Làng nghề du lịch Hà Nội chuẩn bị 'vào tết'

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về cũng là lúc những làng nghề phục vụ tết lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Không chỉ chuẩn bị các sản phẩm phụ vụ dịp tết mà làng nghề còn rục rịch chuẩn bị đón khách du lịch trước, trong và sau tết.

Lâu nay, Hà Nội vẫn tự hào khi sở hữu tới 1.350 làng nghề, mở ra cơ hội lớn cho du lịch làng nghề, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô. Hầu hết các làng nghề dù là nghề truyền thống hay làng du lịch đặc thù đều có những kế hoạch chuẩn bị đón khách vào mùa tết.

Làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi tiếng là làng cung cấp hoa cho thành phố Hà Nội, bên cạnh đó cũng nơi ghé thăm của nhiều du khách. Để đảm bảo đủ nguồn hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2020, nhiều tháng nay người dân làng nghề đã bắt tay vào công việc trồng hoa khá sớm.

Làng hoa Tây Tựu (ảnh: N. Hoa)

Chị Quyết, một người trồng hoa cho biết: “Ở làng không chỉ trồng hoa để bán mà còn trồng hoa cho khách du lịch đến ngắm hoa, chụp ảnh cho nên cứ tết đến là làng hoa nhộn nhịp, ai ai cũng cố gắng chăm sóc cho ruộng hoa nhà mình sạch sẽ, khoe sắc. Hoa không chỉ mang lại kinh tế mà còn là niềm tự hào của những người dân làng nghề trồng hoa, bởi khi nhắc đến hoa Hà Nội, nhiều người biết đến Tây Tựu”.

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) vào những ngày giáp tết cũng chẳng khác nào một “làng hoa” bởi màu sắc sặc sỡ của lụa. Chị Huyền, Phòng Văn hóa thông tin phường Vạn Phúc cho biết, Vạn Phúc không chỉ là làng nghề dệt lụa, mà còn là làng nghề du lịch, chính vì vậy hàng năm, chính quyên địa phương và Hiệp hội làng nghề đều có kế hoạch trang trí làng nghề để đón khách du lịch.

“Năm ngoái, chúng tôi đã huy động nguồn vốn xã hội hóa để làm “đường ô”, “đường chong chóng”. Năm nay những con đường này vẫn được duy trì, nhưng xã vẫn đang tiếp tục huy động vốn xã hội hóa để làm một điều gì đó sáng tạo hơn năm ngoái, thu hút khách du lịch đến check-in, qua đó quảng bá hình ảnh của làng nghề.

Chị Huyền cho biết thêm, khách du lịch đến Vạn Phúc quanh năm, vì thế làng luôn ở trong tâm thế chuẩn bị khang trang để phục vụ du khách. Cũng như mọi năm, xã cũng chuẩn bị chu đáo cho dịp Lễ hội diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng giêng với nhiều hoạt động phong phú.

Làng du lịch Hồng Vân trang trí đón du khách (ảnh: B.T)

Từ ngày được công nhận là điểm du lịch của thành phố, người dân làng nghề Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng như những hộ sản xuất kinh doanh gốm Bát Tràng đều ý thức rất rõ việc làm đẹp cho làng nghề. Vào dịp tết, những đường trục chính có đèn, cờ, hoa, nhất là chợ sứ, chợ gốm được trang trí lung linh để đón ngày lễ tết.

Ngoài các chương trình của chính quyền địa phương thì Hiệp hội Gốm sứ cùng với nhân dân đều tự giác lên kế hoạch trang trí cho làng nghề đón tết, không chỉ cho người dân mà còn cho khách du lịch đến thăm làng nghề

Còn làng nghề du lịch Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) thì đã có kế hoạch chuẩn bị cho tết Nguyên đán từ rất sớm. Ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch xã Hồng Vân cho biết, xã đã chỉ đạo duy tu làm đẹp cảnh quan trên từng tuyến đường hoa, tại những điểm công cộng, giăng đèn kết hoa để đảm bảo ban ngày làm đẹp bằng hoa cây cảnh, ban đêm làm đẹp bằng hoa đăng.

Xã cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức “Lễ hội Ẩm thực” và “Lễ hội Hoa xuân” dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến ngày 25 tháng chạp để phục vụ đông đảo du khách gần xa đến tham quan trước tết nguyên đán.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lang-nghe-du-lich-ha-noi-chuan-bi-vao-tet-101379.html