Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường học
Phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) lan tỏa mạnh mẽ trong các trường phổ thông, trở thành sân chơi để học sinh trải nghiệm sáng tạo, khơi dậy tiềm năng, phát huy phẩm chất, năng lực và tư duy.

Học sinh Trường THPT A Lưới thuyết trình đề tài dự thi. Ảnh: NVCC
Nghiên cứu từ thực tiễn cuộc sống
Sức khỏe tâm thần có tác động sâu sắc đến đời sống cá nhân và xã hội, nhưng nhiều phụ huynh vẫn xem nhẹ các dấu hiệu bất thường ở trẻ vị thành niên. Điều này khiến nhiều gia đình không can thiệp sớm mà còn tăng áp lực học tập, làm trầm trọng thêm các rối loạn tâm thần ở học sinh. Đây cũng là lý do 2 học sinh lớp 11 của Trường trung học phổ thông (THPT) A Lưới Hồ Hoàng Bảo Trân và Nguyễn Thanh Hoàng nghiên cứu đề tài “Nhận thức về sức khỏe tâm thần của học sinh THPT TP. Huế”.
Nhóm nghiên cứu đề tài đã khảo sát 4 trường THPT ở TP. Huế từ các khu vực thành thị, nông thôn và miền núi với 2.251 học sinh. Từ những đánh giá nhận thức về sức khỏe tâm thần của học sinh, đề tài đề xuất và thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc và giảm định kiến, góp phần tạo môi trường học tập lành mạnh, hỗ trợ sự phát triển về sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Các hoạt động bao gồm tập huấn, ngày hội sức khỏe tâm thần, ngày hội “Sắc màu hạnh phúc”, sử dụng sổ tay và website hieudeyeuthuong.io.vn hỗ trợ đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức của học sinh. Nhận thức về các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, căng thẳng học đường được cải thiện đáng kể. Đồng thời, giảm định kiến sai lệch và tăng cường kỹ năng sơ cứu, tự hỗ trợ cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Đề tài không chỉ góp phần thay đổi nhận thức mà còn tạo cơ hội để học sinh kết nối, chia sẻ và xây dựng một môi trường học đường đồng cảm, không kỳ thị.
Hồ Hoàng Bảo Trân chia sẻ, phong trào sáng tạo KHKT thực sự là sân chơi để học sinh thử nghiệm ý tưởng mới và tìm hiểu cách áp dụng kiến thức được học vào thực tế. Khi nghiên cứu KHKT, em được học, biết thêm nhiều kiến thức, trau dồi thêm các kỹ năng và biết phương pháp tìm hiểu sâu hơn về khoa học.
Thúc đẩy đổi mới trong dạy học
Thúc đẩy phong trào sáng tạo, nghiên cứu KHKT trong học sinh, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học nhằm tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; triển khai giáo dục STEM trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại cơ sở, các Phòng GD&ĐT, các trường THPT đã tổ chức cuộc thi với quy mô lớn, nhiều đề tài tham gia tranh tài hấp dẫn, tạo sự hứng thú và lan tỏa hoạt động thi đua nghiên cứu sôi nổi. Năm học 2024 - 2025, trải qua vòng thi ở các đơn vị, 98 đề tài của 66 trường và 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã được chọn lựa để tham gia cuộc thi cấp thành phố; trong đó, 59 đề tài được trao giải.
Theo ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cuộc thi là nơi gặp gỡ của những ý tưởng sáng tạo, của sự say mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Đây là một sân chơi đỉnh cao của trí tuệ và hấp dẫn, giúp các em hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo, khả năng vận dụng các kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Qua cuộc thi này, chúng tôi đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm để tiến thân vào con đường khoa học của học sinh.
Nhiều đề tài của học sinh thể hiện tính mới và sáng tạo, thể hiện tư duy khoa học, logic, chặt chẽ, sự nỗ lực trong tìm tòi và triển khai những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Một số đề tài kỹ thuật biết tích hợp các công nghệ tiên tiến, thông minh, thể hiện mối liên hệ giữa khoa học - kiến thức - công nghệ và toán học. Điều này phản ảnh tiềm năng sáng tạo phong phú, thiết thực trên nhiều lĩnh vực của học sinh phổ thông mà những người làm công tác giáo dục, khoa học cần chú ý khơi gợi, phát triển.

