Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023: Đánh thức di sản

Những di sản công nghiệp cũ tưởng như đã ngủ quên được đánh thức và khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng và hấp dẫn trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 26/11 tại Hà Nội.

Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, bãi giữa sông Hồng trở thành những không gian nghệ thuật đầy màu sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Thủ đô. Nhưng, sau lễ hội, số phận của những di sản công nghiệp cũ đó sẽ như thế nào cũng là vấn đề cần bàn.

Dòng chảy di sản

Với chủ đề “Dòng chảy”, tuyến trải nghiệm chính của mùa lễ hội được thiết kế vắt ngang qua dòng sông Hồng lịch sử, nhằm “đánh thức” các di sản công nghiệp và kết nối cộng đồng thông qua hơn 60 hoạt động thiết kế sáng tạo hiện diện tại các khu vực: Vườn hoa Vạn Xuân và tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, cầu Long Biên, ga Gia Lâm và Nhà máy xe lửa Gia Lâm...

Tháp nước Hàng Đậu được “khoác áo” mới.

Trong đó, điểm nhấn sáng tạo và mang đến trải nghiệm hấp dẫn, bất ngờ và truyền cảm hứng nhất chính là khu vực Nhà máy xe lửa Gia Lâm - một di sản công nghiệp nổi bật của Thủ đô Hà Nội. Một không gian xưa cũ tưởng như bị lãng quên đã được đánh thức bởi hàng loạt sự kiện âm nhạc, thời trang, nghệ thuật sắp đặt độc đáo, các hội thảo, workshop, hội chợ, vui chơi…, với kỳ vọng thắp sáng di sản công nghiệp thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.

Với điểm tựa là Di sản, các chương trình nghệ thuật trình diễn trong tuần lễ sáng tạo đều mang màu sắc đương đại, mới mẻ. Chương trình “Qua miền ký ức” và “Ước vọng” khơi gợi lại những cảm thức lịch sử và những ánh xạ từ quá khứ, qua đó hòa quyện với cảm hứng tương lai. Thông qua các tác phẩm với những chủ đề, câu chuyện cùng những hình thái cảm xúc khác nhau, khán giả sẽ cảm nhận được tinh thần tôn vinh sự sáng tạo, cũng như kết nối mạnh mẽ của nhiều khía cạnh trong nghệ thuật, lấy cảm hứng xuyên suốt là chất liệu di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Chương trình biểu diễn Rock "Dòng chảy” là một đêm bùng nổ về âm nhạc với sự trình diễn của các ban nhạc: Khật, Thủy Triều Đỏ, Gas Station và Purple Blues. Cũng tại tuần lễ sáng tạo, nghệ sĩ Trí Minh sẽ mang đến một trình diễn đa phương tiện ấn tượng mang tên “Âm cảnh ga Hà Nội”, với những mẫu âm thanh thu âm, tạo sự liên tưởng về ga Hà Nội. 7 loạt âm cảnh của buổi trình diễn sẽ là bản hòa ca đặc sắc của cảm xúc, từ tiếng còi tàu, tiếng hát xẩm, tiếng đọc thơ đến tiếng động của máy móc...

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang cho biết, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm lần đầu được biết đến với tư cách một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhờ vào việc cải tạo, thiết kế, sắp đặt các không gian nhà xưởng, kho bãi thành những không gian nghệ thuật, đồng thời với việc tổ chức hàng loạt hoạt động sáng tạo. Các không gian pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động...) mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn khác biệt về một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật. Trong đó, kho 10B của nhà máy được biến đổi trở thành Pavillion triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”.

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật, trong 10 ngày diễn ra lễ hội, công chúng và du khách còn được thưởng thức 20 trưng bày, triển lãm. Riêng các phân xưởng Nhà máy xe lửa Gia Lâm có 16 triển lãm, kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ với các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, như: Triển lãm “Thủy Phủ” của họa sĩ Trịnh Minh Tiến; “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần; “MAP 2023 - Chuyển động ngoại biên” của tổ chức Heritage Space; “Như ta đã từng” của nhiếp ảnh gia Phan Đan, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Tú Hằng; “Quá áp” của nghệ sĩ Vy Trịnh và Vân Đỗ...

