Lăng kính chứng khoán 26/2: Liệu cổ phiếu ngân hàng còn hấp dẫn?

Sau thời gian dẫn dắt thị trường từ đầu năm, tuần qua nhóm ngân hàng là tác nhân lớn kéo sập chỉ số. Liệu cổ phiếu ngành này trong thời gian tới còn hấp dẫn?

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch biến động khi áp lực bán mạnh dâng cao trong phiên cuối tuần đã thổi bay hầu hết thành quả tích lũy trong tuần.

Dù vậy, VN-Index vẫn kết tuần 19 - 23/2 tại mốc 1.212 điểm, tăng nhẹ 0,2% so với phiên cuối tuần trước.

Cổ phiếu họ Vingroup là tâm điểm thị trường trước thông tin Vinfast được Ấn Độ cấp đất xây dựng nhà máy. Tiêu biểu là VRE đã tăng gần 13% chỉ sau một tuần giao dịch và đang dừng ở mức cao nhất trong gần 4 tháng. Trái chiều, VIC và VHM lại ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường, riêng VIC đã lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số chung.

Trước tâm lý chốt lời của nhà đầu tư, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 26.000 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với tuần trước.

Đáng chú ý, khối ngoại quay lại mua ròng 185 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, khối ngoại mua ròng 1.688,57 tỷ đồng trên UPCoM, trong khi bán ròng 39,7 tỷ đồng trên HNX và 1.463,41 tỷ đồng trên HoSE.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới, ông Ngô Quốc Hưng - Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS và ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK VNDIRECT đều cho rằng nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu mà nên quan sát diễn biến cung cầu thị trường.

Người Đưa Tin (NĐT): Nhịp điều chỉnh trong phiên cuối tuần đã chấm dứt chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp từ 1.172 lên 1.230 điểm. Ông có đánh giá gì về diễn biến giao dịch tuần qua?

Ông Ngô Quốc Hưng: Thị trường đang trong nhịp tăng tháng thứ 4 liên tiếp, kể từ đầu năm cũng chỉ có 2 tuần điều chỉnh nhẹ ở khu vực 1.180 điểm. Tuy giảm mạnh phiên cuối tuần nhưng đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index.

Áp lực chốt lời mang tính kỹ thuật thị trường tại vùng đỉnh tháng 8 và tháng 9 năm ngoái. Bên cạnh đó, vùng 1.230 – 1.240 điểm cũng là vùng cản kỹ thuật trong nhịp tăng kể từ tháng 11/2023.

Theo tôi, chuỗi 3 phiên liên tiếp giảm trong đó có phiên điều chỉnh cuối tuần đáng chú ý nhưng chưa làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời khả năng còn tiếp diễn, thị trường có thể kiểm định các ngưỡng hỗ trợ ở 1.180 - 1.190 điểm trong các phiên sắp tới.

Ông Đinh Quang Hinh: Áp lực chốt lời tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua sau khi chỉ số VN- Index chạm vùng kháng cự quanh 1.240 điểm. Việc thị trường áp sát vùng kháng cự mạnh và thông tin lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong một vài phiên gần đây đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và kích hoạt làn sóng chốt lời.

Đà điều chỉnh còn được thúc đẩy bởi động thái bán ròng mạnh của khối ngoại, tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Mặc dù vừa trải qua một phiên điều chỉnh khá mạnh, nhưng tôi cho rằng nhà đầu tư cũng không nên quá hoảng sợ.

Diễn biến chỉ số VN-Index tuần 19 - 23/2 (Nguồn: FireAnt).

NĐT: Sau thời gian dẫn dắt thị trường từ đầu năm, tuần qua, cổ phiếu nhóm ngân hàng là tác nhân lớn kéo sập chỉ số. Liệu cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới còn hấp dẫn, theo ông?

Ông Ngô Quốc Hưng: Tôi cho rằng, dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần có sự chọn lọc cổ phiếu sau 2 tháng tăng vừa qua bởi một số cổ phiếu đã qua vùng/điểm mua hoặc dư địa tăng không còn hấp dẫn.

Theo tôi, bên cạnh nhóm ngân hàng, các nhóm cổ phiếu khác cũng rất đáng lưu ý như chứng khoán, đây là nhóm có thanh khoản tăng mạnh so với cùng kỳ kể từ đầu năm, nền lãi suất thấp khiến kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Hay nhóm bất động sản khu công nghiệp với dòng vốn FDI, giá cho thuế tăng..., đầu tư công, hóa chất, dầu khí, thép, công nghệ...

Kể từ đầu năm, thị trường tăng hơn 100 điểm nhưng nếu không chọn đúng dòng cổ phiếu, tài khoản của nhà đầu tư vẫn không chiến thắng được thị trường, thậm chí còn ở trạng thái âm.

Ông Đinh Quang Hinh: Những đà tăng của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời do “sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ tại một ngân hàng” chứ không đại diện cho bức tranh chung của hệ thống.

Trên thị trường một, một số ngân hàng vẫn tiếp tục hạ lãi suất huy động, trong khi tín dụng tháng 1 toàn hệ thống tăng trưởng âm do hiệu ứng đầu năm.

Với việc nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, tôi cho rằng áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn và việc tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời và sẽ sớm lắng dịu.

NĐT: Theo ông, diễn biến giao dịch của tuần tới sẽ diễn ra thế nào và nhà đầu tư nên hành động ra sao?

Ông Ngô Quốc Hưng: Đối với nhà đầu tư cá nhân, có thể áp dụng 4 yếu tố trong để giao dịch là Trend - Xu hướng là bạn, Choice - Lựa chọn cổ phiếu quan trọng hơn nỗ lực, Point – Kiên nhẫn chờ đợi thị trường chạm vùng/điểm mua, ra quyết định mua/bán dứt khoát tạo ra các vị thế giao dịch ở thời điểm tốt, Quit – Dừng đúng lúc mới là hào kiệt!

Kết quả giao dịch của mỗi nhà đầu tư là thông tin có giá trị nhất về điểm mạnh và điểm yếu của từng người, hãy sử dụng nó để tìm ra lợi thế chiến lược phù hợp.

Ông Đinh Quang Hinh: Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường vẫn chưa đánh mất xu thế tăng ngắn hạn khi chỉ số VN- Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20 và vùng 1.190 - 1.200 điểm sẽ là vùng hỗ trợ của thị trường.

Do đó, nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu mà nên quan sát diễn biến cung cầu thị trường ở vùng hỗ trợ 1.190 - 1.200 điểm. Đồng thời, nhà đầu tư cũng chưa nên mở vị thế mua mới khi thị trường vừa trải qua một phiên biến động mạnh và cần tìm vùng cân bằng trở lại.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-26-2-lieu-co-phieu-ngan-hang-con-hap-dan-a651229.html