Lễ cúng vía lúa của cư dân nông nghiệp tỉnh Thanh
Từ bao đời nay, với cư dân nông nghiệp tỉnh Thanh, hoạt động kinh tế để duy trì cuộc sống chủ yếu nhờ vào nghề nông trồng lúa ruộng nước và các gò đồi, đất rẫy. Họ cho rằng cây lúa cũng có hồn, có vía (có sức sống) như mọi sự vật, hiện tượng khác trong tự nhiên. Chính vì lẽ đó mà họ đã sùng bái và 'thiêng hóa' cây lúa - cây lương thực chính nuôi sống con người. Đây chính là cơ sở để hình thành tín ngưỡng vía lúa cùng hệ thống lễ nghi trong hoạt động nông nghiệp, hướng đến một cuộc sống ấm no, gắn liền với tín ngưỡng phồn thực cầu sự sinh sôi, nảy nở.
Theo quan niệm của cư dân nông nghiệp, lúa có hồn vía, hồn vía mang lại sinh khí để cây lúa tốt tươi, mùa về trĩu hạt. Nếu hồn lúa dời bỏ cây lúa mà đi, mùa màng thất bát, kỳ thu hoạch bông không sai, hạt không mẩy nên phải làm lễ gọi hồn lúa về: “Vía lúa đừng lạc ngoài đồng/ Vía lúa đừng lạc dưới ruộng/ Vía lúa lạc ngoài đồng không nên bông/ Lạc dưới ruộng sẽ úa/ Về nhé, mười vía lúa đồng về bịch/ Về nhé, chín vía lúa ruộng về nhà/ Chín vía lúa ruộng/ Mười vía lúa đồng/ Hãy chắc hạt như trứng cua/ Bông dài như đuôi ngựa...”.
Đồng bào Kinh, làng Mao Giáp, xã Trung Chính (Nông Cống) hàng năm có tục gọi vía lúa trong dịp cấy cây lúa đầu năm xuống ruộng. Sau khi làm lễ “Hú vía lúa” ở đình với lời khẩn cầu: “Ông lọ (lúa), bà lọ/ Ông tốt như mây/ Bà sây (hạt sai) như móc/ Bông cái như chòa/ Bông con như lẻo/ Hạt chắc như hèo/ Vừa cắt vừa kèo/ Một mẫu trăm phương/ Mười lăm gánh lẻ/ Người già, người trẻ/ Sức khỏe làm ăn/ Đầy đụn, đầy chum/ Vừa ăn, vừa bán/ Tiếng đồn đã dậy/ Hỏi lúa làng nào/ Bảo lúa của làng/ Giáp Mao này nhé...”.
Sau lễ gọi vía lúa, dân làng chọn cử một người phụ nữ trung tuổi khỏe mạnh, gia đình đông con, nhiều cháu, cuộc sống sung túc đại diện cho dân làng cấy cây mạ đầu tiên xuống đồng. Với lễ thức đó họ tin rằng năm đó làng Mao Giáp sẽ thu gặt mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh.
Đồng bào Mường ở làng Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) có tục gọi vía lúa. Trong lễ vía lúa ở làng Muốt diễn ra vào tháng Mười, trước khi thu hoạch, ông mo cúng cầu cho vía lúa mang lại cho dân làng cuộc sống no đủ, mùa màng tươi tốt. Trong lời khấn của ông mo có dàn kèn làm bằng những cọng rơm do bọn trẻ mục đồng làng Muốt thổi phụ họa làm cho buổi lễ vía lúa thêm phần rộn rã, tươi vui.
