Lĩnh 2 năm tù do tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài
Ngày 6/5, tại thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án 'Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép'.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Nghệ (sinh năm 1971, quê tỉnh Bến Tre; tạm trú tại khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; làm nghề biển) 2 năm tù giam về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài’’, quy định tại khoản 1, điều 349 Bộ luật Hình sự; đồng thời, tịch thu tàu cá KG 94137 TS (PAF 4860) và các tang vật liên quan đến vụ án.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, vào tháng 8/2019, Lê Quốc Khánh xuất cảnh khai thác trái phép thủy sản trên vùng biển Malaysia, bị chính quyền nước này bắt giữ và phạt 6 tháng tù. Ra tù, Khánh về Việt Nam. Thông qua Tuấn (chưa xác định nhân thân), Khánh quen Lê Thị Đẳng (tên khác Nguyễn Thùy Trang) đang sinh sống ở Malaysia. Trang liên hệ thuê Khánh sang Malaysia đánh bắt thủy sản cho mình; đồng thời, bảo Khánh tìm thuyền trưởng, ngư phủ cùng sang làm thuê cho Trang.
Ngày 9/2/2023, Lê Thị Đẳng (Trang) và Phạm Văn Nghệ đã cấu kết tổ chức cho Lê Quốc Khánh và Huỳnh Văn Lâm sử dụng tàu cá KG 94137 TS (PAF 4860) trốn từ cửa biển Sông Đốc (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) sang Malaysia đánh bắt thủy sản. Đến ngày 24/4/2023, Phạm Văn Nghệ điều khiển tàu cá PAF 4860 (KG 94137 TS) cùng Lê Quốc Khánh, Đào Quốc Dương, Nguyễn Văn Lam, Phạm Văn Út, Nguyễn Chí Tâm và Ngô Doãn Công nhập cảnh trái phép về Việt Nam bằng đường biển. Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 2/5/2023, Đồn Biên phòng Sông Đốc tuần tra, phát hiện lập biên bản vụ việc.
Theo đó, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can ngày 7/11/2023 và bắt tạm giam Phạm Văn Nghệ từ ngày 27/11/2023 cho đến nay. Hành vi phạm tội nêu trên của Phạm Văn Nghệ đã phạm vào tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Bị can Phạm Văn Nghệ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm s khoản 1 và khoản 2, điều 51 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu rõ: Về việc Phạm Văn Nghệ, Lê Quốc Khánh, Đào Quốc Dương, Nguyễn Văn Lam, Phạm Văn Út, Nguyễn Chí Tâm và Ngô Doãn Công ở Malaysia làm thuê (đánh bắt hải sản) cho Lê Thị Đẳng (Trang), do hiện nay Trang còn ở Malaysia nên không chứng minh được việc Đẳng tổ chức cho các đối tượng trên, trong đó có Nghệ ở lại nước ngoài trái phép hay không. Do đó, Cơ quan An ninh điều tra không xử lý hình sự đối với Phạm Văn Nghệ về hành vi tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép là có căn cứ, đúng theo quy định của pháp luật...
Tại Phiên tòa, xét thấy bị cáo Phạm Văn Nghệ đã thành khẩn, ăn năn hối cải, bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự và thuộc diện gia đình có công với cách mạng, Hội đồng xét xử đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ mức án nhằm thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người có tội.
Phiên tòa xét xử lưu động lần này tiếp tục khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam; đồng thời còn có tác dụng tuyên truyền, giáo dục và răn đe không để tái diễn những trường hợp tương tự.