Thầy giáo Đoàn Trần Bảo Phước
Thầy giáo Đoàn Trần Bảo Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận An: Ưu tiên cho nghiên cứu KHKT
Cùng với quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, nghiên cứu KHKT là một trong hai hoạt động được nhà trường ưu tiên. Song song với việc học, nghiên cứu khoa học là một hoạt động chuyên môn bổ ích, góp phần rất lớn cho việc giảng dạy vì cả giáo viên và học sinh phải khám phá, tìm tòi tri thức mới, tìm những giải pháp ứng dụng vào cuộc sống nên trình độ, chuyên môn, kiến thức và tay nghề đều được nâng cao.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhà trường rất quan tâm phát triển phong trào nghiên cứu KHKT và được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Dấn thân vào nghiên cứu KHKT không đơn giản vì tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc. Những năm đầu, trường giao chỉ tiêu, gắn vào chỉ tiêu thi đua của các tổ. Nhưng khi giáo viên đã tìm thấy niềm vui trong nghiên cứu thì bây giờ, trường không cần giao chỉ tiêu mà trở thành động lực của giáo viên. Giáo viên nào hướng dẫn đề tài đoạt giải đều được nhà trường ưu tiên trong xếp loại thi đua. 10 năm nay, năm nào trường tham gia cuộc thi KHKT cấp thành phố cũng đoạt giải. Năm nay, trường có 2 đề tài dự thi và đoạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì.
Học sinh cũng tham gia rất tích cực và đam mê. Sau giờ học, các em đến phòng thí nghiệm của trường nghiên cứu, thậm chí tìm đến phòng thí nghiệm của các trường đại học. Việc nghiên cứu giúp các em có lợi thế khi vào đại học, tự tin khi nghiên cứu khoa học vì đã nắm được công nghệ, phương pháp từ thời học phổ thông.
Cô giáo Phạm Nguyễn Trang Ngân
Cô giáo Phạm Nguyễn Trang Ngân, Trường THPT A Lưới: Sáng tạo KHKT góp phần xây dựng môi trường học tập năng động
Hoạt động sáng tạo KHKT trong trường học có vai trò rất quan trọng. Nó giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và đam mê nghiên cứu. Đối với giáo viên, đây là cơ hội để đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường kết nối với học sinh và khơi dậy tinh thần sáng tạo.
Giáo viên cần là người truyền cảm hứng, tạo môi trường học tập cởi mở, khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và thử nghiệm. Đồng thời, thầy cô cần đồng hành, định hướng, phát hiện tiềm năng và khơi gợi đam mê sáng tạo từ những điều gần gũi với cuộc sống của các em. Để tham gia sáng tạo KHKT, học sinh cần có tư duy sáng tạo, ham học hỏi, khả năng giải quyết vấn đề, tinh thần kiên trì và kỹ năng làm việc nhóm.
Ở Trường THPT A Lưới, nhà trường tạo điều kiện tổ chức các cuộc thi, câu lạc bộ nghiên cứu, khuyến khích học sinh đưa ra ý tưởng và biến chúng thành sản phẩm thực tiễn. Nhiều đề tài sáng tạo của học sinh đã đoạt giải ở các cấp, góp phần lan tỏa tinh thần học tập chủ động, sáng tạo trong toàn trường.
Em Nguyễn Thị Ái Nhi
Em Nguyễn Thị Ái Nhi, học sinh lớp 12A1, Trường THPT An Lương Đông: Trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết của người làm nghiên cứu
Tại ngôi trường nơi em đang theo học, cứ mỗi năm, khi cuộc thi KHKT được phát động, không khí trong trường lại trở nên vô cùng nhộn nhịp. Từ đầu năm học, các thầy, cô bộ môn và giáo viên hướng dẫn đã bắt đầu gợi mở ý tưởng, định hướng lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời tổ chức các buổi trao đổi, hướng dẫn để học sinh từng bước xây dựng đề tài của mình.
Các thầy, cô giáo nhiệt tình hỗ trợ, theo sát học sinh trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Ngoài ra, những buổi báo cáo, tập huấn kỹ năng như thiết kế khảo sát, trình bày kết quả hay thuyết trình trước hội đồng cũng được tổ chức rất bài bản, giúp học sinh chuẩn bị kỹ lưỡng cho vòng thi chính thức.
Suốt quá trình thực hiện các đề tài, em còn phát triển rõ rệt các kỹ năng xã hội. Đó là kỹ năng thuyết trình và tương tác với đám đông; kỹ năng phỏng vấn sâu, giúp em lắng nghe và thấu hiểu câu chuyện của từng người tham gia nghiên cứu; kỹ năng khảo sát và tổ chức thực nghiệm.
MH (ghi)