Làn sóng rút niêm yết khỏi sàn chứng khoán London mạnh nhất 15 năm
Thị trường chứng khoán London đang trên đà hoàn tất năm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009 khi chứng hàng loạt doanh nghiệp niêm yết rút đi...
Giới tài chính lo ngại rằng sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp thành viên chỉ số FTSE 100 – thước do gồm 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn chứng khoán London – sẽ rời Anh để tới Mỹ.
Theo thống kê từ London Stock Exchange Group, từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 88 công ty hủy niêm yết hoặc chuyển niêm yết chính khỏi sàn này. Đây là số lượng doanh nghiệp rút khỏi Sở giao dịch chứng khoán London lớn nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới chỉ là 18, con số gần thấp nhất trong 15 năm.
Làn sóng rút khỏi thị trường vẫn tiếp diễn bất chấp những nỗ lực cải cách quy định thị trường của chính phủ Anh cũng như sàn chứng khoán London.
Mới nhất, công ty cho thuê thiết bị Ashtead, với vốn hóa 23 tỷ bảng Anh (29 tỷ USD), đầu tháng này đã đề nghị chuyển niêm yết chính từ sàn chứng khoán London sang New York. Đây là một trong 6 công ty trong FTSE 100 đã rời khỏi sàn này để niêm yết ở nước ngoài kể từ năm 2020 đến nay. Tính cả Ashtead, tổng giá trị vốn hóa của các công ty rời đi này là gần 280 tỷ bảng Anh (gần 354 tỷ USD) – chiếm khoảng 14% tổng giá trị vốn hóa của FTSE 100.
Trong số các doanh nghiệp rút khỏi London còn có công ty cá cược thể thao và trò chơi Flutter (vốn hóa 39 tỷ bảng Anh) và tập đoàn vật liệu xây dựng CRH (55 tỷ bảng Anh). Cả hai công ty này đều đã chuyển niêm yết chính sang sàn chứng khoán New York.
Một loạt vụ thâu tóm của các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân cũng ảnh hưởng tới số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn London. Tập đoàn an ninh mạng Cybersecurity và nền tảng đầu tư Hargreaves Lansdown là hai trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn này đã đồng ý bán mình trong năm nay.
“Chúng ta không thể duy trì vị trí là một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới nếu không có thị trường vốn phát triển mạnh”, ông Charles Hall, giám đốc nghiên cứu công ty môi giới chứng khoán Peel Hunt, nhận xét. “Thị trường Anh không có những lợi thế tự nhiên để trở thành một địa điểm niêm yết hàng đầu, nhưng cần được ‘nuôi dưỡng’ và hỗ trợ để đạt được điều đó trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ như hiện nay”.
Ông Hall dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp niêm yết rời khỏi Anh nếu nhà chức trách nước này không có hành động.
Những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chuyển niêm yết chính từ London sang New York là lực lượng nhà đầu tư hùng hậu và nhiều tiền hơn cùng triển vọng thanh khoản cổ phiếu cao hơn ở Mỹ.
Với một số doanh nghiệp, việc chuyển đi bắt nguồn từ sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh ở khu vực Bắc Mỹ. Khoảng 98% lợi nhuận của Ashtead hiện đến từ Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ này của công ty ống nước Ferguson là 99%. Ferguson chuyển niêm yết chính khỏi sàn chứng khoán London sang New York vào năm 2022.
Theo dữ liệu từ ngân hàng Bank of Amerca, trong FTSE 100, 9 công ty có hơn 50% doanh thu đến từ thị trường Mỹ.
Theo một phân tích của tờ báo Financial Times vào năm ngoái, sàn chứng khoán London là sàn có nguy cơ lớn nhất chứng khiến làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp niêm yết lớn sang Mỹ. Theo đó, 18 công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán London có nguy cơ sẽ rút khỏi sàn này gồm có Rio Tinto và British American Tobacco. Hai công ty này thời gian qua chịu áp lực từ cổ đông về việc chuyển niêm yết chính lần lượt sang Australia và Mỹ.
“Ngày càng nhiều doanh nghiệp đang niếm yêt tại Anh cân nhắc việc chuyển sang Mỹ. Khoảng cách vốn hóa giữa Anh và Mỹ đang ngày càng lớn hơn”, ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo hôm thứ Sáu tuần trước.
FTSE 100, chủ yếu định hướng theo nền kinh tế truyền thống như năng lượng và khai khoáng, tăng gần 8% trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 27% của chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500.
Theo một chuyên gia ngân hàng ở London, năm 2025 sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp Anh niêm yết lần đầu ở Mỹ, đặc biệt là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh.
“Mỹ là thị trường vốn lớn nhất thế giới và mọi người đều có cảm giác rằng họ sẽ có được thương vụ IPO tốt hơn ở Mỹ”, người này nhận định.
Theo ông Sharon Bell, chiến lược gia về chứng khoán châu Âu tại Goldman Sachs, nhiều doanh nghiệp Anh cảm thấy buộc phải niêm yết ở nước ngoài bởi sự hời hợt của nhà đầu tư trong nước.
“Điều này thật buồn”, giám đốc của một công ty trong FTSE 100 chia sẻ sau thông báo chuyển niêm yết của Ashtead. “Tuyên bố ‘nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng có thể là một cú huých để các công ty đẩy nhanh kế hoạch hủy niêm yết ở Anh để chuyển sang Mỹ”.