Lê Sa Long và những màu sắc yêu thương
Tôi từng nói với họa sĩ Lê Sa Long: 'Một lời nói đó không bằng một dòng chữ viết ra. Một dòng chữ không bằng một bức ảnh chụp lại khoảnh khắc. Nhưng một bức ảnh lại không bằng một bức tranh diễn tả, bởi vì bức tranh không chỉ thể hiện khoảnh khắc, thể hiện kỹ thuật, hay bộc lộ ý nghĩa, mà quan trọng nhất, qua đó chúng ta thấy được tâm hồn và sự rung cảm của người nghệ sĩ đối với cuộc đời'.
Khi mà dịch bệnh COVID- 19 bùng lên ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác, làm xáo trộn đời sống người dân, tôi lại nhớ đến câu nói ấy. Phố nơi tôi đang sống oằn mình trong dịch bệnh. Nhưng rồi cũng giống như cây tre, cây trúc, có uốn cong mình thì vẫn vươn dậy đứng thẳng, cho dù có buồn bã, mất mát, đau thương.
Có lẽ trong đại dịch này, họa sĩ Lê Sa Long là một trong những người hoạt động nghệ thuật sôi nổi nhất mà tôi từng biết. Cuối năm vừa rồi, anh đã có một triển lãm tranh “Khẩu trang với người nổi tiếng” gây tiếng vang ở đường sách TP. Hồ Chí MInh, để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng yêu hội họa. Tôi nghĩ dùng từ “dấn thân” rất hợp với quan niệm sáng tác của họa sĩ Lê Sa Long.
Người nghệ sĩ phải biết dấn thân với thời cuộc, phải biết dấn thân vào những mảng đề tài chạm đến trái tim, tâm hồn của công chúng. Và đặc biệt người nghệ sĩ phải biết dấn thân với tình đời, tình người. Bây giờ tôi lại thấy sự dấn thân ấy trong loạt tranh mới sáng tác của họa sĩ Lê Sa Long khi đại dịch tiếp tục bùng nổ. Anh đặt cho những sáng tác mới của mình một chủ đề giản dị chữ nghĩa: “Sài Gòn trong những ngày giãn cách”, như đúng với sự mộc mạc, chân thật, nghĩa tình của mảnh đất này đằng sau cái vẻ phồn hoa đô hội.
Họa sĩ Lê Sa Long từng là một người lính và ngày trước anh cũng từng là thủ khoa của kỳ thi vào Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp. Có lẽ vì thế mà tôi cảm nhận rõ sự tiên cảm và xông pha đầy chất lính của anh trong việc tiếp cận và sáng tác về những chủ đề đang nóng của xã hội. Anh rất nhạy bén với các đề tài và luôn mở rộng phạm vi sáng tạo. Anh không chọn ở trong tháp ngà sáng tác về những đề tài quen thuộc, mà sẵn sàng dấn thân vào những cái mới.
Nhưng thực tế cuộc sống trong tranh của họa sĩ Lê Sa Long lại phảng phất vẻ nên thơ, với những con người tuy từ đời thật bước ra, nhưng hành động của họ lại nhuốm chất đẹp của văn chương. Đỉnh cao nhất của nghệ thuật là gì? Nghệ thuật không chỉ là thể hiện mỹ cảm của người nghệ sĩ, cũng không chỉ làm cho công chúng rung động, mà trên hết còn là để phục vụ con người, vì con người, phản ánh chân thực chân dung của thời đại.
Vẫn là những nét vẽ lắng đọng bằng các chất liệu pastel, than, chì quen thuộc trên giấy Canson, mảnh đất và con người TP. Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách xã hội hiện lên dung dị mà đẫm màu sắc của yêu thương. Sài Gòn không còn sự ồn ào, náo nhiệt quen thuộc, không còn những dòng xe tấp nập với những gương mặt lướt qua đời nhau rất vội chẳng ngừng chân. Những bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long đang tập trung khắc họa đậm nét ba chủ đề chính: Đất, Người và Tình Sài Gòn, hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau.
TP. Hồ Chí Minh là mảnh đất bao dung mở rộng vòng tay che chở như bức ký họa “Quán cơm trưa không đồng cho người nghèo vượt qua COVID-19” Là một Sài Gòn rất “bụi đời”, rất “ve chai”, mà giàu tình nghĩa. Có cảm tưởng họa sĩ dừng chân đâu đó, vẽ vội lại khoảnh khắc bắt gặp trên đường. Là “ATM lướt ống độc đáo ở nhà thờ Tân Sa Châu (Tân Bình) phục vụ bà con vượt qua Covid -19” với những dáng người trĩu nặng mưu sinh. Là “Đêm nhớ về Sài Gòn & Long ơi! Sài Gòn phố!” như lời thảng thốt gọi của một người bạn xa xứ lâu ngày. Là “Hoàng hôn trên cầu Bình Lợi thời giãn cách” với ánh nắng chiều tàn ửng màu lộng lẫy. Là “Đường Duy Tân, cuối cơn mưa chiều đầu tháng 7”, tức là đường Phạm Ngọc Thạch bây giờ, con đường của những hẹn hò, mà tình cờ lại vào mùa hạ.
