Lấm thân 'đàn bà đi bụi': Buồn, đau, giễu nhại, giàu trắc ẩn

Cuối cùng thì mọi người nên gọi Trịnh Đình Nghi là ông Nghi 'đi bụi'. 3 cuốn sách tối thiểu mà ông tự hứa với lòng sẽ viết trong đời, đều gắn với cơ sự đi bụi. Đọc hết, ngẫm ra, cái chất đi bụi chính là cái chất đậm đặc trong con người cầm bút tự nhận mình ngoại đạo này. Ngoại đạo vì ông không viết văn để nhăm nhăm trở thành nhà văn. Ông viết văn chỉ để trải lòng những nghĩ suy của riêng mình, để bày tỏ một thái độ sống của mình.

Bìa tác phẩm “Đàn bà đi bụi” của nhà văn Trịnh Đình Nghi

Bìa tác phẩm “Đàn bà đi bụi” của nhà văn Trịnh Đình Nghi

Sau “Nhà quê đi bụi”, “Quan lớn đi bụi”, và giờ là “Đàn bà đi bụi”, Trịnh Đình Nghi đã định hình một giọng văn riêng, rất riêng của ông. Lối viết giễu nhại, nhìn trực diện vào đời sống, thẳng thắn không vòng vo tránh né. Cách hành văn, cách kể chuyện với khả năng sử dụng từ ngữ trần trụi, thô ráp, không them để ý kỳ công gọt giũa đã tạo nên một mùi vị riêng biệt, rất khó bắt chước ở Trịnh Đình Nghi. Ông chọn lối đó để viết, hoặc là ông viết bản năng theo lối đó, cũng có nghĩa là ông đã đi một con đường thênh thang, không có cảnh tắc nghẽn chen lấn, trong đời sống văn chương hôm nay. Đơn giản vì hiếm người cầm bút có giọng văn giễu nhại một cách tự nhiên như vậy.

Quay lại chuyện “Đàn bà đi bụi” của Trịnh Đình Nghi. Trong 3 thứ đi bụi mà Trịnh Đình Nghi đã quan tâm, đã viết, thì đi bụi của đàn bà có lẽ là gợi cho bạn đọc nhiều tò mò nhất. Thử hình dung xem, đàn bà đi bụi, bản thân việc đó đã ẩn chứa bao nhiêu lấm láp gió mưa, bao nhiêu hiểm nguy cạm bẫy, bao nhiêu bất an trắc trở, bao nhiêu thân phận nỗi niềm rồi. Xưa nay, câu chuyện thân phận đàn bà thường được các nhà văn nữ khai thác nhiều hơn. Vì số phận của người nữ viết văn ít nhiều là hình ảnh phản chiếu lên các trang viết của họ. Những đau đáu dồn nén của người đàn bà trong trang viết của một nhà văn nữ ít nhiều chứa những đau đáu của chính người cầm bút.

Còn trong cuốn sách này, Trịnh Đình Nghi đã nhìn thân phận đàn bà trong lăng kính hoàn toàn khác. Đi bụi ở đây cần được hiểu ở một nghĩa rộng. Những người đàn bà với đủ mọi hoàn cảnh xuất thân, nhà quê, thành phố, nghèo khổ, giàu sang, thất học, trí thức...đều là đi trong bụi cuộc đời, trong nhân gian, trong thân phận mình, để tìm một bến bờ hạnh phúc. Mà hạnh phúc của người đàn bà là gì, là được gặp người đàn ông của đời mình, với bờ vai đủ rộng để chở che, được yên phận, được thoát khỏi những nỗi lo đời thường ghì sát đất, được tôn trọng, được đối xử bình đẳng, công bằng...

Nhà văn Trịnh Đình Nghi. Ảnh: Ngô Đức Hành

Thế giới đàn bà trong văn của Trịnh Đình Nghi muôn hình muôn vẻ. Họ đôi khi nhu mì thuần phác, cả đời chỉ cặm cụi nuôi con yêu chồng, như bà Liên trong “Bỏ làng”, họ đôi khi hóa điên, như trong “Xóm tạp thanh”, họ đôi khi lầm lạc vì Yêu như trong “Trở về”, họ đôi khi khôn ngoan lọc lõi như trong “Mẹ không hợp với bác ấy đâu”, “Người thành phố”, họ đôi khi rời bỏ đời sống vật chất đi tìm kiếm nhọc công những giá trị tinh thần như trong “Đàn bà đi bụi”, “Dục tàn”, và họ đôi khi bụi đời vô học, “không phải dạng vừa đâu” trong “Thần Nổ”, “Lao xao phố phường”....

Những người đàn bà phức tạp như thế giới này, và cũng đơn giản như thế giới này. Họ luôn khát khao được thấu hiểu, được làm chủ đời mình, được sẻ chia. Vì những nỗi đau của họ thường thầm kín, không dễ để gọi thành lời. Mỗi câu chuyện của họ giống như một góc khuất của cuộc đời, thường nhật mà u uẩn. Những chuyện có thể chẳng làm chết người. Bao nhiêu đàn bà đã sống và mang xuống mồ những nỗi niềm như vậy, thậm chí họ vẫn được ca tụng như những người đàn bà hạnh phúc. Chạm tới những ngóc ngách thẳm sâu trong tâm hồn của họ, người cầm bút chắc chắn phải yêu thương, thấu cảm đàn bà hết mực.

