Luật an ninh mạng như chiếc chìa khóa thứ 3 cho một cánh cửa?

Nói về sư cần thiết của Luật An ninh mạng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy ví von 'như chiếc chìa khóa thứ 3 cho sự an toàn của một cánh cửa'.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy

Sáng nay, 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhận định: “Vì an ninh quốc gia và việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng, nên Quốc hội đã ban hành các Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng. Có thể coi hai luật này như hai chiếc khóa rất chắc chắn, nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm chiếc khóa thứ ba. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc hai khóa đã đủ chắc chắn chưa, nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa nhưng lại giao cho một người khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, nếu không tiếp thu thì cũng có giải trình hết sức thuyết phục và thỏa đáng”.

Trước khi đưa ra ý kiến của mình, ĐB đã điểm lại 10 lý do cần xây dựng ban hành Luật An ninh mạng và Chính phủ đã trình Quốc hội. Theo bà Thúy, có lý do chưa thuyết phục. Mạng chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, nếu nói là cần phải có riêng 1 luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường v.v. cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng. Nếu nói về lĩnh vực bảo vệ thông tin mạng thì điều này đã được quy định ở trong Luật An toàn thông tin mạng.

“Các quy định của 2 luật nói trên đã bao quát vấn đề an ninh mạng, giả sử 2 luật còn bỏ sót những quy định nào đó ở các lý do từ 7 đến 10 liên quan đến việc bảo vệ an ninh quốc gia trên mạng thì có thể rà soát để bổ sung, không cần ban hành thêm một luật. Các lý do 4, 5, 6 liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, thực chất những quy định về vấn đề này tại Chương II dự thảo Luật An ninh mạng chỉ là sự cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng đã được quy định tại Chương II của Luật An toàn thông tin mạng. Những nội dung cụ thể này cũng đã được quy định tại Chương IV Nghị định 85 của Chính phủ về trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin”, ĐB nói.

Chứng minh thêm cho quan điểm của mình, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng nhiều khái niệm của Dự luật Luật An ninh mạng trùng lặp Luật An toàn thông tin mạng. Bà đề nghị Chính phủ và Quốc hội cân nhắc kỹ xem có cần thiết phải ban hành một luật riêng về an ninh mạng hay chỉ cần sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành như Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng.

Dẫn ra ba ví dụ, nữ ĐB đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho rằng việc ban hành Luật An ninh mạng, trong khi đã có Luật An toàn thông tin mạng sẽ dẫn đến tình trạng một việc do 2 cơ quan quản lý, vừa chồng chéo, vừa có khả năng làm khó cho dân.

Trái ngược với quan điểm của ĐB Thúy, ĐB Nguyễn Hữu Cầu - Nghệ An nói: “Tôi nhận thấy, môi trường an ninh mạng không khác gì môi trường xã hội. Trong môi trường xã hội có gì thì ở môi trường mạng có vấn đề đó, tốt cũng nhiều và xấu cũng lắm. Vấn đề xấu trong môi trường mạng tấn công vào bộ não con người, nơi nguy hiểm nhất của con người, bởi đó là nơi quyết định hành động của mọi cá nhân, nó tác động làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức và tất yếu sẽ sinh ra những hành vi sai trái, điều nghịch lý ở đây là hành vi tấn công nguy hiểm như vậy mà người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn của nhà nước.”

ĐB Nguyễn Hữu Cầu - Nghệ An

Theo ông, nhiệm vụ của nhà nước phải quản lý loại trừ bớt các thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế của nhà nước như nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Luật An ninh mạng được xây dựng trên cơ sở góp phần thêm vào việc thực hiện hai nhiệm vụ đó.

Trở lại với quan điểm của môi trường mạng cũng như môi trường xã hội ĐB nói: “Chúng ta thử hình dung xem trong xã hội có rất nhiều luật bị điều chỉnh, trong khi đó ở môi trường mạng mới có Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin và một vài ba luật nữa liên quan là theo tôi quá ít ỏi. Tôi thử đặt câu hỏi vì sao trong môi trường xã hội chúng ta đã có Bộ luật Hình sự để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm rồi mà chúng ta lại phải xây dựng thêm luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống mua bán người.”

Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, những phân tích đó để thấy rằng đã có Luật An toàn thông tin mạng rồi mà vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng.

Ví như Luật Hình sự quy định tất cả những hành vi nào là hành vi phạm tội, còn Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống ma túy quy định những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chuyên sâu hơn với các loại tội phạm mà nhà nước thấy nguy hiểm hơn cần ưu tiên phòng, chống.

“Tương tự như vậy, Luật An toàn thông tin mạng, bảo vệ sự an toàn thông tin trên 3 thuộc tính chung nhất, đó là tính nguyên vẹn của thông tin, tính bảo mật thông tin và tính khả dụng của thông tin. Còn Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hai dự án luật này và tôi nghĩ rằng nếu sau này chúng ta có thêm những luật chuyên sâu trên môi trường mạng thì tôi cho đó là bình thường. Thực tế nhiều nước trên thế giới như ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã có Luật An ninh mạng mà Ban soạn thảo đã tham khảo khi xây dựng luật này.” ông nói.

Về vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều 34 của dự án luật. ĐB cho rằng việc cung cấp dịch vụ Internet do các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận mà đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể.

“Mặt khác, nghiên cứu điểm b Điều 29.2 Hiệp định TPP quy định về ngoại lệ an ninh nêu rõ "không có quy định nào của hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia” - ông nói.

Đồng quan điểm với ĐB Nguyễn Hữu Cầu, ĐB Triệu Tuấn Hải - Lạng Sơn nhận định không gian mạng cũng như xã hội có hành vi nội dung tốt tích cực, có hành vi nội dung xấu tiêu cực, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải phát huy, khuyến khích các nội dung hành vi tốt tích cực. ĐB nhận địinh việc hạn chế, ngăn chặn, xử lý nghiêm các nội dung hành vi xấu tiêu cực ảnh hưởng đến xã hội. Đây là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet.

“Trong thời gian vừa qua các cơ quan chức năng của Việt Nam đã yêu cầu một số doanh nghiệp nước ngoài gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin xấu trái pháp luật trên các trang mạng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet thiếu thiện chí, không hợp tác về vấn đề này. Do đó, việc quy định cấp giấy phép hoạt động đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam là phù hợp. Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động, có biện pháp xử lý cứng rắn, doanh nghiệp thiếu thiện chí, không hợp tác làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.” – ông nói.

Doanh Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/luat-an-ninh-mang-nhu-chiec-chia-khoa-thu-3-cho-mot-canh-cua-367673.html