Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng người tâm thần gây án?

Việc người tâm gây án không còn là câu chuyện mới tại địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm trở lại đây. Chỉ tính những tháng đầu năm 2019 đã có ít nhất 3 vụ trọng án do người tâm thần gây ra làm 3 người chết. Việc người tâm thần gây án không chỉ để lại nỗi đau cho xã hội mà còn làm 'đau đầu' cơ quan chức năng trong việc xử lí cũng như công tác phòng ngừa. Một vấn đề cũ nhưng lại hoàn toàn mới trong bối cảnh tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần trong xã hội đang có dấu hiệu ngày một gia tăng.

Đối tượng Nguyễn Thanh Thiên bị Công an huyện Cam Lộ bắt giữ sau khi gây án đang điều trị bệnh tâm thần ngoại trú

Nạn nhân mới nhất liên quan đến tình trạng người tâm thần gây án là bà Lê Thị Thỉ (76 tuổi) xảy ra vào ngày 30/4/2019 tại thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng. Lê Sỹ Dũng (41 tuổi) - đối tượng đang điều trị bệnh tâm thần ngoại trú đã dùng xăng đốt bà Thỉ chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Hậu quả của vụ việc đã khiến bà Thỉ chết sau 7 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ông Lê Sỹ Độ, ở thôn Văn Quỹ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng cho biết đối tượng Lê Sỹ Dũng trong quá trình sinh sống ở địa phương luôn có những hành vi bất ngờ, khó lường, khó đoán định. Điều đó đã làm cho nỗi phấp phỏng, lo sợ của người dân ngày càng lớn hơn.

Trước đó không lâu, những người dân ở làng quê nghèo ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cũng đã phải chứng kiến cái chết oan uổng của anh Lê Văn Hướng. Trong 1 bữa tiệc tân gia, vì cho rằng anh Hướng tranh giành bài hát của mình nên Nguyễn Thanh Thiên (48 tuổi) - một đối tượng đang điều trị bệnh tâm thần ngoại trú dùng dao thủ sẵn trong người điên cuồng rượt đuổi và đâm chết anh Hướng.

Theo thống kê của Công an tỉnh, tại Quảng Trị trong những năm trở lại đây đã xảy ra 14 vụ án do người người tâm thần gây ra, trong đó có không ít vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Những vụ án do người tâm thần gây ra thường để lại nhiều đau thương và mất mát. Đau xót hơn cả, nạn nhân của 1 số vụ án chính là người thân của đối tượng.

Thượng úy Nguyễn Thành Đạt, Phó đội trưởng, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an tỉnh cho biết: Tình trạng người tâm sống chung với xã hội rồi gây án đang là một thực trạng rất đáng lo ngại vì ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Khi bị mất khả năng kiểm soát hành vi thì đó là một nguy cơ lớn dẫn đến việc gây án. Như vụ án xảy ra tại địa bàn huyện Hải Lăng vào năm 2015, người con bị tâm thần sau khi lên cơn đã dùng dao giết chết người cha là một ví dụ điển hình. Theo kết luận của Cơ quan điều tra, tại thời điểm gây án, đối tượng Lê Văn Hòa mất khả năng điều khiển hành vi.

Còn theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn hiện có khoảng 2.500 người mắc và có các triệu chứng liên quan đến bệnh tâm thần, chiếm tỉ lệ khoảng 0,5% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ số ít trong đó tự nguyện đến chữa trị tại các cơ sở y tế, còn lại là không tự nguyện hoặc thiếu sự quan tâm của gia đình nên vẫn chung sống cùng cộng đồng.

Vậy, khi đang là nguy cơ đối với xã hội, đối với cộng đồng, vì sao người tâm thần lại không được đưa đi chữa bệnh bắt buộc tại các cơ sở y tế? Theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 quy định về việc thi hành biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với người được xác định tâm thần thì biện pháp này chỉ áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng, tức là sau khi các đối tượng đã gây án. Tại điều 5, Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: “Trong giai đoạn điều tra, khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra đang thụ lí giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lí giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện Kiểm sát cùng cấp”.

Thượng úy Nguyễn Thành Đạt cho biết thêm: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định việc xác định tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thuộc trách nhiệm của cơ quan pháp y. Ở các giai đoạn tố tụng, giai đoạn nào phát hiện được, hoặc người phạm tội yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn đó trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật của người phạm tội để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.

Như vậy, cả Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị định 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế hoặc mất khả năng điều khiển hành vi nhằm ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, người mắc bệnh tâm thần gây án, sau khi được đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình. Vô hình trung, họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát. Đặc biệt, có một thực tế là hiện nay chưa có một giải pháp quản lí hữu hiệu đối với người tâm thần trong cộng đồng, chưa có giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội khi người tâm thần tiếp tục sống trong cộng đồng mà chưa được chữa trị.

Mặc dù các lực lượng chức năng, các cơ quan có liên quan đang nỗ lực tìm ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng người tâm thần gây án nhưng trách nhiệm quản lí người bị tâm thần trước hết thuộc về phía gia đình của người bệnh. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều gia đình có người tâm thần sống chung nhưng thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, để họ sống lang thang, vạ vật. Có gia đình vì thể diện còn che dấu việc người thân có bệnh. Có gia đình thì không đủ kinh phí đưa người thân đi chữa bệnh như trường hợp của đối tượng Lê Sỹ Dũng là một ví dụ.

Thiết nghĩ, trước khi có một quy định với chế tài đủ mạnh để quản lí, bắt buộc chữa bệnh đối với những người mới có biểu hiện tâm thần, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng người tâm thần gây án, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác phối hợp để có sự quản lí, giám sát phù hợp với điều kiện thực tế và hỗ trợ các gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. Đừng để tái diễn tình trạng “bò đã mất mà chuồng vẫn chưa làm”.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=142095