Lời cảnh báo sớm cho căng thẳng Mỹ - Trung

Trong bài phát biểu năm 2005, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick từng khởi xướng một cuộc đối thoại chiến lược với Trung Quốc.

Khi phát biểu trong buổi dạ tiệc thường niên năm 2005 của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Robert Zoellick được kỳ vọng sẽ dành những lời có cánh để “hâm nóng” mối quan hệ giữa hai nước.

Thay vào đó, ông lại khởi xướng một cuộc đối thoại chiến lược với Trung Quốc. Trong bài phát biểu, ông coi Bắc Kinh là một cường quốc mới nổi, đồng thời kêu gọi nước này đóng vai trò là “bên liên quan có trách nhiệm” trong trật tự thế giới.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick. Ảnh: AP.

Khi ấy, ông Zoellick đã cảnh báo giai đoạn “tuần trăng mật” trong mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ sớm kết thúc. Trong bài diễn văn, nhà ngoại giao chỉ ra xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng ở Mỹ, tình trạng thâm hụt thương mại và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định bài phát biểu của ông Robert Zoellick có tầm nhìn đi trước thời đại. Đây cũng là công cụ hữu hiệu giúp dự đoán các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.

Phản ứng trái chiều

Năm 2005, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Robert Zoellick khẳng định phần lớn cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã cảm thấy bất mãn với Trung Quốc. Ông nói: “Nhiều người Mỹ lo ngại rằng con rồng Trung Quốc chỉ biết phun lửa và ngang ngược. Do đó, Washington không thể duy trì hệ thống kinh tế mở nếu Bắc Kinh không hợp tác tích cực hơn”.

Evan Feigenbaum, cố vấn cấp cao của cựu thứ trưởng ngoại giao, cho biết ông từng tích cực tham gia soạn thảo bài phát biểu nói trên. Ông chia sẻ với báo South China Morning Post: “Ở thời điểm đó, rất nhiều người phản đối bài phát biểu này, kể cả ở Mỹ”.

Theo ông Feigenbaum, một số quan chức có quan điểm ủng hộ Trung Quốc không chấp nhận giọng điệu và phản đối tinh thần của bài phát biểu. Một chuyên gia người Mỹ thân Trung Quốc còn tìm gặp rồi chất vấn ông Zoellick: “Ông thực sự đã viết bài phát biểu đó à?”.

Bắc Kinh lúc đó có phản ứng ban đầu khá thận trọng. Theo ông Feigenbaum, đây là thời điểm Trung Quốc chưa xác định được tầm ảnh hưởng và tác động nếu Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại với nước này.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Ông Feigenbaum hồi tưởng chuyến thăm Washington vào cuối năm 2005 của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo). Khi ấy, ông Đới Bỉnh Quốc đã có cuộc hội đàm với ông Robert Zoellick, ông Evan Feigenbaum, Giám đốc cấp cao khu vực Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Dennis Wilder và nhiều quan chức khác từ Bộ Ngoại giao Mỹ như Josette Sheeran, Christopher Hill và James Keith.

“Trong buổi họp này, ông Đới Bỉnh Quốc mang theo rất nhiều tài liệu và các mẩu ghi chú. Sau đó, ông ấy chia sẻ thông tin với chúng tôi nhằm chứng tỏ Trung Quốc đã đóng vai trò là bên liên quan có trách nhiệm trên nhiều phương diện”.

Tầm nhìn đi trước thời đại

Cũng theo cố vấn Feigenbaum, bài phát biểu 15 năm trước đang là một công cụ hữu hiệu, giúp dự đoán các cuộc đối thoại trong tương lai của Mỹ và Trung Quốc. Nhiều yếu tố trong bài diễn văn phần nào dự báo sự thay đổi chóng mặt và tình trạng “chạm đáy” trong mối quan hệ giữa hai nước.

Nhìn lại lịch sử, một số người đã không đón nhận quan điểm đi trước thời đại của ông Zoellick. Song ngày nay, thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc đã có nhiều thay đổi nhất định và có phần ít tích cực hơn.

Chiến thắng trong cuộc tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đã chứng thực dự đoán của ông Robert Zoellick vào năm 2005.

Một khu cảng tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

“Từ 15 năm trước, ông Zoellick đã bày tỏ quan điểm rõ ràng. Ông ấy cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung sớm muộn sẽ xảy ra và Bắc Kinh cần phải thay đổi”, Zack Cooper, chuyên gia phân tích chuyên về quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-canh-bao-som-cho-cang-thang-my-trung-post1133924.html