Lấy phiếu tín nhiệm: Những yếu tố nào quyết định mức độ tín nhiệm?

Một nội dung rất quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh Trần Vương

Trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Để chuẩn bị cho việc đánh giá tín nhiệm của các Tư lệnh ngành, trước kỳ họp các ĐBQH đã nhận được bản kiểm điểm của cá nhân, Bộ trưởng các ngành trong diện được đánh giá.

Tuy nhiên để đánh giá sát, thực tiễn thì cần căn cứ vào quá trình thực tiễn của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ vào quá trình điều hành trong công tác đảm đương nhiệm vụ, thể hiện năng lực hoạt động điều hành cũng như việc trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Đặc biệt, những người được lấy phiếu tín nhiệm, các Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành thì quá trình đóng góp, điều hành bộ ngành đó kết quả được thể hiện như thế nào. Và tín nhiệm của cử tri đối với Bộ trưởng như thế nào cũng rất quan trọng.

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Tại các phiên chất vấn Bộ trưởng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước Quốc hội, các đại biểu đã thể hiện năng lực và quyết tâm giải quyết các nhiệm vụ của bộ ngành mình và kết quả đạt được ra sao. Quan trọng hơn nữa là quyết tâm và tinh thần chỉ đạo của các Bộ trưởng.

Các ĐBQH cũng đã nghiên cứu xem xét không chỉ riêng về giải quyết của ngành mà thể hiện cả lập trường chính trị, quan điểm, năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm tại Bộ, ngành đó.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhìn nhận, khi bỏ phiếu tín nhiệm, ĐBQH không chỉ quan tâm đến sự phát triển của ngành để lấy đánh giá tiêu chí mà còn có những vấn đề khác.

“Có những ngành ban đầu có dư luận này, dư luận khác nhưng khi phát hiện ra thì các Bộ trưởng đã xử lý ra sao. Chứ không có nghĩa, ngành này có vấn đề này, vấn đề khác, dư luận xã hội lại đổ lên đầu các Bộ trưởng.

Quan trọng là tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Bộ trưởng để tháo gỡ vướng mắc đó khi mà có ý kiến của cử tri. ĐBQH sẽ nhìn một cách tổng quát như vậy” – ĐBQH Bùi Sỹ Lợi nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói thêm: “Tôi cho rằng, khắc phục được những nhược điểm, tiếp thu các ý kiến để giải quyết vấn đề, đó cũng là một điểm mà các ĐBQH sẽ nhìn nhận khi cho phiếu tín nhiệm. Ngoài ra, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại một cách kịp thời, đầy đủ, trách nhiệm cũng là điều rất đáng ghi nhận”.

VƯƠNG TRẦN - CAO NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/lay-phieu-tin-nhiem-nhung-yeu-to-nao-quyet-dinh-muc-do-tin-nhiem-637568.ldo