Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (số 14/2012/QH13, ban hành ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013) quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến nay, sau hơn 7 năm thực hiện, Ngày Pháp luật đã được mọi người trong xã hội tích cực hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Hội nghị Ngày Pháp luật năm 2020 được UBND tỉnh tổ chức trực tuyến đến tất cả địa phương cấp huyện, xã trong tỉnh.

Ông Vũ Viết Quỳnh, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), cho biết: Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành (ngày 20/6/2012), UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Ngày Pháp luật bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc truyền thông, phổ biến về Ngày Pháp luật được thực hiện nghiêm túc, gắn với quán triệt, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức, trách nhiệm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật. Việc tổ chức Ngày Pháp luật hằng năm phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đông đảo CBCCVC người lao động và nhân dân tham gia. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng nhiều hơn bằng hình thức tổ chức trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã. Cách làm này tiết kiệm được thời gian, chi phí tổ chức cho cấp dưới, đồng thời tạo ra sự lan tỏa hiệu ứng Ngày Pháp luật trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trên cơ sở kế hoạch hằng năm của tỉnh, các đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật hằng năm phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tập trung cao điểm vào 2 tháng (tháng 10, tháng 11) trong năm.

Trường Tiểu học Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả) tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa, ngày 2/11/2020.

Đến nay nhiều sở, ngành, địa phương đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các hình thức để việc phổ biến, giáo dục pháp luật, hấp dẫn, thu hút người nghe và gần gũi hơn với đời sống xã hội. Tiêu biểu như: Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề ít nhất 2 lần/năm, tổ chức lồng ghép phổ biến pháp luật trong các hội nghị giao ban hằng tháng; Sở Nội vụ duy trì sinh hoạt Ngày Pháp luật hằng tháng; Sở LĐ-Tb&XH, Sở Ngoại vụ, Sở GD&ĐT duy trì Ngày Pháp luật gắn với các cuộc họp giao ban, qua các cuộc họp sơ kết, tổng kết của ngành; Thành Đoàn Uông Bí xây dựng mô hình “Kể chuyện theo án”; TP Hạ Long phối hợp với Viện KSND thành phố tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng chống tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng; nhiều trường học trên địa bàn tỉnh duy trì sinh hoạt Ngày Pháp luật với các hình thức sân khấu hóa, nói chuyện chuyên đề pháp luật...

Các mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả ở các địa phương được duy trì, như: “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”; “Cựu chiến binh gương mẫu làm theo pháp luật”; “Chi đoàn không có đoàn viên vi phạm pháp luật”; “Cổng trường thanh niên tự quản, xanh, sạch, đẹp và trật tự an toàn giao thông”...

Tuyên truyền cổ động trực quan hưởng ứng Ngày Pháp luật tại Trụ sở Liên cơ quan số 3 của tỉnh.

7 năm qua, trong dịp Ngày Pháp luật, toàn tỉnh đã tổ chức gần 6.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hàng trăm cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Nội dung pháp luật được lựa chọn để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thực hiện trong Ngày Pháp luật phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; bao gồm các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Các văn bản pháp luật về dân sự, hình sự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, biển đảo, đất đai, bảo vệ môi trường, đầu tư, kinh doanh, an toàn giao thông, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, an sinh xã hội; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường…

Qua tổ chức Ngày Pháp luật, nhiều quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là các điểm mới, các quy định gắn với đời sống hằng ngày của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị đã được phổ biến rộng rãi, giúp CBCCVC, người lao động, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật; góp phần xây dựng xã hội tự học tập, tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật, xây dựng lòng tin, tình cảm đối với pháp luật và bồi dưỡng văn hóa pháp lý, giúp mỗi người dân bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Với sự vào cuộc tích cực, Ngày Pháp luật từng bước trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng để nâng cao kiến thức pháp luật cho CBCCVC, người lao động, đoàn viên, hội viên; giáo dục ý thức tự giác học tập, tìm hiểu và chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương; từng bước đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp của các cơ quan, tổ chức.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/lan-toa-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-2507893/