Lộ lý do sốc công chúa TQ không được mẹ ruột nuôi dưỡng?

Dưới thời phong kiến ở Trung Quốc, các hoàng tử, công chúa không được mẹ ruột trực tiếp nuôi dưỡng. Thay vào đó, nhũ mẫu phụ trách chăm sóc, nuôi nấng các con của hoàng đế. Vì sao lại vậy?

Hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến thường có rất nhiều con cái. Những hoàng tử, công chúa thân phận tôn quý và có cuộc sống nhung lụa, phú quý.

Tuy nhiên, khác với con cái của những gia đình bình thường, hoàng tử, công chúa lớn lên trong hoàng cung không được mẹ ruột đích thân nuôi dưỡng, chăm sóc sớm tối. Thay vào đó, hoàng đế chọn lựa nhũ mẫu hay còn gọi nhũ nương để chăm sóc, nuôi nấng các con.

Ngay từ khi sinh ra, các hoàng tử, công chúa không được uống sữa của mẹ ruột. Nhũ mẫu là người sẽ tìm kiếm những phụ nữ mới sinh con, có lượng sữa nhiều và cho ăn theo chế độ đặc biệt để cho các con của hoàng đế dùng.

Không chỉ chăm lo từng bữa ăn, nhũ mẫu cũng phụ trách việc ăn mặc, giấc ngủ và dạy nhiều thói quen, quy tắc trong cung cho hoàng tử, công chúa. Vì vậy, nhiều hoàng tử, công chúa thân thiết, gần gũi với các nhũ mẫu hơn là mẹ ruột.

Từ đây, nhiều người tò mò vì sao hoàng đế lại không cho các phi tần trực tiếp nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái để tình mẫu tử càng bền chặt hơn. Trước câu hỏi này, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những lý do các phi tần không trực tiếp nuôi con là vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sau khi sinh con, sức khỏe của các phi tần sẽ yếu đi. Nếu tiếp tục cho con bú và chăm sóc con nhỏ trong thời gian dài thì nhan sắc và vóc dáng của các phi tần ngày càng xấu.

Lúc ấy, các phi tần sẽ không còn được hoàng đế sủng hạnh, yêu chiều như trước. Địa vị của họ sẽ có thể lung lay bởi những mỹ nhân trẻ trung xinh đẹp khác trong cung, nhất là những người chưa từng sinh con. Đây cũng là lý do các phi tần sẵn sàng để nhũ mẫu chăm sóc con cái thay mình để nhanh chóng lấy lại vóc dáng xinh đẹp, quyến rũ để có được sự ân sủng của nhà vua.

Thêm nữa, hoàng đế không muốn các phi tần và con cái quá thân thiết. Mục đích của nhà vua khi làm điều này là vì không muốn các hoàng tử, công chúa dựa vào thế lực bên nhà mẹ ruột để tranh giành quyền lực, địa vị trong triều đình.

Đặc biệt, hoàng đế không muốn các con trai quá gần gũi với mẹ ruột và sử dụng các mối quan hệ, tiền bạc của nhà ngoại để giúp họ tranh đoạt ngôi báu với các anh em cùng cha khác mẹ.

Hoàng đế muốn đích thân lựa chọn hoàng tử nào làm thái tử mà không có sự can thiệp của các thế lực trong hậu cung cũng như ảnh hưởng của nhà ngoại dành cho vợ con. Vì vậy, không để các phi tần trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc con cái giúp hoàng đế đảm bảo sự ổn định của hậu cung, không để các mỹ nhân can thiệp vào chuyện triều chính.

Mời độc giả xem video: Nhật Bản chọn hoàng tử Akishino là người kế vị ngai vàng. Nguồn: THĐT1.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/lo-ly-do-soc-cong-chua-tq-khong-duoc-me-ruot-nuoi-duong-1500686.html