôi chùa.

Một tháng của người Lào có tới 4 ngày rằm: Trăng non, trăng nửa, trăng đầy, trăng non. Người Lào yêu mặt trăng và hình ảnh mặt trăng dịu hiền xuất hiện ngay trên quốc kỳ của họ.

Chanthavone đưa chúng tôi đi buộc chỉ cổ tay, đi thăm Thạt Luổng - tháp lớn nhất, chùa Bà - chùa thiêng nhất Lũy trầm hương Viêng Chăn, rồi đưa qua thăm cố đô Luông Pha-bang - thành phố Phật vàng.

Món ăn của Lào quả là danh bất hư truyền. Chanthavone không để cho chúng tôi ăn lặp lại bất kỳ món nào trong thời gian lưu lại nơi đây.

Lần đầu đặt chân đến nước bạn Lào, với sách trong hành trang và bạn đường như Chanthavone bên cạnh, tôi nghĩ mình không mong muốn gì hơn

Thế Vinh - Việt Thường

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/luy-tram-huong-thanh-pho-phat-vang-561228.html