Nhà văn Trịnh Đình Nghi (thứ hai, trái sang) trao hoa tặng các cây viết vượt lên số phận của Quán Chiêu văn. Ảnh: Ngô Đức Hành

Nhưng đó là cảm nhận của độc giả, phía sau và phía dưới những trang văn của Trịnh Đình Nghi. Còn trên bề mặt câu chữ, văn ông Nghi không phải tạng ủy mị. Nghi đơn giản là xộc thẳng vào câu chuyện, không mấy khi đếm xỉa sự nhã nhặn ngôn từ. Chữ của ông có gương mặt thoạt thấy như phớt đời, như tưng tửng, như lạnh lùng tàn nhẫn. Khi đặc tả điều gì, ông truy vấn chữ cho bức chân dung ông định vẽ nổi lên khiến người đọc hoặc là thích thú vỗ đùi hoặc là đỏ mặt, chứ không chịu cảm giác nhờ nhờ váng mỡ. Chẳng hạn, ông dựng chân dung một đàn bà vô học: “Chả nói chả rằng con hến lạnh băng vừa kê đít xuống là co mẹ một chân lên ghế, váy xòe hở hang lòi cả quần lót, mở túi móc hộp phấn thỏi son thoa đi trát lại, cái mồm đỏ lòm lòm còn bĩu ra ọe một câu nghe phát tởm: “Sao cái ghế lày ló tanh thế?”. Chỉ từng đó chữ, người đọc nhận diện ngay nền văn hóa của người đàn bà mà Trịnh Đình Nghi đang nhắc tới.

Một thứ văn lạnh và sắc như vậy, có thể không hợp gu những ai thích những gì đèm đẹp chau truốt, nhưng phải thừa nhận nó đánh mạnh vào trực giác người đọc, khiến họ không thể không chú ý.

Ở một vài câu chuyện Trịnh Định Nghi kể trong “Đàn bà đi bụi”, có cảm giác ông không nương tay với đàn bà, vì sự sắc lạnh câu chữ như đã nói. Ông phang thẳng vào những kệch cỡm rởm đời phù phiếm mà không ít đàn bà hiện đại đang tự “làm sang” theo cách ấy. Nhưng khi chạm vào những thân phận đàn bà yếm thế, nghèo khổ, không lành lặn tâm hồn và thể xác, những sắc lạnh câu chữ của Trịnh Đình Nghi lại theo một tông màu khác. Nó làm người đọc buốt nhói. Ông bộc lộ mình là một người viết có trái tim giàu trắc ẩn, xót xa con người, xót xa cuộc đời.

Bởi vậy, khi gập “Đàn bà đi bụi” lại, thấy dư âm của yêu thương trắc ẩn còn để lại rất rõ. Những câu chuyện được kể không có gì to lớn, toàn chuyện đàn bà bé mọn, nhỏ vụn, mà sao khiến ta như bị ám ảnh. Câu chuyện kiếm tìm về hạnh phúc vẫn luôn là một câu hỏi nhức buốt với những người đàn bà dù họ ở thân phận thế nào. Và câu trả lời về hạnh phúc của người đàn bà hình như lại nằm ở những người đàn ông.

Trịnh Đình Nghi, qua những trang viết của ông, đã hé mở cho độc giả điều đó. Ông cảnh báo, nhắc nhở, trách cứ những người đàn ông bạc tình, vũ phu, gia trưởng hoặc bạc nhược, yếu hèn đã biến cuộc sống của người đàn bà thành lo âu, bất an, thậm chí khô cằn, cay độc...Xét đến cùng, người viết đã đang làm một cử chỉ giống như bênh vực những người đàn bà mà ông thấy rõ họ chân yếu tay mềm, chịu đựng rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Chỉ riêng điều đó thôi, những trang viết đã có không ít tri âm rồi. Đó cũng chính là phần thưởng quan trọng nhất cho một người cầm bút.

Những lời dẫn giải dài ngắn ra sao không thể thuyết phục độc giả bằng việc họ sẽ đọc từng trang sách. Nhưng trong lăng kính một người đàn bà chia sẻ những câu chuyện đàn bà đi bụi của tác giả Trịnh Đình Nghi. Thiết nghĩ cuộc sống riêng của một người cầm bút cũng chính là khởi nguyên cho những câu chuyện mà họ viết hay suy ngẫm về cuộc đời xung quanh mình.

Trịnh Đình Nghi là một ông “quan”, trong ngành giao thông vận tải. Ông làm công chức, không phải người lính, càng không phải người lính thời chiến tranh. Nhưng ông có tới hơn 30 năm lăn lộn với những công trình ở những vùng đất xa xôi của Tổ Quốc. Đi nhiều gặp nhiều, thấu hiểu những cam chịu của đàn bà Việt Nam trên khắp dài đất hình chữ S.

Đọc “Đàn bà đi bụi” tôi có một niềm tin rằng, Trịnh Đình Nghi kể những câu chuyện thân phận đàn bà để trả nợ cho những năm tháng bụi bặm xa gia đình mà ông đã sống, những cuộc đời đàn bà mà ông gặp trên dài rộng những con đường ông đã đi qua.

Trịnh Đình Nghi thực sự không bị những ảo vọng hão huyền của văn chương “đánh bả”. Ông đơn giản chỉ viết như một nhu cầu. Bởi cuộc sống đã làm đầy ông theo một cách nào đó, và ông chọn việc viết....

Nhà thơ Bình Nguyên Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lam-than-%E2%80%9Cdan-ba-di-bui%E2%80%9D-buon-dau-gieu-nhai-giau-trac-an-79205