Làn riêng, ưu tiên cho xe buýt cần thực tế
Cơ quan chức năng TPHCM vừa đề xuất dành làn riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt nhằm rút ngắn thời gian lưu thông, thu hút hành khách đi xe buýt, giảm kẹt xe. Thực tế, với mật độ giao thông rất lớn, cấu trúc đô thị với nhiều tuyến đường vốn đã hẹp, nếu giảm thêm diện tích một cách máy móc có thể gây ùn tắc giao thông.
Có ý kiến cho rằng nên chọn các tuyến đường đông nhất để thí điểm làn riêng cho xe buýt như đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ. Điều này nghe qua có vẻ logic nhưng thực hiện không đơn giản, thậm chí là khó khả thi.
Trước đây, Sở GTVT TPHCM từng chọn đường Trần Hưng Đạo (quận 1 và quận 5) làm thí điểm làn ưu tiên cho xe buýt, sau đó phải dừng lại vì gây kẹt xe vào giờ cao điểm, bị người dân phản ứng.
Hai tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ là đường một chiều, giao cắt với hàng loạt tuyến đường trục ngang nội thành có mật độ lưu thông rất lớn. Những khu vực này thường xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm, nhất là tại các nút giao có đèn tín hiệu.
Với 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ, một khi đã bố trí làn dành cho xe buýt đã chiếm đến 1/3 bề rộng mặt đường, những phương tiện còn lại dễ bị ùn ứ và gây kẹt xe, ùn tắc trên các tuyến đường ngang và những khu vực xung quanh.
Thiết nghĩ nên chọn những tuyến đường có bề rộng lớn và lượng xe buýt lưu thông nhiều để bố trí làn đường riêng, khi thành công sẽ mở rộng các tuyến đường khác. Tùy từng tuyến đường mà nên có làn riêng hoặc làn ưu tiên cho xe buýt để thu hút nhiều người sử dụng.
Với tuyến đường theo các hướng trục hoặc rộng hơn 10 làn xe hiện có công suất luồng hành khách lớn, tần suất hoạt động xe buýt cao thì nên dành làn riêng bằng dải phân cách cứng như Xa lộ Hà Nội, Trường Chinh, Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt… Đoạn đường hẹp hơn có từ 4 làn xe trở lên, thay vì dành làn riêng thì có thể chỉ làm làn ưu tiên cho xe buýt như đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu…
Khác với làn đường chỉ dành riêng, làn ưu tiên vẫn có thể sử dụng cho các loại phương tiện khác cùng lúc lưu thông nhưng phải nhường đường mỗi khi xe buýt có yêu cầu hoặc giờ cao điểm. Như vậy sẽ tận dụng tối đa diện tích mặt đường trong lúc chưa có xe buýt lưu thông.
Muốn xe buýt sớm trở thành phương tiện chủ lực và thu hút nhiều người dân sử dụng, hạn chế xe cá nhân cũng như góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông như hiện nay nên có thêm những kế hoạch mang tính lâu dài. Trong quá trình quy hoạch, mở rộng hay nâng cấp công trình giao thông cần hướng đến thiết kế làn riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lan-rieng-uu-tien-cho-xe-buyt-can-thuc-te-715495.html