Lục bát lời phố, hồn quê

Phải nói là Lê Tiến Vượng đã tìm thấy giọng điệu lời phố hồn quê trong thể lục bát dễ làm mà khó hay.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng có thơ in chung từ năm 1989 (tập Cánh buồm), mãi đến năm 2002 mới trình làng tập thơ riêng Khách muộn mùa thu. Để rồi sau đó, anh tự thấy mình có duyên với thơ lục bát nên chỉ “chuyên canh” thể thơ này với các tập thơ đã xuất bản: Lục bát bên đời, Lục bát khóc cười, Lục bát phố, mới đây nhất là hai tập thơ in cùng thời điểm - Lục bát thế thờiLục bát đùa chơi.

Phải nói là Lê Tiến Vượng đã tìm thấy giọng điệu lời phố hồn quê trong thể lục bát dễ làm mà khó hay. Năm tập lục bát với khoảng 300 bài đâu phải là chuyện ai cũng có thể làm nếu không đủ bút lực và năng khiếu.

Là một nhà báo làm thơ, Lê Tiến Vượng không ngại dùng thơ châm biếm đả kích những thói xấu thế thời. Vì vậy, Lục bát thế thời giống như một phóng sự thơ với muôn mặt đời, muôn mặt người... Như tác giả bày tỏ thì thơ ông là “tiếng nói của một người với nhiều người, là tiếng lòng của một người đến với muôn người”. Vì “thời thế“ nên trong thơ Lê Tiến Vượng “đụng chạm” nhiều tầng nhiều lớp, nó “khoan sâu” vào nhiều vỉa “nhạy cảm” mà nhiều chuyện, nhiều việc còn để lại những “sang chấn” trong xã hội... Như là: “Ghế cao ông thét rụng rời/ Ra tòa nước mắt tuôn rơi não nề” (Ca rao mới)..

Giọng điệu lục bát của Lê Tiến Vượng là “bi bi hài”, vì tác giả nói nhiều cái xấu, cái trái khoáy, cái đáng buồn, nhưng không bi quan, bế tắc. Tác giả kể cái xấu, giễu cợt, châm biếm, đả kích... là để bạn đọc cùng lên án, cùng tẩy chay, từ đó hướng tới cái đẹp, cái chân, cái thiện.

Chuyện “Tắc đường”, chuyện “Lên phây” sống ảo, chuyện “Quảng cáo”, chuyện buôn dưa “Kể tội chồng”, chuyện “Chạy trường cho con”, “Viên chức về hưu”, “Hội thơ”, “Chân dài chân ngắn”, “Vu vơ đàn bà”... tất cả đều được nhìn, được kể bởi giọng bi hài của tác giả.

Ngay đến cả chính nhân vật “tôi” cũng tự cười mình, tự giễu mình, tự coi mình là một người gàn, người hâm, người “dở hơi” vừa là nhà thơ, vừa là họa sĩ, lại vừa là anh “khù khì / Nửa quê, nửa phố dáng đi nửa mùa” (Bố của con).

Nhưng thơ của họa sĩ Lê Tiến Vượng cũng nặng tính hoài niệm như người đi xa trở về tìm lại những gì đã mất, những tình người, tình quê chất phác hiền hậu: “Về thôi trả chiếc lồng son / Bao năm chim sáo véo von một thời” (Về thôi).

Đọc thơ ông, nhiều người sẽ thấy hình bóng mình, thân phận mỏng manh đâu đó: “Còn ai trăng nữa mà rằm/ Bê tông nhà ống, nhà tầng chơi vơi/ Chả còn quê nữa em ơi!/ Ai rên mà xiết, ai Trời mà đau” (Quê ơi). Hay: “Trải qua bao cuộc bể dâu / Giờ nhìn... sao bỗng thương nhau lạ lùng” ("Hội lớp"). Và: “Đồng làng, chả bóng ai cày / Chí Phèo, Thị Nở tung bay phố phường / Nghĩ về quê mẹ mà thương / Sông quê cũng cạn, huê hường phôi pha / Làng mình, chả phải làng ta / Nén nhang khấn mẹ, khấn cha... cay xè” (Tưởng).

Có thể nói, Lê Tiến Vượng thuộc “gu” nhà thơ luôn quay về với cái thường ngày, với thời cuộc, với cuộc sống thật, con người thật, để cảnh tỉnh, gọi nhau trở về. Ông cũng chủ động trong việc tiếp cận giới trẻ với những ngôn ngữ thơ cập thời: “Hình như em hơi bị ngầu / Anh hơi bị choáng, bắt đầu... hơi yêu”.

Trong hoạt động sáng tạo thơ, vai trò của tiềm thức là rất lớn, “ý thức, ý chí” chỉ là góp phần rất nhỏ vào quá trình đó, ý nghĩa bài thơ luôn vượt ra ngoài khá xa tầm tay của tác giả...

Hy vọng Lục bát thế thời sẽ là một sản phẩm văn hóa “đi đúng xa lộ thơ hôm nay”, để lại trong lòng người đọc những trăn trở và hơn hết là những mong mỏi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn nhà thơ sẽ luôn sống với những nỗi niềm của đời sống mà thơ ca là một phương tiện chuyển tải sâu đằm: “Sao em chả hẹn ngày về / Để thơ với cái bùa mê xoay tròn/ Ngoài kia một mất, một còn / Có khi, thơ, một vết son... bạc màu” (Có khi).

Vũ Thảo My / Hà Nội mới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luc-bat-loi-pho-hon-que-post1411530.html