Người Mường ở các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh... thường xuyên duy trì lễ cúng vía lúa. Đến vụ thu hoạch, chủ ruộng rước một ôm lúa gồm ba bó lúa còn nguyên cả bông lẫn rễ đưa về nhà, cất lên gác. Đến vụ gieo trồng, theo nhịp cồng chiêng, chủ nhà rước lúa đi quanh sân và mo đọc bài khấn vía lúa. Bài mo kể về nguồn gốc cây lúa, kể về ông Tá Bố Lèm dạy người Mường trồng lúa, và bày tỏ lòng biết ơn của người Mường với cây lúa: “Ta gieo hạt lúa xuống vạt đất này/ Bảo nhau mọc lên xanh tốt ngày ngày/ Tốt đi như rừng bông bá/ Tốt lại như rừng danh danh/ Tươi cây xanh lá/ Bông nhỏ bằng chùm quả vả/ Bông cả bằng chùm quả trôi/ Ai trông thấy cũng hết lời khen/ Lúa ông chủ nhà này bông sai, hạt mẩy.../ Lúa về nhà này làm giàu làm có/ Bao nhiêu khốn khó bay về nơi xa/ Hỡi lúa nếp lúa tẻ/ Nghe lời ta kêu, lắng lời ta gọi/ Bông con vừa bằng vòi hái/ Bông cái vừa bằng đuôi trâu/ Lúa về làm giàu cho dân/ Lúa về làm no cho bản/ Lúa ơi, lúa à...”. Tục cúng vía lúa làm lâu hay chóng, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi chủ ruộng, người Mường cho rằng có thờ cây lúa thì vía lúa mẹ mới đẻ lúa vía con để lúa sinh sôi nuôi sống con người, cho làng dưới, mường trên ấm no, phồn thịnh.
Với người Dao, sau khi thu hoạch, họ chọn những bông to, chắc hạt nhất để làm giống. Lúa giống để cả bông bó lại (cum lúa) treo lên gác nhà tránh ẩm mốc. Có gia đình lại chọn vài bông thóc giống buộc vào ngọn của cây măng sặt để nguyên cả cành lá cho vía lúa trú ngụ. Đến vụ gieo cấy, bà con vò những hạt thóc đặt lên mâm cúng vía lúa. Đồng bào Dao cho rằng, sau khi gặt mang về nhà, lúa giống được nghỉ ngơi trong thời gian dài. Vì vậy, vía lúa thường bỏ đi chơi lang thang khắp đó đây nên khi gieo cấy nếu không gọi vía lúa trở về thì khi gieo hạt mạ sẽ không mọc và mùa màng thất bát.
Lễ vật cúng vía lúa có: xôi nếp, gà luộc, vàng mã. Thầy cúng gọi vía lúa về nhập vào những hạt thóc trên mâm cúng, cầu trời cho mưa thuận gió hòa, mùa tới bội thu. Cúng xong, thầy cúng chuyển những hạt thóc giống trộn lẫn vào bồ thóc giống để mang đi gieo mạ hoặc trỉa lúa trên nương.
Người Thái ở Mường Ký (xã Văn Nho, Bá Thước) tổ chức lễ vía lúa vào trung tuần tháng 8 âm lịch, khi lúa làm đòng, người dân cúng vía lúa, cầu cho mùa màng bội thu, mọi người mạnh khỏe, bản mường yên vui. Đồng bào Thái mường Trịnh Vạn (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) làm lễ vía lúa sau khi thu hoạch, ngày 22 tháng 8 âm lịch. Khi mâm lễ được chuẩn bị xong, có rượu cất, rượu trấu, 1 đĩa muối ớt, 1 chén nước, xôi đồ đặt ở giữa mâm, các món hò mọc, thịt thú rừng, cá canh... bày xung quanh. Ông mo thay mặt cho gia đình ngồi trước mâm lễ với lời khấn: “Lúa ở nương đã chín tới, lúa ở ruộng đã chín đều, ngời con dâu ra đồng lắt lúa, người con trai quảy gánh ra về. Lúa sấy ở trên gác bếp, gác trên gác dưới đầy lúa, lấy hạt gốc để làm cơm tra, lấy hạt ngon để mà nấu rượu. Ngày đẹp con trai dọn cơm mới, ngày lành tháng tốt con cháu làm lễ vía lúa. Con cháu xin báo các vị thần linh, vía lúa, ông bà tổ tiên về chứng giám cùng gia chủ. Các ngài được mời về trong ngày lễ vía lúa, gia chủ có các đồ lễ: cá nướng, hò mọc, thịt nai, thịt hoẵng... và xôi nếp mới đồ, mời các ngài về ăn cho no. Xong rồi xin các vị phù hộ cho con cháu trồng lúa thì có hạt lúa, để cho cây lúa tốt tươi, vãi hạt rau phải có rau bỏ rón. Đừng để cho hao hụt rơi vãi, đừng để cho con chim nó ăn, đừng để cho chuột bọ nó phá...”.
