Lời Bác năm xưa: 'Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn'

... Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn với chiến trường, quân sự gắn với chính trị. 'Một quân đội văn hay võ giỏi là một quân đội vô địch'

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh TTXVN).

74 năm trước (tháng 4-1949), trong thư gửi “Quân nhân học báo” (*), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học.

Học không bao giờ cùng.

Học mãi để tiến bộ mãi.

Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”.

Lịch sử dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước với biết bao thế hệ nối tiếp nhau đứng lên trong các cuộc chiến đấu trường kỳ để gìn giữ non sông, bờ cõi. Chính vì lẽ đó, dân tộc Việt Nam tha thiết yêu chuộng hòa bình và công lý. Xuyên suốt lịch sử dân tộc, quân đội ta đã từ Nhân dân mà ra, vì hòa bình, độc lập, tự chủ và chính nghĩa mà chiến đấu. Tư tưởng đó luôn được các bậc hiền nhân trong lịch sử răn dạy lực lượng chiến đấu. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã căn dặn trong “Hịch tướng sĩ”: “Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù”. Nguyễn Trãi thì thay lời vua Lê tuyên cáo: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Tư tưởng chính nghĩa và nhân văn ấy được mỗi tướng sĩ học tập, rèn giũa để tạo nên một sức mạnh tinh thần vô địch.

Kế thừa mạch nguồn tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm một lần nhắc nhở quân đội ta “biết võ, biết văn” để vừa giỏi trong chiến đấu, vừa vững vàng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, và “Muốn biết thì phải thi đua học”. Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn với chiến trường, quân sự gắn với chính trị. Bác khẳng định: “Một quân đội văn hay võ giỏi là một quân đội vô địch”.

Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. (Ảnh TTXVN).

Ngay từ khi chủ trương thành lập đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, Bác đã coi trọng việc “quân nhân phải biết võ, biết văn”, chẳng thế mà trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người đã nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…”. Muốn vậy mỗi chiến sĩ phải là một tuyên truyền viên, thông qua thực tiễn đấu tranh để học tập, tích lũy kinh nghiệm, ngày càng trưởng thành, trở thành những hạt nhân dìu dắt phong trào cách mạng. Ngay sau khi thành lập, bám sát Chỉ thị có giá trị như một cương lĩnh của Bác, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã triệt để chấp hành việc tuyên truyền, vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh, dìu dắt các đội vũ trang địa phương trong việc huấn luyện, trang bị vũ khí; đồng thời gây dựng cơ sở chính trị và quân sự cho khởi nghĩa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau đó, đã được khẳng định là thắng lợi của sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

Trong Thư gửi Quân sự Tập san năm 1948, Người một lần nữa căn dặn: “Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”. Bác chỉ rõ: “Phải học tập chính trị. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại… Quân đội ta là quân đội nhân dân; nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”, và “Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc làu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu… Tóm lại là học để nâng cao trình độ người chỉ huy”.

Người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng tư lệnh đầu tiên, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là minh chứng sáng rõ nhất về “Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn”. Thế giới ngưỡng vọng Đại tướng là “một thiên tài quân sự”, “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng kiệt xuất”… cũng bởi ông là “vị tướng văn võ song toàn”, đúng như câu đối của nhà giáo, nhà báo Hồ Cơ tặng Đại tướng nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông: “Văn lo việc nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn!”.

Tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu: Phải chú trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tuyệt đối. Đó vừa là mệnh lệnh vừa là động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; tích cực rèn luyện thân thể để có đủ trí, lực để phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh.

Nguyên Phong

(*) “Quân nhân học báo” là Tập san chuyên hướng dẫn bộ đội ta học văn hóa, do Cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh xuất bản mỗi tháng một kỳ tại Việt Bắc, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/theo-guong-bac/loi-bac-nam-xua-biet-vo-biet-van-moi-la-quan-nhan-hoan-toan/182892.htm