Lộ trình tăng lãi suất của NHTW Nhật đang bị thách thức
Lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của NHTW Nhật Bản (BOJ) đang phải đối mặt với một thách thức lớn do tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, trong khi chính sách thuế quan cao của Mỹ tiếp tục đe dọa nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này.

Tình thế lưỡng nan
BOJ đang đối mặt với một bài toán khó khi mà tiền lương thực tế đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 20 tháng vào tháng 5 đang hối thúc họ phải tăng lãi suất và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên triển vọng không mấy sáng của nền kinh tế như đang hạn chế khả năng thắt chặt chính sách của của cơ quan này.
Dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật vừa được công bố mới đây cho thấy, tiền lương thực tế đã giảm 2,9% trong tháng 5 so với một năm trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp tiền lương thực tế giảm và cũng mạnh hơn nhiều so với mức giảm 2% của tháng 4.
Dữ liệu tiền lương thực tế cho thấy lạm phát đang ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập ở Nhật Bản, mặc dù lương danh nghĩa tăng mạnh.
Theo đó, các công đoàn của Nhật Bản đã đảm bảo mức tăng lương cao nhất kể từ năm 1991 trong các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân năm nay. Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) cho biết tuần trước rằng, các thành viên của họ đã nhận được mức tăng lương tổng thể là 5,25% cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao hơn mục tiêu 2% của BOJ trong hơn 3 năm qua đã làm giảm tác động của việc tăng lương. Dữ liệu của chính phủ Nhật cho thấy, trong khi tiền lương danh nghĩa tăng hàng tháng kể từ tháng 12 năm 2021, tiền lương thực tế hàng năm đã giảm trong hơn 30 trong số 41 tháng kể từ đó.
BOJ từ lâu đã tuyên bố rằng một “chu kỳ lành mạnh”, trong đó mức lương cao hơn thúc đẩy tăng trưởng giá cả là cần thiết để tăng lãi suất, nhưng sự suy thoái kinh tế đang ngăn cản quá trình này.
Theo đó, nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm lần đầu tiên trong 1 năm qua trong quý đầu năm, giảm 0,2% theo quý do xuất khẩu giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Trong khi triển vọng kinh tế cũng chẳng mấy tươi sáng khi mà chính sách thuế quan của Mỹ có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Nhật. Mỹ đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Nhật Bản từ ngày 1/8.
Giới chuyên gia cũng bất đồng quan điểm
BOJ có nên tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay nên tiếp tục giữ nguyên lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng trong nền kinh tế Nhật Bản trong thời điểm thuế quan không chắc chắn? Các nhà phân tích cũng có quan điểm trái chiều về lộ trình chính sách phía trước của BOJ.
Hirofumi Suzuki - Trưởng phòng Chiến lược ngoại hối tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation nói với CNBC rằng, mặc dù sự suy giảm của tiền lương thực tế trong tháng 5 “phần lớn là tạm thời”, nhưng điều này có thể làm giảm sự mở rộng kinh tế khi mức tiêu dùng chậm lại.
Bởi vậy theo ông, sự chậm lại trong tăng trưởng tiền lương thực tế này cho thấy sức mạnh của “chu kỳ lành mạnh” của BOJ không mạnh như mong đợi và có thể là một yếu tố khiến việc tăng lãi suất bị trì hoãn.
Ngược lại, Jesper Koll của công ty dịch vụ tài chính Monex Group có trụ sở tại Tokyo cho biết, lạm phát tăng nhanh hơn tiền lương sẽ củng cố cam kết của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda về việc tăng lãi suất, điều này sẽ gần như ngay lập tức thúc đẩy sức mua của người dân thông qua đồng yên mạnh hơn. Ông cho biết, điều này là do một phần ba chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản có liên quan trực tiếp đến giá nhập khẩu và đồng yên mạnh hơn sẽ làm giảm lạm phát nhập khẩu.
Trong khi Vishnu Varathan - Giám đốc điều hành tại Mizuho Securities lại cho rằng: “Kế hoạch tối ưu cho BOJ có thể là không làm gì cả. Ngồi yên để khẳng định xu hướng thắt chặt (mặc dù còn lâu nữa) khi vượt qua những bất ổn về thuế quan”. Varathan cho biết, BOJ có thể sẽ lùi lại chứ không can thiệp: BOJ có lẽ không có mục tiêu tăng thêm (lãi suất) nữa do lo ngại về việc kìm hãm nhu cầu trong nước.
Tháng trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã bày tỏ sự tin tưởng rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ có thể chịu được áp lực giảm từ thuế quan của Mỹ, đồng thời nói thêm rằng chu kỳ tăng lương và giá cả sẽ không bị gián đoạn.