Sài Gòn trong mùa dịch, trong những ngày giãn cách vẫn là Sài Gòn của niềm thương nỗi nhớ, Sài Gòn của nỗi tin yêu và những hy vọng về một ngày rồi sẽ lại bình yên, bạn bè thương nhau sẽ lại gặp nhau, người yêu nhau sẽ lại ôm nhau, để bù đắp lại những ngày tháng xa nhớ mà chẳng thể gặp nhau.
Và còn có gì nữa để cho nhau trong những ngày tháng tạm xa này? Có em bé Sài Gòn như “Một thiên thần nhỏ trong mùa dịch”, với khẩu trang, đồ bảo hộ kín mít bước lên xe đi cách ly mà đôi mắt tròn đen vẫn lấp lánh như những vì sao sáng, giống như những vì sao trong truyện của nhà văn Pháp Alphonse Daudet.
“Có một người mẹ Việt Nam trong “Sài Gòn thời gian trầm lắng”!” Mẹ Ngô Thị Quýt sống tại quận Gò Vấp ở tuổi 95 vẫn hàng ngày cần mẫn may khẩu trang làm từ thiện tặng cho bà con trong thời giãn cách! “Có biệt đội thiện nguyện BDS ở quận Bình Tân đã bỏ tiền túi và thời gian mua máy phun khử khuẩn cho cộng đồng”. Có “Anh Percy – giáo viên người Anh – cùng nhóm bạn chạy xe máy phát cơm trưa cho người nghèo”.
Nhưng vẫn còn những phận đời nghèo khó trong đại dịch với hình ảnh “Những cái rổ trống lốc, nón lá lật ngửa ở quận 4 chờ thiện nguyện” hay “Phút nghỉ trưa của người mua ve chai” nhọc nhằn vất vả mưu sinh. Nhưng Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh không đơn độc một mình trong cơn đại dịch. Cả nước đang mở rộng vòng tay với Sài Gòn. Từ Quảng Trị “Những trái mướp, trái cà được bà con gói ghém cẩn thận vào lá chuối để chuyển vào Sài Gòn”. Từ những nơi xa xôi khác có những lời nói và hành động sẻ chia “Các má, các ngoại ơi! Cho con góp gạo tặng các bạn ở Sài Gòn với!”.
Ngắm những sắc màu yêu thương của Sài Gòn trong những tháng ngày giãn cách, qua những nét vẽ của họa sĩ Lê Sa Long, tôi lại nhìn thấy khung trời và hàng me xanh mát của công viên Chi Lăng và con đường Đồng Khởi và nghĩ đến ngày con đường rồi sẽ lại đông vui, để những đôi tình nhân dìu nhau dạo bước.
“Có từ bao giờ hàng me xanh ngát, mà nay đứng đó, cho anh làm thơ. Con đường ta qua đến nay bao tuổi, em qua trăm buổi, em lại nghìn lần, mà sao bối rối khi cầm tay nhau” (ca khúc “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lời thơ Nguyễn Nhật Ánh). Còn tôi, khi ấy sẽ lại thong dong chiều một mình qua phố với cuốn sách cầm tay, mắt nhìn đời vô tư lự, ngắm cuộc sống Sài Gòn náo động.
Họa sĩ Lê Sa Long đang ở những tháng ngày mà cảm hứng sáng tác có lẽ là dồi dào nhất. Và tôi tin rằng anh sẽ còn nhiều những sáng tạo thành công ở phía trước. Nếu phải nói ngắn gọn về phong cách hội họa của họa sĩ Lê Sa Long, tôi chỉ dùng vài từ là: Tình, thần và hình. Tranh của họa sĩ Lê Sa Long luôn thể hiện tình cảm từ cách nhìn của tác giả nhưng lại rất hài hòa với tâm tư của nhân vật; anh luôn nắm bắt và thể hiện được thần thái của các nhân vật từ những chi tiết nhỏ nhất và phong cảnh trong tranh của anh luôn được đặc tả qua những góc nhìn đan xen giữa lãng mạn và hiện thực, giữa bay bổng ước mơ với thực tại dưới chân mình.
Bộ tranh của họa sĩ Lê Sa Long về Sài Gòn- TP. Hồ Chí Minh trong những tháng ngày giãn cách là bộ tranh mà tôi nghĩ sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho độc giả, chuyển tải được các yếu tố tình, thần và hình. Bộ tranh có tình yêu thương làm điểm tựa để chúng ta mong chờ, để chúng ta hy vọng, để chúng ta tin tưởng phố rồi sẽ ổn thôi.
Còn tôi, từ trước đến giờ tôi cứ nghĩ rằng tôi đã thấy những yêu thương Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh trong các trang văn, thơ, phim, nhạc… Nhưng bây giờ tôi biết, với những bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long, trong những tháng ngày giãn cách xã hội, yêu thương Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh còn có thể được gửi gắm bằng những sắc màu…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/le-sa-long-va-nhung-mau-sac-yeu-thuong-i622105/