Kỳ vọng nâng hạng thị trường có thể đẩy VN-Index năm 2025 lên trên 1.600 điểm
VCBS đánh giá, với kịch bản cơ sở, năm 2025 VN-Index có thể đạt 1.555 điểm và với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Trải qua một năm 2024, thị trường chứng khoán nhạy cảm hơn với những sự kiện kinh tế chính trị trong và ngoài nước hơn bao giờ hết. Nhiều nhóm ngành cổ phiếu ghi nhận sự không tăng trưởng trong bối cảnh trầm lắng chung trên toàn thị trường. Trong khi khối ngoại xả ròng, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân nội trở thành động lực chính hỗ trợ thị trường, cân đối với lực bán của nhà đầu tư ngoại.
Trái ngược với bối cảnh ít thông tin tích cực năm 2024, triển vọng năm 2025 đối với thị trường chứng khoán lại trở nên tích cực hơn.
Trong phân tích mới đây, VCBS đánh giá mỗi thời kỳ chuyển giao sẽ mang lại đột phá trong chính sách điều hành, tạo ra động lực cho thị trường. Xu hướng nới lỏng tiền tệ thế giới và dư địa nới lỏng tài khóa trong nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng.
Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng thị trường đang trở nên hấp dẫn hơn. Dự kiến đến tháng 9/2025, thị trường Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng, thời điểm đang đến rất gần. Theo quan sát, chỉ số các thị trường chứng khoán cận biên thường tăng trước thêm nâng hạng 1 năm, sau đó điều chỉnh. Hiện Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE. Tiêu chí Pre-funding đã hoàn thiện cơ chế bởi Bộ Tài chính và đang chờ FTSE review trong khi Tiêu chí Chi phí giao dịch thất bại vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Năm 2025, lợi nhuận toàn thị trường còn được dự báo tăng trưởng 12% với động lực từ ngân hàng và bất động sản.
Nhằm dự báo triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2025, VCBS đã sử dụng mức trung bình điều hòa của P/E khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm tham chiếu so sánh để xác định mức định giá của thị trường Việt Nam. Trong những năm trở lại đây, VN-Index đang được định giá tương đương mặt bằng bình quân khu vực. Theo đó, VCBS ước tính P/E của Việt Nam sẽ dao động ở vùng 13.9x – 15.3x trong năm 2024.
Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường +12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.
Cùng các yếu tố hỗ trợ, thanh khoản dự báo cũng sẽ gia tăng cùng chỉ số. VCBS dự báo thanh khoản thị trường có thể đạt 29.500 – 30.500 tỷ đồng/phiên cho cả 3 sàn, với mức tăng tập trung kể từ giữa quý II/2025.
Con số này được dựa trên kỳ vọng VN-Index đạt 1.555 điểm, vốn hóa toàn thị trường dự kiến tăng 20%-25%, và giá trị giao dịch được kỳ vọng tăng tương ứng. Dựa trên thống kê trong quá khứ, tương quan giữa giá trị giao dịch và điểm số index lên tới 94%.
Xu hướng rút ròng của khối ngoại vẫn có thể diễn ra, song ở mức thấp hơn năm 2024, ước tính khoảng 450 tỷ đồng/phiên. Với việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón dòng tiền ròng lên tới 1,3 – 1,5 tỷ USD trong quý III/2025 (trước thềm nâng hạng).
Ngoài ra, sóng chuyển sàn cũng sẽ trở thành động lực hỗ trợ cho thanh khoản thị trường. Việc chuyển sàn của BSR và MCH có thể giúp giao dịch trên HOSE sôi động hơn. Đồng thời BSR và MCH đều nâng room ngoại lên lần lượt 49% và 50%. Đây hầu như là những cổ phiếu vốn hóa lớn, vị thế cao trong ngành, có thể thu hút thêm nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường.