Lấy chồng già để hoàn lương, tôi vẫn bị coi rẻ vì quá khứ buôn hương bán phấn
Tôi cố hết sức làm người mẹ, người vợ tốt nhưng vẫn luôn bị hàng xóm dè bỉu gọi là 'hồ ly tinh', nói tôi lấy người già và giàu có chỉ để lợi dụng tiền bạc, đổi đời.
Tuy biết rằng mình có thể nhận những bình luận tiêu cực vì quãng đời lầm lỗi, tôi vẫn kể câu chuyện của mình hy vọng tìm được người đồng cảm để có thêm động lực vượt qua bóng đen của quá khứ.
Tôi năm nay 32 tuổi, tôi mưu sinh bằng cách "buôn hương bán phấn", công việc mà xã hội luôn lên án. Trải qua thời gian chìm trong ê chề, tăm tối, tôi may mắn được trở lại cuộc sống bình thường khi làm vợ một người đàn ông lớn tuổi, những mong từ đây có thể xa rời gió bụi, an phận với vai trò làm vợ. Nhưng hóa ra quá khứ đắng cay vẫn luôn phủ bóng lên hiện tại và ngăn cản nỗ lực sống bình yên vui vẻ của tôi.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó ở một ngôi làng nhỏ, hằng ngày tôi chỉ đối mặt với thiếu thốn khổ sở, chưa học hành đến đầu đến đũa đã phải cùng bố mẹ mang gánh nặng nuôi dưỡng em trai. Nhiều đêm tôi nhìn lên bầu trời và ước gì đã không bỏ dở chương trình phổ thông, học lên nữa để đổi đời, nhưng qua cơn xúc động vẫn luôn hiểu rằng bố mẹ không thể cho cả hai đứa học hành tới nơi tới chốn, tập trung cho em trai đã là nỗ lực hết sức rồi.
Sau khi thôi học, tôi làm tất cả những công việc mà người ta thuê, từ rửa bát đến phục vụ trong các nhà hàng.
Cuộc sống không bao giờ dễ dàng với một thiếu nữ nghèo, làm lụng cực nhọc nhưng lương chẳng bao nhiêu, tôi luôn cảm thấy mình bị đè nén bởi sự nghèo khó và những giấc mơ không thành hiện thực. Nhìn những người khác cuộc sống nhẹ tênh, lúc nào cũng ăn ngon mặc đẹp, ngồi cà phê một lát mất mấy trăm nghìn đồng, trả tiền triệu cho một bữa ăn mà không chớp mắt, tôi không khỏi khao khát, cứ ước mình cũng được trải nghiệm cảm giác được tiêu tiền mà không phải nghĩ quá nhiều.
Trong một khoảnh khắc yếu lòng, tôi gật đầu đi vào con đường lầm lạc mà một người quen dẫn dắt. Tôi tham gia vào "ngành dịch vụ đặc biệt" phục vụ những người đàn ông lạ mặt, đổi thân xác lấy tiền. Ban đầu, tôi tự biện minh rằng đó chỉ là một công việc, tôi cũng cần kiếm tiền để sống, để lo cho gia đình, nhưng thâm tâm luôn biết mình làm sai, biết đó là tội lỗi. Mỗi đêm về nhìn vào gương, tôi thấy mình ngày càng khác xa với cô gái nhỏ nhìn sao lẩm nhẩm điều ước ngày nào.
Cũng may mà sau mấy năm làm nghề đó, tôi gặp một người đàn ông giàu có, lớn hơn tôi rất nhiều tuổi, góa vợ đã 7 năm. Ông ấy biết rõ mặt tối trong cuộc sống của tôi nhưng vẫn muốn gắn bó, giúp tôi thoát khỏi cuộc sống ê chề đó. Tôi tràn đầy hy vọng, nghĩ rằng từ giờ sau khi hoàn lương, mình sẽ có thể lấy lại danh dự, không còn phải nhục nhã nữa.