Đặc biệt, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng đầu máy xe lửa đầu tiên và cũng là biểu tượng của ngành Đường sắt Việt Nam mang tên Tự Lực tại trưng bày “Góc ký ức đầu máy xe lửa hơi nước” tại Vườn Nhãn. Đây là đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước mang số hiệu 141 - 179, sản xuất vào khoảng năm 1965 do các kỹ sư Nhà máy xe lửa Gia Lâm với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu, thiết kế thành công. Chiếc đầu máy này là một trong những chứng nhân lịch sử tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Toàn bộ di sản công nghiệp của Nhà máy xe lửa Gia Lâm trở thành điểm nhấn của Lễ hội sáng tạo.

Tháp Hàng Đậu nằm trong tuyến trải nghiệm chính của lễ hội. Lần đầu tiên tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội có hành trình trải nghiệm lễ hội, mang đến cho khách tham quan những cảm xúc mới lạ và lý thú. Chuyến tàu sẽ xuất phát từ ga Long Biên, với chặng di chuyển xuyên qua cầu Long Biên trên con sông Hồng lịch sử, ngắm nhìn cuộc sống và phong cảnh tuyệt đẹp từ khung cửa sổ toa tàu trước khi tới ga Gia Lâm để thỏa thích trải nghiệm các hoạt động tại đây.

Bên cạnh tuyến chính trên, còn nhiều tuyến mạng luới trải dọc theo sông Hồng cũng như các điểm văn hóa sáng tạo trong nội đô thành phố, với sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà sáng tạo, nhằm mang đến những giá trị và sức sống mới cho di sản nói riêng, những chuyển động tích cực trong quá trình tái thiết đô thị, phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô nói chung.

Sau lễ hội, di sản sẽ “sống” ra sao?

Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Hàng năm, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, nhằm hiện thực hóa các cam kết của thành phố khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó, góp phần hội tụ và lan tỏa các ý tưởng và thành quả sáng tạo, hình thành mạng lưới sáng tạo, mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo tại Thủ đô Hà Nội.

Một vấn đề đặt ra, đó là tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy ga xe lửa Gia Lâm nói riêng và các di sản công nghiệp nói chung sẽ ra sao sau lễ hội. Các không gian sáng tạo ở đây có được tiếp tục hoạt động và trở thành không gian sáng tạo của Hà Nội hay không. Thực tế, cả tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy ga xe lửa Gia Lâm đang nằm trong sự quản lý của các đơn vị nhà nước, đây là hai địa chỉ chưa được gọi là di sản, nên việc khai thác nó ở góc độ di sản và biến thành không gian sáng tạo không dễ giải quyết vì đây là tài sản công.

Hà Nội rất cần các không gian sáng tạo trong khi nhiều địa chỉ mang dấu ấn lịch sử như nhà ga Long Biên, tháp nước hàng Đậu nhiều năm nay đang trong tình trạng bỏ hoang. Vướng mắc nằm ở chỗ đó là tài sản công và chúng ta chưa có luật về di sản công nghiệp, nên rất nhiều di sản ở Hà Nội vẫn đang ngủ đông. Hiện nay, các không gian sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu là của tư nhân, phải thuê địa điểm hoạt động, nên khá bấp bênh. Trong khi đó, nhiều địa chỉ đang bỏ trống, nhiều di sản bị bỏ hoang như Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy nước sạch Hà Nội, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Ga Long Biên...

Cần một cơ chế chính sách phù hợp để những địa chỉ đó thay vì biến thành những tòa nhà cao tầng mà trở thành các không gian sáng tạo độc đáo, giúp các nghệ sĩ thực hành sáng tạo và công chúng Thủ đô được kết nối với thế giới bằng chính các hoạt động sáng tạo đó. Đó cũng là cơ hội để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững, lâu dài, chứ không chỉ là câu chuyện thời vụ. Phát triển trên nền di sản, kết nối với quá khứ bằng những câu chuyện hôm nay là một xu thế bền vững và đi đường dài trên con đường phát triển của một thành phố. Đó là điều cần bàn sau những sự kiện, những tuần lễ sáng tạo được tổ chức liên tục tại Hà Nội hiện nay.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/le-hoi-thiet-ke-sang-tao-2023-danh-thuc-di-san-i714749/