Làm rõ hơn chức năng của các bộ, ngành về quản lý tài nguyên nước

Theo chương trình, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới. Sau gần 10 năm thực thi, Luật Tài nguyên nước hiện hành đã bộc lộ những hạn chế cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Góp ý kiến về dự luật này, nhiều người cho rằng, cần làm rõ hơn chức năng của các bộ, ngành về quản lý tài nguyên nước để có sự đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện các công việc cụ thể.

Trao trách nhiệm rõ hơn cho các thành phần trong xã hội

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 21.6.2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2013 đến nay. Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau 10 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên Luật Tài nguyên nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu sớm cập nhật, bổ sung, sửa đổi pháp luật về tài nguyên nước để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, toàn diện.

Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) ngày 1.3.2023

Toàn cảnh Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) ngày 1.3.2023

Tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13.6.2022 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu năm 2023.

Theo hồ sơ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự luật gồm 10 chương và 88 điều. Dự thảo Luật chú trọng sửa đổi các quy định nhằm mục đích phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước từ cấp Trung ương và địa phương nhằm khắc phục sự chồng chéo, xung đột pháp luật...

Cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012, PGS.TS. Ngô Lê Long, Trường Đại học Thủy lợi nhận định, cụm từ “tổ chức, cá nhân” trong dự thảo Luật xuất hiện rất nhiều lần, điều này chứng tỏ dự luật đã hướng việc thực hiện đến người dân và cộng đồng, trao trách nhiệm rõ hơn cho các thành phần trong xã hội. Tên gọi của dự thảo Luật đã bao hàm và phù hợp với phạm vi điều chỉnh cũng như các nội dung được đề cập trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, PGS.TS. Ngô Lê Long cũng chỉ rõ, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên được xem là một loại khoáng sản nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản, do đó, để tránh chồng chéo, không nên thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Các vấn đề liên quan trong quản lý phòng, chống hạn hán thiếu nước, lũ lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, cần xem xét, lồng ghép để việc triển khai thực hiện phù hợp với Luật Phòng, chống thiên tai.

Liên quan đến các công trình thủy lợi thực hiện nhiệm vụ khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, có ý kiến cho rằng, chủ yếu là các trạm bơm và cống lấy nước. Các công trình này đã được xác định rõ về đối tượng sử dụng nước, thời điểm lấy nước, vị trí lấy nước, lưu lượng cấp nước và hoạt động theo Quy trình vận hành đã được phê duyệt. Do đó, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đối với các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được xây dựng theo quy hoạch thì không phải đăng ký, cấp phép; từ đó, bổ sung nội dung này vào Khoản 2 Điều 47 và bãi bỏ các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật (như Khoản 4 Điều 87…).

Điều hòa, phân phối tài nguyên nước có được phép khác quy trình vận hành hồ chứa?

Điều 40 dự thảo Luật quy định về “Điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước”, tại khoản 2 nêu rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện việc điều tiết hồ chứa phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác theo phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước; Bộ Công thương chỉ đạo việc điều tiết vận hành các hồ chứa thủy điện trên cơ sở phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Từ thực tiễn hoạt động, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Phạm Văn Vương nhận thấy, quy định như trên chưa làm rõ việc điều hòa này có được phép khác so với quy trình vận hành hồ chứa hay không. Quy trình vận hành liên hồ do Thủ tướng phê duyệt. Việc vận hành hồ chứa phải tuân thủ quy trình, trong trường hợp phương án điều hòa có khác so với quy trình vận hành thì cần thực hiện như thế nào? Đơn vị quản lý vận hành có được thực hiện vận hành hồ theo phương án điều hòa của Bộ Tài nguyên và Môi trường không hay cần được sự chấp thuận của Thủ tướng? "Nếu phương án điều hòa có thay đổi so với quy trình mà phải trình Thủ tướng phê duyệt thì sẽ không kịp thời", ông Phạm Văn Vương nhấn mạnh.

Về trách nhiệm của Bộ Công thương trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để thực hiện các trách nhiệm này, Bộ Công thương đang thiếu công cụ thực hiện thanh tra, kiểm tra trong thực thi nhiệm vụ quản lý quy trình vận hành hồ chứa và an toàn đập hồ chứa thủy điện. Tại khoản 1, Điều 83 dự thảo Luật chỉ quy định tổ chức được thanh tra chuyên ngành bao gồm Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước.

Theo Nghị định số 35/2009/NĐ-CP ngày 7.4.2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra tài nguyên và môi trường, cơ quan được giao thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương không thuộc tổ chức được thanh tra tài nguyên nước. Việc thiếu chức năng thanh tra, kiểm tra đang là khó khăn, vướng mắc trong thực thi quy định về tài nguyên nước của Bộ Công thương. Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị dự thảo Luật bổ sung cơ quan thanh tra, kiểm tra tài nguyên nước bao gồm cơ quan được thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước của Bộ Công thương.

Dự kiến, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 3 này. Hiện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình hoàn thiện dự án Luật. Do đó, những vấn đề nêu trên cần được đánh giá kỹ lưỡng, sửa đổi, bổ sung để có dự án Luật chất lượng, khả thi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/lam-ro-hon-chuc-nang-cua-cac-bo-nganh-ve-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-i317953/