Sau khi cúng xong, mọi người quây quần bên mâm cỗ ăn uống vui vẻ. Trong ngày này, các thành viên không được to tiếng, mọi của cải trong nhà, ngoài vườn đều “khem xuất ngoại” mà chỉ “ngoại khả nhập”. Nếu ngày này xuất ra vật gì, không chỉ làm cho vía lúa bay đi mất mà hồn vía của các vật khác cũng thấy sợ mà bỏ đi. Như vậy, bao công lao vất vả của gia đình sẽ mất hết.
Tộc người Khơ Mú là ở bản Lách, xã Mường Chanh và Đoàn Kết thuộc xã Tén Tằn (Mường Lát) có lễ đón mẹ lúa - biểu tượng của hồn lúa, phản ánh tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nương và lúa rẫy. Lễ đón mẹ lúa có ba bước: lễ cơm mới - mà mà âm mệ, lễ thu lượm lúa mới - đương ngọ mệ, lễ cúng hồn lúa - teng mạ hngọ, tương ứng với từng thời kỳ sinh trưởng và mùa vụ của cây lúa.
Trong lễ thu lượm lúa mới, sau khi lúa trên nương đã gùi về nhà, những người tuốt lúa vào ngôi nhà trên nương để uống rượu. Khi rượu đã mềm môi, lúc đó lời hát gọi hồn vía lúa cũng cất lên: “Vía lúa đang ngủ ở đâu/ Đang ngủ hay đi lang thang/ Hãy tìm về với chủ/ Đừng ngủ trên suối, trên hang/ Đường về có gặp con mang, đừng sợ/ Gặp diều hâu, đừng bỏ đi/ Hãy trở về đây mẹ lúa/ Mẹ lúa làm nhà đẹp/ Có buồng cho lúa ở/ Có nệm đẹp lúa nằm/ Hồn lúa ở đâu hãy về...”.
Mọi người lắng nghe lời lĩnh xướng của người gọi hồn vía lúa, rồi tất cả đồng thanh hát phụ theo “Hồn lúa ở đâu hãy về, hãy về...”.
Sau lễ thu lượm lúa mới là lễ cúng hồn lúa. Chủ nhà đem chùm lúa nếp ở trên mái nhà xuống treo vào vách bếp gần bàn thờ mưa và khấn: “Lúa trên nương trên rẫy đã về nhà hết cả rồi, con bò con trâu sau một mùa kéo cày cũng đã ngơi nghỉ, lúa còn ở những nơi đâu hãy về đây với mẹ...”. “Chủ nhà tôi có con gà béo, gà đẹp mời hồn lúa, hồn cây quả... hãy về ăn cho no cho khỏe, mùa sau cho người nhiều củ, quả, lúa trên rẫy, lúa ngoài nương bông sai hạt mẩy...”. Trong khi chủ lễ khấn, tất cả thành viên trong gia đình đều ngồi quây quần quanh bếp và hướng vào bàn thờ, chủ lễ quay sang từng người con và gọi vía: “Ông bà, cha mẹ đã cho các con một vụ mùa tươi tốt, lúa đầy rẫy, đầy nhà. Các con hãy ăn no để cho thật khỏe, làm rẫy tốt, làm nương lúa nhiều, có dư sức khỏe, có nhiều thóc lúa nuôi sống gia đình”. Kết thúc làm vía, chủ nhà gọi con cháu ngồi lại bên nhau cùng ăn uống vui vẻ. Tục làm vía lúa, rước vía lúa là nghi lễ bắt buộc hàng năm cầu cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Nếu sao nhãng, “vía lúa” giận không về mà bay về trời, năm đó sẽ mất mùa, đói kém.
Lễ vía lúa, gọi hồn lúa của cư dân nông nghiệp tỉnh Thanh từ non cao tới đồng bằng ven biển, trải thời gian bao hàm nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, phản ánh sắc thái văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc. Tục thờ và nghi lễ vía lúa cần tiếp tục dày công nghiên cứu, phát huy hơn nữa, đề cao trách nhiệm và tôn trọng tự nhiên để cùng phát triển bền vững và góp phần làm cho bức tranh văn hóa và tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc tỉnh Thanh phong phú, đặc sắc và có sức lan tỏa phục vụ cuộc sống và phát triển du lịch.