Lửa xung đột kéo lùi triển vọng hòa bình Trung Đông
Khi đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas bế tắc tại Doha, Israel quyết định phát động một chiến dịch quân sự khác nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen. Việc Tel Aviv đồng thời mở nhiều mặt trận dẫn đến lo ngại cánh cửa hòa bình Trung Đông – vốn đã mong manh – đang dần thu hẹp, bất chấp nỗ lực ngoại giao của quốc tế.
Không lâu sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xác nhận thông tin cử phái đoàn đến Doha (Qatar) để đàm phán về lệnh ngừng bắn - trao đổi con tin ở Dải Gaza, thông tấn Reuters ngày 7/7 dẫn các nguồn tin ngoại giao cấp cao của Palestine xác nhận hai bên đã trao đổi thông điệp thông qua các ngoại giao Qatar và Ai Cập trong nhiều giờ, nhưng chưa đạt kết quả tích cực.
Theo Reuters, Thủ tướng Netanyahu đã chỉ thị phái đoàn Israel phải tuân thủ đúng các nội dung mà Israel đã thống nhất từ trước, đồng nghĩa rằng Tel Aviv không sẵn sàng nhượng bộ về bất cứ điều khoản nào. Ở chiều ngược lại, phong trào Hamas khẳng định đã phản hồi đề xuất ngừng bắn với tinh thần tích cực. Tuy nhiên, phía Israel mô tả các yêu cầu của Hamas là “không thể chấp nhận được”.
Truyền thông quốc tế nhận định, Hamas vẫn kì vọng rằng, bất cứ lệnh ngừng bắn nào cũng phải dẫn đến việc Israel rút quân, chấm dứt tấn công một cách lâu dài. Israel nhiều lần bác bỏ khả năng đó và tuyên bố họ chỉ dừng lại khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn.

Cột khói bốc lên từ thủ đô Sanaa của Yemen sau đợt không kích ngày 6/5 của Israel. Ảnh: AFP
Israel và Hamas trở lại bàn đàm phán ở Doha sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước thông báo đã tiến hành “cuộc họp dài và hiệu quả với Israel về Dải Gaza”, dẫn đến việc “Israel đồng ý với các điều kiện cần thiết để hoàn tất một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày”.
“Trong thời gian ngừng bắn đó, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các bên để chấm dứt chiến tranh. Tôi hi vọng, vì lợi ích của Trung Đông, Hamas sẽ chấp nhận thỏa thuận. Nếu không, mọi thứ chỉ tệ hơn”, ông Trump nêu rõ.
Sáng 7/7, ông Trump một lần nữa nêu quan điểm rằng các bên có thể đạt thỏa thuận ngay trong tuần này. Ông dự kiến tiếp đón và hội đàm cùng Thủ tướng Netanyahu ở thủ đô Washington hôm nay (8/7).
Chưa có thông tin chi tiết về đề xuất ngừng bắn mà Mỹ thúc đẩy. Reuters tiết lộ, đề xuất đó là kết quả của nhiều tháng đàm phán hậu trường do ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông, dẫn dắt. Tháng 5/2025, ông Witkoff từng nêu một đề xuất, mà theo đó Tổng thống Trump sẽ đứng ra đảm bảo Israel tuân thủ các điều khoản nếu các bên đạt thỏa thuận. Ngay khi việc ngừng bắn bắt đầu, Israel và Hamas sẽ thương lượng về khả năng tiến đến ngừng bắn lâu dài.
Về vấn đề con tin, đề xuất của Mỹ yêu cầu Hamas trao trả 10 con tin Israel còn sống và thi thể 18 người đã thiệt mạng thành hai đợt. Những người này nằm trong "danh sách 58" mà Israel đã gửi Hamas, gồm danh tính 58 người Israel đang bị giữ ở Dải Gaza. Đổi lại, Israel sẽ thả tự do cho hơn 1.200 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù mà Israel quản lý (trong đó có 125 người bị Israel kết án chung thân), cùng thi thể của 180 người Palestine thiệt mạng.