Nhưng hóa ra đó chỉ là ảo tưởng ngây thơ, quá khứ vẫn như bóng ma ám ảnh tôi; những ánh mắt tọc mạch, sự chỉ trỏ của những người xung quanh vẫn luôn đeo bám mỗi ngày, nhắc nhở rằng tôi đã có một vết nhơ không thể nào xóa sạch. Dù chồng tôi yêu thương thật lòng, cưng chiều và luôn an ủi, tôi vẫn không thể nguôi ngoai được.
Hàng xóm thường xuyên nói sau lưng tôi (nhưng lại không hề sợ tôi nghe thấy) rằng tôi là "hồ ly tinh", "không biết xấu hổ đi yêu người đáng tuổi ông mình, bám vào người giàu để đổi đời". Họ rủa tôi "trèo cao ngã đau", cười cười khi tôi bước ra khỏi nhà, công khai nhìn tôi bằng ánh mắt khinh miệt mỗi lần tôi đi chợ hay gặp gỡ người quen. Những câu chuyện về quá khứ của tôi được thêu dệt thêm, lan truyền khắp; không ít lần tôi phải nghe những lời ác ý từ miệng những người từng gọi tôi là bạn.
Trở thành vợ của một người đàn ông giàu có, dù tôi đã làm mọi thứ để chu toàn với gia đình, chăm sóc con cái và lo liệu mọi việc nhà thì trong mắt mọi người, tôi vẫn chỉ là cô gái từng bán thân. Mọi người luôn xì xào, đồn đoán về mối quan hệ của tôi và người chồng lớn tuổi. Họ không tin rằng tôi có thể yêu thương ông ấy thật lòng mà chỉ muốn lợi dụng chồng để có cuộc sống sung túc, rằng không sớm thì muộn tôi cũng sẽ "ngựa quen đường cũ".
Những ngày tháng sống trong ánh mắt soi mói ấy thật sự rất khó khăn. Tôi từng nghĩ chỉ cần mình cố gắng làm tốt vai trò của mình thì mọi người sẽ dần dần chấp nhận, nhưng đến nay lại nghi ngờ rằng có lẽ suốt cuộc đời này tôi sẽ chịu phán xét về những gì mình đã làm, còn những gì đang làm không có tác dụng gì hết.
Có những đêm tôi tự hỏi, liệu mình có xứng đáng với tổ ấm gia đình đang có? Tôi phải đánh đổi điều gì nữa? Liệu tôi có bao giờ thoát khỏi vòng xoáy của quá khứ? Câu trả lời có lẽ là không dù tôi cố gắng bao nhiêu đi nữa.
Điều khiến tôi lo lắng nhất là cảm nhận của con trai. Khi con còn nhỏ, tôi có thể che chắn cho nó khỏi những điều tiếng, những câu chuyện ác ý về mẹ. Nhưng rồi con sẽ lớn lên, bắt đầu tự mình hiểu. Nghe thấy những lời người ta nói về tôi, liệu con có vì xấu hổ mà mất niềm tin vào mẹ, khinh ghét mẹ? Liệu con có thể hiểu rằng mọi quyết định của tôi trong quá khứ đều là vì sinh tồn?
Liệu con có bị ám ảnh bởi những tai tiếng đó suốt quãng đời trưởng thành của mình khi người đời vẫn thì thầm sau lưng chúng tôi? Tôi không muốn con trai phải gánh chịu những hậu quả từ quá khứ của mẹ nó, không muốn cuộc đời con bị phủ bóng bởi những sai lầm mà tôi mắc phải.
Có lẽ, điều duy nhất tôi có thể làm bây giờ là yêu thương và dạy dỗ con với tất cả sự chân thành, để con hiểu rằng mẹ đã chiến đấu để có được cuộc sống này, rằng ai sai lầm cũng được quyền nỗ lực đứng lên từ những vấp ngã. Tôi chỉ mong con trai sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy của những dèm pha mà tôi từng trải qua, để con có thể lớn lên mạnh mẽ, tự tin.