Lễ truy điệu và di quan đại tướng Lê Đức Anh

Lúc 10h45 ngày 3/5, lễ truy điệu đại tướng Lê Đức Anh diễn ra trang nghiêm. Sau đó, linh cữu cố Chủ tịch nước được đưa ra linh xa, di chuyển qua một số địa điểm trước khi ra sân bay Nội Bài để về an táng tại TP HCM.

Lúc 10h45, sau lễ viếng là lễ truy điệu đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn tiễn biệt cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc lời điếu. Ảnh: VPG

“Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng đồng bào, đồng chí, gia đình tổ chức trọng thể lễ truy điệu đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng”, người đứng đầu Chính phủ mở đầu lời điếu văn tiễn biệt.

Thủ tướng khẳng định đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn, là người đảng viên cộng sản kiên trung, luôn hy sinh vì lợi ích của nhân dân. Đại tướng mất đi là tổn thất to lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bề quốc tế.

Trong điếu văn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại quá trình hoạt động cách mạng lẫy lừng của đại tướng Lê Đức Anh.

Sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; bí danh là Nguyễn Phú Hòa - Sáu Nam, đại tướng Lê Đức Anh sớm giác ngộ lý tưởng, tham gia cách mạng từ năm 1937. Ông cũng là vị tướng trận mạc lỗi lạc, là vị chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược. Đặc biệt, là một trong hai sĩ quan quân đội nhân dân được đặc cách thăng quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với chiến trường từ Nam ra Bắc, trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Là một trong những lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu của Đảng, dù ở cương vị nào ông cũng đóng góp rất nhiều cho đất nước, luôn thể hiện các phẩm chất cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư.

Cũng theo Thủ tướng, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đại tướng cũng là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và đóng góp quan trọng trong thực hiện chủ trương xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đại tướng được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương; Chủ tịch nước từ tháng 9/1992 đến tháng 12/1997; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương...

Điếu văn nêu rõ, ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận "chiến tranh nhân dân" và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

“Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt anh Sáu Nam kính mến”, Thủ tướng kết thúc điếu văn.

Đại diện gia đình nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu cảm ơn, bày tỏ lòng tri ân tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, các đoàn quốc tế đã đến viếng và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu cảm ơn. Ảnh: Tiền Phong

“Quy luật muôn đời đưa Ba đi mãi mãi. Gia tài Ba để lại vô cùng quý giá, là trái tim yêu thương và nhân hậu, vị tha. Chúng con tự hào được nhận món quà quý giá đó. Chúng con chào Ba. Ba về với Mẹ, với đồng đội thời khói lửa. Vĩnh biệt Ba!”, ông Lê Mạnh Hà - con trai đại tướng Lê Đức Anh - nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đi quanh linh cữu đại tướng Lê Đức Anh.

Kết thúc lễ truy điệu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại diện các tổ chức quốc tế đi quanh linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh để tiễn biệt ông lần cuối.

Sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được di chuyển ra linh xa.

Lễ di quan đại tướng Lê Đức Anh.

Theo lộ trình, đoàn xe tang sẽ đi qua một số địa điểm ở nội thành Hà Nội trước khi ra sân bay Nội Bài để về an táng tại TP HCM.

P.V

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/thoi-su/le-truy-dieu-va-di-quan-dai-tuong-le-duc-anh-20939