Loay hoay xử lý doanh nghiệp nợ BHXH

Tình trạng DN vi phạm pháp luật về BHXH ngày càng phức tạp. Trong khi đó, việc khởi kiện các DN để nợ BHXH đang bị tắc khiến quyền lợi người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Công nhân Cty Nam Phương (huyện Củ Chi, TPHCM) là nạn nhân của tình trạng chủ doanh nghiệp nợ BHXH. Ảnh: L.T

Tồn đọng gần 1.000 hồ sơ kiện DN nợ BHXH

Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TPHCM, năm 2017, tại TPHCM có 8.884 đơn vị nợ BHXH của 302.643 lao động với tổng số tiền hơn 271 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2018, có 30.440 đơn vị nợ BHXH (1.130.909 lao động) với tổng số tiền hơn 97,5 tỉ đồng, trong đó, số nợ từ DN giải thể, phá sản, bỏ trốn là 22,3 tỉ đồng. Nói về tình trạng này, đại diện Sở LĐTBXH TPHCM cho rằng, phần lớn DN nợ đọng kéo dài thường không có khả năng thanh toán hoặc cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH để làm việc khác. Khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng hoặc cố tình làm ngơ do các chế tài chưa đủ mạnh. Khi xử lý DN vi phạm, Thanh tra Sở LĐTBXH thường áp dụng biện pháp cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, việc xác định DN có bao nhiêu tài khoản là vấn đề rất khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều DN dù hoạt động sản xuất bình thường nhưng kiểm tra tài khoản thì trống rỗng.

Về việc khởi kiện DN để nợ BHXH, ông Phan Văn Mến cho biết, kể từ khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH trên địa bàn TPHCM của cơ quan BHXH đều bị tòa đình chỉ thụ lý, yêu cầu chuyển sang cho tổ chức công đoàn (CĐ) khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, 937 hồ sơ DN vi phạm được tổ chức CĐ chuyển sang tòa chưa được thụ lý vì vướng thủ tục tố tụng. Hiện cũng chưa có hướng dẫn về việc chuyển hồ sơ DN vi phạm cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự nên chưa có DN nào bị xử lý theo quy định này.

Theo ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, một trong những vướng mắc của quy trình khởi kiện DN nợ BHXH chính là từng NLĐ phải ủy quyền cho CĐ cơ sở. Điều này khó khả thi khi cán bộ CĐ cơ sở đang hưởng lương từ DN và NLĐ phải bảo vệ việc làm của mình.

Cần rút gọn thủ tục khởi kiện DN nợ BHXH

Ông Phan Văn Mến cho rằng, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng áp dụng nhiều biện pháp mạnh như thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính, chuyển hồ sơ DN vi phạm sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự nhưng tình trạng nợ đóng BHXH vẫn tiếp diễn. Ông Mến kiến nghị, Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xây dựng quy trình khởi kiện DN vi phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn, nhanh chóng để kịp thời bảo vệ quyền lợi NLĐ; đồng thời, sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuyển cơ quan điều tra đối với chủ sử dụng lao động nợ, trốn đóng BHXH để xử lý theo quy định của luật hình sự.

Phía Sở LĐTBXH TPHCM cho rằng, để bảo đảm việc thực thi pháp luật, cần có sự phối hợp của hệ thống ngân hàng trong việc xác định số tài khoản của DN. Bên cạnh đó, cần ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, BHYT đối với DN nợ kéo dài, số tiền nợ lớn, các DN đã khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán để cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết quyền lợi cho NLĐ; xem xét bổ sung quy định DN trước khi thành lập phải có phương án sử dụng lao động và có quy định tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với NLĐ khi DN mất khả năng thanh toán hoặc bỏ trốn.

Ông Kiều Ngọc Vũ đề xuất, nên nghiên cứu giao việc khởi kiện DN nợ BHXH cho CĐ cấp trên, đồng thời tòa án cần linh động chấp nhận giấy ủy quyền tập thể. Các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra đối với DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên để ngăn chặn tình trạng DN nợ BHXH kéo dài, bỏ trốn khiến NLĐ mất quyền lợi.

KHÁNH NINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/loay-hoay-xu-ly-doanh-nghiep-no-bhxh-635334.ldo