Ngoài ra, đề xuất do Mỹ đưa ra có gồm nội dung viện trợ nhân đạo sẽ lập tức được đưa vào Dải Gaza sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực và kéo dài suốt thời gian ngừng bắn.
Khi các cuộc đàm phán chưa đạt đột phá, Israel những giờ qua vẫn duy trì tấn công Dải Gaza với hỏa lực mạnh. AlJazeera chiều 7/7 cho biết, ít nhất 82 người Palestine ở Dải Gaza đã thiệt mạng vì trúng bom của Israel trong 24h gần nhất, bao gồm 10 nạn nhân đang đứng chờ viện trợ lương thực. Từ tháng 10/2023 đến nay, 57.418 người Palestine đã thiệt mạng vì xung đột ở Dải Gaza, phần lớn là phụ nữ và trẻ nhỏ.
Trong diễn biến cho thấy tình hình Trung Đông diễn biến xấu đi, Israel sáng 7/7 thông báo mở chiến dịch quân sự mới mang tên Cờ Đen với lí do đáp trả việc lực lượng Houthi ở Yemen phóng tên lửa vào Israel.
Những giờ qua, quân đội Israel triển khai 20 máy bay quân sự để ném hơn 50 quả bom vào các cảng quan trọng Hodeidah, As-Salif, Ras Isa và nhà máy điện Ras Katib ở Yemen; đồng thời phá hủy tàu Galaxy Leader (thuộc sở hữu của một công ty Anh) bị Houthi giữ từ năm 2023. Israel cáo buộc Houthi lắp radar lên tàu để phục vụ các hoạt động quân sự ở biển Đỏ.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cảnh báo “Yemen sẽ bị đối xử như Tehran”, chỉ dấu Tel Aviv sẽ tiếp tục tấn công mục tiêu Houthi ở cường độ cao. “Bất cứ ai cố gắng làm hại Israel sẽ chịu hậu quả. Người Houthi phải trả giá đắt cho hành động của họ”, ông Katz nêu.
Đáp lại cảnh báo của Israel, Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục các đợt tập kích để ủng hộ người Palestine tại Dải Gaza tới khi nào Israel ngừng chiến dịch quân sự và chấm dứt lệnh phong tỏa khu vực này. “Houthi đã sẵn sàng đối mặt với khả năng Israel leo thang”, quan chức Houthi nói. Theo Times of Israel, trong ngày 7/7, lực lượng Houthi tiếp tục phóng ít nhất 2 tên lửa nữa về phía lãnh thổ Israel, nhưng không gây thiệt hại.
Ngoài hai mặt trận ở Yemen và Dải Gaza, Al Jazeera đưa tin, Israel ngày 6 và 7/7 tiếp tục khai hỏa vào các mục tiêu ở miền Nam và miền Đông Lebanon. Dù đạt thỏa thuận ngừng bắn với nhóm Hezbollah ở Lebanon từ cuối năm 2024, nhưng Israel vẫn chưa rút quân khỏi lãnh thổ nước láng giềng. Thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem ngày 6/7 khẳng định phong trào này sẽ không đầu hàng hoặc hạ vũ khí trước áp lực của Tel Aviv.
Giới quan sát đánh giá, những diễn biến dồn dập trong tuần đầu tháng 7 cho thấy vòng xoáy bạo lực ở Trung Đông chưa thu hẹp cả về không gian địa lý và mức độ khốc liệt. Việc Israel đồng thời duy trì chiến dịch quân sự ở Dải Gaza, Yemen và Lebanon có thể làm gia tăng nguy cơ chiến tranh khu vực, đẩy các nỗ lực ngoại giao vào thế khó. Hòa bình Trung Đông, như nhiều nhà phân tích cảnh báo, sẽ còn là một mục tiêu xa vời nếu các bên không sẵn sàng nhượng bộ để mở ra lối thoát cho đối thoại.