Lập tổ nghiên cứu cơ chế đặc thù gỡ vướng cải tạo chung cư cũ

Tổ chuyên gia có nhiệm vụ nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố.

Ảnh minh họa.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 7020/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, hoàn thiện Đề án về Cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn.

Theo đó, tổ chuyên gia gồm 18 thành viên, trong đó, Tổ trưởng là ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng; Tổ phó, gồm: ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng…

Tổ chuyên gia có nhiệm vụ nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố, hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư trên địa bàn do Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND Thành phố lấy ý kiến của HĐND Thành phố, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai thực hiện.

Tổ chuyên gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; kinh phí hoạt động theo quy định và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Theo thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tại Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 - 5 tầng. Đa số các chung cư này được xây dựng từ những năm 1960 đến những năm 1990, đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư xuống cấp ở mức trầm trọng, gây nguy hiểm cho người dân sinh sống trong chung cư. Phần lớn số chung cư này tập trung chủ yếu tại các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa...

Xử lý vấn đề chung cư cũ, chính quyền Hà Nội đã có chủ trương cải tạo, nâng cấp, phá vỡ, xây dựng mới các chung cư cũ với sự tham gia của các chủ đầu tư bất động sản. Thực tế từ năm 1996, Hà Nội đã khởi động các kế hoạch cải tạo lại chung cư cũ. Nhưng đến nay, thành phố mới xây dựng và cải tạo được 14 trong tổng số 1.579 chung cư cần cải tạo. Ngoài ra là 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng.

Đáng chú ý, hiện Hà Nội có tới 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D (xuống cấp trầm trọng) được chính quyền thành phố tổ chức di dời, nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn như chung cư G6 khu tập thể Thành Công, hay tòa nhà A khu chung cư Ngọc Khánh đều được thuộc diện nguy hiểm cấp D, nhưng nhiều người dân không muốn chuyển đi.

VÂN PHONG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/quy-hoach/lap-to-nghien-cuu-co-che-dac-thu-go-vuong-cai-tao-chung-cu-cu-3530286.html