Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa: Sẽ mang đậm chất sử thi

Dự kiến, 20 giờ ngày 8/5, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Ngoài phần lễ, chương trình nghệ thuật có tính chất sử thi với tên gọi 'Tỏa sáng non sông đất nước' làm nổi bật vùng đất và con người trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, hậu Lê, Trịnh - Nguyễn cho tới thời đại ngày nay sẽ là điểm nhấn khó quên trong đợt kỷ niệm này.

Phối cảnh chương trình nghệ thuật kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Ảnh: Lan Hoàng

Dấu mốc 990 năm được tính từ khi hình thành tên gọi Thanh Hóa cho một vùng đất có tiến trình lịch sử hàng triệu năm gắn với sự xuất hiện của người Việt cổ. Theo đạo diễn tác giả kịch bản Lê Quý Dương, việc gói gọn tiến trình lịch sử trong 90 phút “sao cho đầy đủ, tinh tế, không thiếu, không thừa là một thách thức lớn đối với bất cứ tác giả, đạo diễn nào”. Được biết, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, UBND và Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa mời hội đồng cố vấn bao gồm các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam đến từ Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và chuyên gia Thanh Hóa để trao đổi, phản biện với một tinh thần hết sức khách quan và khoa học.

Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên 3 chương: Địa linh nhân kiệt - Truyền thống anh hùng - Khát vọng thịnh vượng với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch.

Đạo diễn Lê Quý Dương.

Chương trình sử dụng đậm chất liệu sử thi, từ trang phục, màu sắc, âm thanh đến mùi vị của hương trầm để tác động vào cảm xúc khán giả; đạo diễn còn nhấn mạnh bằng các tác động trực tiếp như màn hiển linh của các vị thần đền Đồng Cổ và vua Lê Lợi… đạo diễn huy động tới 500 nghệ sĩ, diễn viên trong đó có những tên tuổi dàn dựng chương trình kỳ cựu như NSND Hương Thơm, Trương Hải Thọ, Trần Bình, nhạc sĩ NSƯT Thế Việt, NSƯT Mạnh Tiến, nghệ sĩ Đạt Tăng. Dàn ca sĩ có thể kể tới Trọng Tấn, Anh Thơ, Huyền Trang, Lê Anh Dũng, trong đó ca sĩ Trọng Tấn hát “Chào sông Mã anh hùng” với bản phối hoàn toàn mới, lồng ghép di sản văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa.

Theo Lê Quý Dương, sân khấu quảng trường cũng giúp đạo diễn thỏa sức sáng tạo, theo đó có sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. Một mặt trống đồng lớn đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải).

“Nghệ thuật tuồng, chèo cổ, trống đồng, ngâm vịnh được kết hợp các thể văn tế, cáo sẽ được đan xen với ca múa nhạc với việc ứng dụng mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động, kỹ thuật cơ học sân khấu, âm thanh, ánh sáng, pháo kỹ xảo và nghệ thuật trình chiếu video hiện đại… tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho chương trình” - đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ. Đáng chú ý có hơn 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành 3 lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.

Chiều 18/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2019 thông tin các hoạt động kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa".
Theo đó, công tác tuyên truyền đã được các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh tập trung tuyên truyền sâu rộng, đậm nét, có trọng tâm các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Cuộc thi tìm hiểu "Lịch sử Thanh Hóa trải qua 990 năm hình thành và phát triển", BTC đã lựa chọn, tổng hợp các bài dự thi của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu để chấm. Về triển lãm "Thanh Hóa xưa và nay", BTC đã sưu tầm được hơn 2.000 hiện vật, tư liệu, tài liệu hình ảnh... để trưng bày tại triển lãm.
Lễ kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa" với chủ đề "Tỏa sáng non sông đất nước" sẽ diễn ra tại quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa vào 20 giờ tối 8/5.

Hoàng Lan

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/le-ky-niem-990-nam-thanh-hoa-se-mang-dam-chat-su-thi-341212.html