Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực niềm tự hào của người dân Kiên Giang

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực – TP Rạch Giá không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, chính trị... mà còn có giá trị rất lớn để khai thác phát triển du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Kiên Giang

Tưởng nhớ người đã khuất

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực hay còn gọi là Lễ hội đình Ông Nguyễn, Lễ giỗ Ông Nguyễn, Lễ hội đình Nguyễn Trung Trực. Lễ hội nhằm tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng, bất khuất của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực (Sinh năm Đinh Dậu 1837 – mất năm Mậu Thìn 1868) là người anh hùng dân tộc chống Pháp được người dân vùng đất Nam Bộ tôn vinh vào thế kỷ XIX. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh quán tại tỉnh Bình Định. Sau nhiều lần hải quân Pháp uy hiếp Đà Nẵng (từ năm 1858), gia đình ông theo đoàn người di cư phiêu bạt vào Nam, định cư ở thôn Bình Nhựt, nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại đây, ông trở thành vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp tiêu biểu của Nam Kỳ. Hai chiến công lừng lẫy của ông: đốt cháy tàu L’ Espérance – tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16-6-1868.

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá được công nhận Bằng di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh Hữu Tuấn

Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Định giữ các chức vụ: Quyền sung quân binh, Quản cơ lãnh binh. Năm 1861 Thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ II, Ông cùng đội nông binh tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới tướng Thống đốc quân Vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Sau chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo” ông được triều đình Huế phong làm Thành thủ úy Hà Tiên.

Ngày 23/6/1867, Hà Tiên thất thủ ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16/6/1868 ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là TP Rạch Giá) tiêu diệt nhiều quân địch. Khi giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo. Đến tháng 10/1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt. Chúng nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông không ra đầu hàng.

Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi. Rất đông người dân tỉnh Rạch Giá đổ về khu vực pháp trường để chứng kiến và đưa tiễn ông. Sau khi ông bị xử chém, người dân đã lén lút thờ cúng ông tại đình thờ Ông Nam Hải tại xóm chài trên bờ kênh ông Hiển, nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá.

Đến năm 1891, đình thần Ông Nam Hải di dời về địa điểm hiện tại. Hàng năm người dân chọn ngày 26,27,28 tháng 8 âm lịch (ÂL) để làm lễ giỗ của ông. Lâu dần, ngày cúng giỗ của ông đã trở thành một lễ hội của đình.

Ngoài đền thờ tại TP Rạch Giá thì tại Phú Quốc nơi ông đóng quân, chiến đấu cũng được người dân xây đình tưởng nhớ công lao tại xã Cửa Cạn và Gành Dầu. Hàng năm vào lễ giỗ của ông cũng thu hút hàng chục ngàn lượt người đến thắp hương tưởng nhớ công lao của ông.

Khai thác tiềm năng du lịch từ lễ hội

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực – TP Rạch Giá không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, chính trị... mà còn có giá trị rất lớn để khai thác phát triển du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Kiên Giang.

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ, nghệ thuật, chính trị còn có tiềm năng khai thác du lịch. Ảnh Hữu Tuấn

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Kiên Giang cho biết: Hàng năm Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách từ nhiều nơi về tham dự. Năm nay, Lễ hội vừa đúng thời điểm kỷ niệm 185 năm ngày sinh (1838-2023), 155 ngày ông hy sinh (1868-2023) và đón nhận Bằng di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ thu hút rất đông khách đến tham dự.

“Lễ hội cũng là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại giúp thế hệ trẻ hiểu được những công lao của tổ tiên trong quá trình dựng nước, giữ nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và càng thêm lòng tự hào về quê hương đất nước mình”, ông Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.

Với việc tỉnh Kiên Giang sẽ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực, không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn đưa quy mô lễ hội ngày càng lớn hơn. Di sản văn hóa di tích Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực được xem tài nguyên du lịch có giá trị rất lớn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang và du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, lễ hội còn quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói chung; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc.

Hữu Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/le-hoi-dinh-than-nguyen-trung-truc-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-kien-giang.html