Linh vật Olympic Tokyo 2021 'thất sủng' ngay trên sân nhà

Linh vật thường đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch marketing hình ảnh, nhưng các linh vật của Olympic Tokyo lại vô cùng mờ nhạt.

Trước khi đại dịch bùng phát, nhà thiết kế tạo ra các linh vật (mascot) cho Olympic và ParalympicTokyo 2021 đã dự đoán chúng sẽ trở thành “bộ mặt của Thế vận hội”. Thế nhưng, thực tế không như mong đợi.

Mặc dù 2 linh vật mang tên Miraitowa và Someity vẫn xuất hiện ở khắp nơi, trên các biển quảng cáo hay các món đồ lưu niệm. Thế nhưng, ở một đất nước vô cùng “chuộng” các mascot đáng yêu, Miraitowa và Someity lại vô cùng mờ nhạt.

Linh vật Olympic Tokyo 2021 Miraitowa (trái) và linh vật Paralympic Someity. (Nguồn: AFP)

Đậm chất Nhật Bản

Miraitowa là linh vật của Olympic và Someity đại diện cho Paralympic, dự kiến tổ chức tại Tokyo từ ngày 24/8-5/9. Hai linh vật này lần đầu tiên ra mắt công chúng vào mùa hè năm 2018.

Ý nghĩa cái tên Miraitowa là sự kết hợp các từ “tương lai” và “vĩnh cửu.” Trong khi đó, Someity là một biến thể từ tên một loại cây anh đào Nhật Bản nổi tiếng và là cách chơi chữ của cụm từ tiếng Anh “thật hùng vĩ” (so mighty).

Chúng có thể rất nổi tiếng với trẻ em nhờ vào ấn tượng bề ngoài tương tự các nhân vật Pokémon. Ngoài ra, họa tiết ca rô của các linh vật khiến chúng trông giống như những chiếc cờ đua xe di động.

Nhà thiết kế của chúng, Ryo Taniguchi từng chia sẻ vào năm 2018 rằng, họa tiết này là sự kết hợp với một kiểu trang phục phổ biến trong thời kỳ Edo của Nhật Bản, kéo dài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Kể từ năm 1972, mỗi kỳ Thế vận hội đều có một linh vật chính thức. Tuy nhiên, Miraitowa và Someity đang phải cạnh tranh ở một sàn đấu địa phương đông đúc khi Nhật Bản đã có sẵn hàng nghìn linh vật gọi là yuru-chara để quảng bá hình ảnh các tỉnh, thành của đất nước mặt trời mọc.

Kumamon, chú linh vật nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản. (Nguồn: Matcha-jp.com)

Linh vật nổi tiếng nhất của Nhật Bản có thể kể đến là Kumamon - chú gấu dễ thương đến từ tỉnh Kumamoto. Đây là một trong những "nhân vật PR" nổi tiếng nhất tại Nhật, đã giúp phổ biến hiện tượng yuru-chara cách đây 10 năm.

Trong khi kẻ quậy phá nhất hẳn là Chiitan, một linh vật phỏng theo hình ảnh của một chú rái cá. Chiitan từng bị cấm hoạt động trên Twitter, cũng như phế truất khỏi vai trò linh vật của thành phố Susaki, bởi những hành động có phần tăng động và bạo lực.

Linh vật không đáng nhớ

Blogger trang Mondo Mascots, Chris Carlier, cho biết ban đầu anh cảm thấy Miraitowa và Someity quá gầy so với các yuru-chara khác, bởi các linh vật Nhật Bản thường được xây dựng với hình ảnh vụng về và ì ạch. Tuy rằng, không có điểm gì quá đáng chê, nhưng Carlier vẫn không coi hai linh vật này là biểu tượng đáng nhớ.

Miraitowa và Someity đã phần nào bị bỏ quên trong “biển” linh vật của Nhật Bản. Ngoài ra, người dân Nhật Bản cũng không thực sự phấn khích và quan tâm đến những chú linh vật của kỳ Thế vận hội năm nay.

Một phần bởi vì, Olympic Tokyo 2021 vẫn đang vướng phải nhiều chỉ trích từ một bộ phận không nhỏ người dân Nhật Bản, do đất nước vẫn đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19.

Tính đến ngày 27/7, các linh vật Olympic và Paralympic năm nay có khoảng 15.000 người theo dõi trên Instagram, chỉ bằng một góc nhỏ so với lượng fan gần 900.000 của Chiitan. Đồng thời, nhiều người cũng phàn nàn do tên của hai linh vật này quá khó nhớ.

Thế nhưng, theo giáo sư tin học tại Đại học Shizuoka, Jillian Rae Suter, đồng thời là nhà nghiên cứu linh vật Nhật Bản, cho biết Miraitowa và Someity không thực sự bị ghét, chúng đang làm rất tốt công việc của mình, nhưng chỉ là không được công chúng để mắt tới.

Kể từ khi Olympic khởi động, Miraitowa đã bắt đầu đăng các hình ảnh về các địa điểm thi đấu xung quanh Tokyo trên nền tảng Instagram. Các vận động viên giành huy chương tại Olympic cũng được tặng các chú gấu bông Miraitowa.

Tuy nhiên, việc hai linh vật không xuất hiện thường xuyên trên truyền hình khiến chúng bị lu mờ trên một sân khấu khổng lồ như Olympic. Đáng chú ý hơn, Miraitowa và Someity không thực sự là điểm nhấn trong lễ khai mạc.

Trong một mùa Olympic khá ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc các linh vật chính thức không được chào đón nồng nhiệt có thể ảnh hưởng đến tổng doanh thu của cả kỳ Thế vận hội năm nay, vốn đã thất thu hàng tỷ USD vì không có khán giả.

Việc Nhật Bản đăng cai tổ chức Olympic Tokyo 2020 được xác định từ năm 2013, với chi phí được Tokyo quyết là 7,5 tỷ USD. Nhưng kể từ đó, chi phí thực mà Nhật Bản đã bỏ ra ước tính có thể lên tới khoảng 15,4 tỷ USD.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/linh-vat-olympic-tokyo-2021-that-sung-ngay-tren-san-nha-153843.html