Làm điện mặt trời ở VN, nhà thầu Trung Quốc tính gì?

Theo chuyên gia, những dự án điện mặt trời nhỏ chỉ là bước khởi đầu của nhà thầu Trung Quốc, họ sẽ tiến tới thâu tóm những dự án lớn.

Ngày càng nhiều dự án điện mặt trời được khởi công tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, với sự tham gia của các nhà thầu ngoại.

Nhiều dự án điện tại Việt Nam mang dấu ấn đậm nét của nhà thầu Trung Quốc, trong có phải kể đến nhà thầu Power China Kuming Engineering Corporation Limited Consortium.

Power China đã trúng gói thầu EPC thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 do Liên danh nhà thầu Sinohydro Corporation Limited - Power China Kuming Engineering Corporation Limited Consortium đảm nhận.

Power China cũng là nhà thầu thực hiện các gói thầu quan trọng của dự án điện tái tạo Hồng Phong 1, Hồng Phong 2 thuộc Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex).

Đây cũng là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu DMS-8 về thiết kế, cung cấp, lắp đặt và thử nghiệm thiết bị quang điện thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi; tham gia thực hiện gói thầu tại Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 (Quảng Nam)…

Nhà thầu Trung Quốc tham gia ngày càng mạnh mẽ vào thị trường điện mặt trời Việt Nam. Ảnh minh họa

Nhận xét về sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho hay, Trung Quốc bán linh kiện, thiết bị điện mặt trời khắp thế giới. Ngay cả nước phát triển như Mỹ cũng dùng linh kiện của Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng đang dẫn đầu về công nghệ điện mặt trời. Tuy nhiên, Trung Quốc có cung cấp những công nghệ, thiết bị, linh kiện điện mặt trời hiện đại cho Việt Nam hay không lại là chuyện khác.

"Trung Quốc không phải không có công nghệ hiện đại nhưng liệu họ có bán cho Việt Nam công nghệ ấy hay không? Hay họ đưa công nghệ lạc hậu, thiết bị rẻ tiền, chóng hư đến cho Việt Nam? Đây là một câu hỏi.

Việc nhà thầu Trung Quốc làm các dự án điện mặt trời ở Việt Nam có thể thấy sự tính toán. Ban đầu, họ chỉ làm những dự án nhỏ, đơn cử như dự án Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 chỉ có công suất 42,65MWp, nhưng rồi họ sẽ tiến tới thâu tóm những dự án lớn hơn. Khi ấy, khả năng nhà thầu Trung Quốc tăng giá, độc chiếm thị trường Việt Nam, chiếm những gói thầu lớn hơn trên khắp cả nước phải được tính đến.

Bên cạnh đó, chủ trương của Việt Nam là phát triển điện mặt trời áp mái ở các hộ gia đình. Trung Quốc có thể kiếm lời nếu họ cung cấp thiết bị, những tấm pin mặt trời. Dư luận hoàn toàn có thể nghi ngờ người làm mối cho việc cung cấp thiết bị ấy được "hoa hồng" từ phía doanh nghiệp Trung Quốc. Vấn đề là sau khi lắp ráp xong, điện có ra được không, thiết bị an toàn hay không thì họ không quan tâm làm gì, chỉ có người mua thiết bị và nhà thầu chịu trách nhiệm", GS.TSKH Phạm Phố cảnh báo.

Theo nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, bởi Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm với nhà thầu Trung Quốc nên khi họ trúng thầu làm nhiều dự án điện mặt trời tại Việt Nam thì lo ngại là điều dễ hiểu.

Nhìn lại nhiều dự án do phía Trung Quốc đảm nhận như những dự án nhiệt điện, nhà máy phân đạm, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông..., GS.TSKH Phạm Phố "tổng kết": cách làm chung của nhà thầu Trung Quốc là đưa ra giá ban đầu rẻ, sau khi trúng thầu thì họ lấy lý do này, lý do khác để đội giá lên, cuối cùng giá thành lại cao hơn các nước công nghiệp tiên tiến.

"Tại sao tình trạng ấy lại có thể xảy ra? Một phần là do nạn tham nhũng ởViệt Nam đã tạo cơ hội cho nhà thầu Trung Quốc đảm nhận các dự án.

Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế tình trạng trên thì hợp đồng phải quy định chặt chẽ để ràng buộc nhà thầu, nhưng đó chỉ là một chuyện. Đối với nhà thầu Trung Quốc, kinh nghiệm cho thấy, họ đã muốn chây ì thì đành chịu.

Các hợp đồng của nhà thầu Trung Quốc với các quốc gia khác cũng như thế, không riêng gì Việt Nam. Dù hợp đồng có quy định chặt chẽ thì nhà thầu Trung Quốc vẫn lách được. Họ trúng thầu, làm dự án được một phần là bắt đầu đòi chuyển tiền, chuyển xong họ làm một ít rồi lại chây ì, đòi tăng tiền thì mới tiếp tục làm.

Khi ấy, nhà đầu tư đành phải cắn răng bỏ thêm tiền bởi không làm thì dự án dở dang. Làm với nhà thầu Trung Quốc, kinh nghiệm cho thấy, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần "theo lao", chất lượng không biết, thời gian không biết, cuối cùng thiệt hại Việt Nam phải gánh chịu", vị chuyên gia nhận xét.

Lưu ý rằng hiện nay Việt Nam chưa có quy hoạch quốc gia về năng lượng tái tạo, điện mặt trời mới chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam, GS Phạm Phố cho biết, đành rằng Trung Quốc cung cấp linh kiện, thiết bị, giá điện mặt trời ban đầu rẻ nhưng về năng lực, nhiều nước khác làm rất tốt, Việt Nam không nên chỉ tập trung vào nhà thầu Trung Quốc.

Chính vì thế, để hạn chế rủi ro, điều quan trọng nhất là các dự án phải đưa ra đấu thầu.

"Điện mặt trời không chỉ có mình Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác như Nhật, Đức, Mỹ... có thể làm được. Họ có thể bỏ tiền xây dựng cho Việt Nam, sau đó Việt Nam trả cho họ, trong trường hợp Việt Nam thiếu vốn thì có thể vay.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây bài toán phải được "lật ngửa" ra, tất cả phải qua đấu thầu, không thể lệ thuộc quá vào Trung Quốc, vay vốn của họ, cuối cùng họ nắm đằng chuôi, chỉ có mình chịu thiệt.

Một vấn đề khác, đó là Việt Nam phải nâng cao chất lượng cán bộ, tổ chức quản lý phải thật nghiêm để hạn chế tình trạng tiêu cực, làm "tay trong" cho nhà thầu Trung Quốc", GS.TSKH Phạm Phố nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lam-dien-mat-troi-o-vn-nha-thau-trung-quoc-tinh-gi-3372886/