Lực lượng vũ trang Quân khu 7 chung sức xây dựng khối đại đoàn kết tôn giáo
Quân khu 7 là địa bàn chiến lược trọng điểm phía Nam, nơi hội tụ đa dạng các tôn giáo, tín ngưỡng. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tôn giáo, LLVT Quân khu 7 đã nỗ lực không ngừng, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó, khối đại đoàn kết tôn giáo đóng vai trò then chốt.
Từ nhận thức đến hành động
Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, khi trình bày “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ ta tuyên bố “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 luôn xác định công tác tôn giáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Để hiện thực hóa chủ trương đó, LLVT Quân khu 7 đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Một trong những hoạt động nổi bật là nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo. Chỉ tính riêng năm 2024, Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh Quân khu 7 đã tổ chức 31 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 4.604 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo.

Đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu 7 thăm, chúc mừng Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh nhân dịp Giáng sinh năm 2024. Ảnh: VIỆT THỦY
Cùng với đó, biên soạn nhiều tài liệu, chuyên đề về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán liên quan đến các tôn giáo trên địa bàn, góp phần tăng cường đại đoàn kết tôn giáo. LLVT Quân khu 7 đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới, vận động thanh niên nhập ngũ cũng được đẩy mạnh.
Chia sẻ về kết quả phối hợp tuyên truyền, Linh mục Phan Trọng Quang, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bình Dương cho biết, đồng bào giáo dân luôn cho rằng một người công giáo tốt phải là một người công dân tốt. Trong thời gian qua, người công giáo trong tỉnh Bình Dương hưởng ứng tích cực cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các linh mục, quản xứ luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, như: Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa, khu dân cư không có tội phạm... Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quân nhân là tín đồ các tôn giáo; sắp xếp vị trí, đơn vị công tác phù hợp.
Linh mục Ngô Công Sứ, Phó giám đốc Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, Hạt trưởng Hạt Gia Kiệm, Chánh xứ Giáo xứ Ninh Phát (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, kết quả đó là sự đồng tình rất lớn giữa gia đình, xã hội và cả những cộng đồng tôn giáo, khích lệ thanh niên thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, coi việc nhập ngũ là trách nhiệm với Đảng, Tổ quốc và cũng là niềm hãnh diện của thanh niên Công giáo.
Vun đắp khối đại đoàn kết tôn giáo
Sự gắn bó mật thiết giữa LLVT Quân khu 7 và đồng bào các tôn giáo ngày càng được thể hiện rõ nét qua những hành động thiết thực, lan tỏa tinh thần “quân với dân một ý chí”. Những ngôi nhà mang tên “tình nghĩa”, “đại đoàn kết” mọc lên trên khắp địa bàn Quân khu. Vừa qua, thêm 325 căn nhà mới được xây dựng, trao tặng những gia đình khó khăn, trong đó có 62 căn dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo.
Hàng nghìn suất quà với tổng trị giá hơn 38 tỷ đồng được trao tận tay người nghèo, gia đình chính sách, trong đó có đồng bào các tôn giáo, mang đến niềm vui, lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo. Cùng với đó, Quân khu 7 còn tích cực thực hiện các chủ trương quan trọng như xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân, hỗ trợ 722 căn nhà tại 58 điểm dân cư biên giới.
Đại đức Thích Bửu Hòa, Phó thư ký, Chánh văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Phước cho biết: "Bình Phước hiện có 3 huyện biên giới và đường biên giới kéo dài. Việc xây dựng điểm dân quân liền kề do LLVT Quân khu 7 triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2019-2025 nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của đồng bào phật tử.
Trong các ngày lễ trọng của Phật giáo, Giáo hội Phật giáo tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn phật tử sinh sống gần các chốt dân quân tích cực tham gia phong trào bảo vệ đường biên giới, mốc giới, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn".
Đối với Đại đức Châu Hoài Thái, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tông Kim Quang (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) thì công tác phối hợp giữa LLVT Quân khu 7 và các tôn giáo đã thể hiện tinh thần “đồng lòng vì dân”. Sự giúp đỡ thiết thực của LLVT góp phần tạo nên nền tảng ổn định, hài hòa cho các cơ sở tôn giáo hoạt động. Qua đó, các giá trị tín ngưỡng được phát huy và hòa quyện cùng tinh thần chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước của toàn dân.
Chùa Tông Kim Quang là ngôi chùa Phật giáo Nam tông đầu tiên của người Khmer tại Bình Dương, mới được thành lập năm 2018 và bắt đầu sinh hoạt từ năm 2020. Chùa đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và LLVT trong nhiều công việc thiết thực, như phối hợp trao quà tặng đồng bào phật tử và công nhân khó khăn; tạo quỹ học bổng do LLVT và các nhà hảo tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường...
Để nâng cao hiệu quả phối hợp công tác tôn giáo, Đại đức Châu Hoài Thái bày tỏ, cần tăng cường đối thoại và lắng nghe bằng cách mở rộng kênh giao tiếp giữa LLVT và các cộng đồng tôn giáo để kịp thời nắm bắt nhu cầu cũng như khó khăn của nhân dân và tìm ra các giải pháp chung. Từ đó xây dựng lòng tin, thấu hiểu và sự tôn trọng lẫn nhau; đồng thời duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống để truyền tải thông điệp nhân văn tạo nên nền tảng vững chắc cho sự gắn kết cộng đồng và làm giàu đời sống tâm linh của mỗi cá nhân.