Lo sợ viễn cảnh ác mộng, Nga bất ngờ xuống nước níu kéo Mỹ?

Sau khi tung ra những cảnh báo và đe dọa nghiêm khắc, Nga bất ngờ xuống nước, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn. Bước đi này của Moscow khiến nhiều người nghĩ rằng Moscow thực sự không muốn phải đối mặt với viễn cảnh ác mộng về một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và chứa đầy những hiểm nguy không chỉ cho riêng hai nước Nga, Mỹ mà với cả thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu

Bất chấp việc Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), Moscow vẫn sẵn sàng tiến hành đối thoại với Washington về vấn đề tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm qua (18/8) đã tuyên bố như vậy trên kênh truyền hình Rossiya-24 TV.

"Chúng tôi vẫn đang để ngỏ khả năng đàm phán. Chừng nào Mỹ chưa triển khai những hệ thống như thế đến Châu Âu thì chúng tôi sẽ không làm giống như vậy và chừng nào chưa có các tên lửa của Mỹ ở Châu Á thì cũng sẽ không có những tên lửa của chúng tôi ở khu vực đó”, ông Shoigu nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng, Moscow đã nhiều lần liên tục kêu gọi Mỹ tiến hành đàm phán về vấn đề tên lửa. “Từ tháng Hai cho đến ngày 2/8, chúng tôi liên tục để ngỏ khả năng đàm phán”, ông Shoigu cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp các dữ liệu về tên lửa 9M729 tại một cuộc họp báo ở Moscow nhưng các đại diện của Mỹ đã lựa chọn không tham gia sự kiện.

Tên lửa 9M729 mang đầu đạn có sức công phá lớn và có một hệ thống điều khiển giúp nó đạt độ chính xác cao. Hầu hết các bộ phận trong tên lửa 9M729 đều giống hệt phiên bản cũ 9M728 - loại tên lửa mạnh được trang bị cho hệ thống Iskander-M.

Tên lửa 9M729 gây lo ngại rất lớn cho Mỹ và Mỹ tin rằng, Nga đã tiến hành thử nghiệm tên lửa loại này ở các tầm bắn vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tên lửa 9M729 có tầm bắn tối thiểu là 50km - giống với phiên bản trước đó 9М728 của nó. Tầm bắn tối đa của tên lửa 9M729 là 480km, ngắn hơn 10km so với tầm bắn của tên lửa 9М728 - loại tên lửa vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Trong khi Mỹ tin rằng, tên lửa 9M729 của Nga có tầm bắn vượt phạm vi 500km được quy định trong hiệp ước INF thì Nga bác bỏ điều này. Mỹ muốn Nga phải hủy bỏ toàn bộ tên lửa 9M728 nhưng Nga kiên quyết không chấp nhận.

Bộ Quốc phòng Nga đã lần đầu tiên cho “trình làng” tên lửa 9M729 để các tùy viên quân sự nước ngoài có thể trực tiếp nhìn thấy loại vũ khí mới này của Nga trong một nỗ lực nhằm giải tỏa nỗi quan ngại của phương Tây và mở đường cho các cuộc đối thoại nhằm giữ lại hiệp ước INF. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các đại diện của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO đều không đến tham dự sự kiện giới thiệu tên lửa của Nga.

Kết quả là Nga đã không thể cứu vãn được hiệp ước INF. Ngày 2/8, Mỹ đã chính thức rút ra khỏi hiệp ước này và Bộ Ngoại giao Nga đến lượt mình cũng chính thức xác nhận INF đã bị hủy bỏ theo sáng kiến của phía Mỹ.

INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây. Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km). Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở Châu Âu.

INF bị hủy bỏ đã gây lo ngại không chỉ cho Nga, Trung Quốc, Châu Âu mà cả cộng đồng quốc tế. Nỗi lo ngại này tiếp tục tăng lên khi Mỹ mới đây công khai tuyên bố ý định triển khai một loạt tên lửa đến Châu Á.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201908/lo-so-vien-canh-ac-mong-nga-bat-ngo-xuong-nuoc-niu-keo-my-638608/