Ký ức Điện Biên phủ: Những bước chân nát đá

Chúng tôi gặp ông Trần Khôi – một 'huyền thoại sống' của lực lượng dân công hỏa tuyến xứ Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ trong ngôi nhà nhỏ ở phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa).

Ông Trần Khôi bên bức ảnh kỷ vật của mình. Ảnh: Nguyễn Chung.

Năm nay đã bước sang tuổi 97 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, dù sức khỏe đã bắt đầu giảm sút. Với tay lấy bức ảnh treo trang trọng trên tường ở phòng khách, kỷ vật mà suốt 70 năm qua ông vẫn lưu giữ trong niềm tự hào và cả những ký ức đầy bi tráng. “Đồng đội tôi đấy. Giờ chẳng còn lại mấy người nhưng cứ mỗi lần nhớ họ, tôi lại lấy ảnh xuống ngắm và nói chuyện. Thôi thì thấy ảnh cũng là thấy người… mới đấy thôi mà cũng đã mấy mươi năm”- ông Khôi nói.

Ông kể: Đầu năm 1953, chính quyền thị xã Thanh Hóa họp, quyết định thành lập một Đại đội xe thồ tải gạo lên Điện Biên Phủ theo chỉ lệnh của cấp trên, nhằm thiết lập cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Ông Nguyễn Hổ được cử làm Đại đội trưởng; Đại đội phó là Nguyễn Văn Chung và ông - Trần Khôi là Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ (với 15 đảng viên). Đến tháng 8/1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên kế hoạch cụ thể phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Song song, đến đầu tháng 11/1953, dân công Thanh Hóa cùng ngành giao thông đã mở thông đường 41, con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên.

Mọi công tác chuẩn bị được hoàn tất, thượng tuần tháng 2/1954, Đại đội xe thồ 101 của thị xã Thanh Hóa tập trung tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) làm lễ xuất phát. Đại đội của ông đi từ xã Đông Tiến, lên Thọ Xuân nhận gạo. Mỗi người ban đầu thồ 50kg, cùng quần áo, xoong nồi để ngủ nghỉ, nấu ăn trên đường. Tiếp đến là đi qua Vạn Mai lên Quan Hóa, Bá Thước, dọc Suối Rút đến ngã ba Cò Nòi và điểm tập kết cuối là Sơn La. Đặc biệt, trên chặng đường vận chuyển từ trạm H1 (Tuần Giáo) đến Điện Biên Phủ dài gần 80km, đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa được bố trí tới 3.000 xe. Đường chủ yếu là núi cao, vực thẳm, đá tai mèo, trong khi máy bay của địch ngày đêm trinh sát, đánh phá nhưng anh em trong đoàn luôn động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ban ngày máy bay địch trinh sát thì mình ngủ; đêm chúng thả pháo sáng thì mình ẩn vào bìa rừng, vách núi, cứ thế mà đi.

Khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt, cần chi viện một lượng lớn lương thực cho chiến dịch, yêu cầu tăng tải trọng cũng được đặt ra từ 50kg/xe ban đầu lên 70kg, rồi 120, 195, 250kg và đỉnh điểm có xe hơn 300kg. Để đáp ứng yêu cầu chiến dịch, Đại đội xe thồ 101 chia thành 8 tiểu đội; tiểu đội lại chia thành tổ “Tam tam” (3 người một xe), hỗ trợ nhau khi lên, xuống dốc. Bởi khi xuống dốc, phải có một người cầm lái, một người kéo xe lại và một người đằng trước ghì tay lái xuống, không thì xe lao xuống vực thẳm. Lúc lên dốc, ngoài người cầm lái, đẩy xe, phải có một người đi trước, buộc dây kéo vào người, vừa ghì, vừa kéo xe lên. Vất vả nhất là vào những ngày trời đổ mưa khiến đường trơn trượt. Toàn đại đội hành quân trong đêm tối, khi xe xuống dốc, anh em trong tổ vừa dùng lực ghì xe, vừa phải rút dép cao su đùn vào bánh xe, tăng ma sát. Những đôi chân trần đạp lên đá tai mèo, túa máu.

“Gian nan, vất vả là thế nhưng không ai muốn nghỉ, không ai muốn mình tụt lại phía sau, tất cả vì đồng đội đang dồn sức cho thắng lợi cuối cùng”- ông Khôi nhớ lại.

Để tăng năng suất vận chuyển hàng hóa, những chiếc xe thồ được chế ra từ những chiếc xe đạp bằng cách buộc thêm vào tay lái một đoạn tre nhỏ, dài khoảng một mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển xe, buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, còn hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ và buộc thêm vải để tăng độ bền của săm, lốp. Đường hành quân gian nan là vậy nhưng trên ghi đông xe được thiết kế thêm giá đỡ đồ dùng cá nhân mang theo, sử dụng trong suốt chặng đường tiếp vận.

“Ngày ấy chúng tôi ra trận với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Lực lượng dân công nói chung và dân công hỏa tuyến nói riêng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh để vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ chói lọi”- ông Khôi xúc động nói.

Theo thống kê, trong 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số 178.924 lượt người và 27 triệu ngày công; cùng với 10.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe ngựa thồ, 31 xe ô tô, 180 xe bò vận chuyển. Đồng thời, Thanh Hóa đã cung cấp 4.361 tấn gạo, vượt mức Trung ương giao 9 tấn; 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu các loại, 450 tấn cá khô, 20.000 lọ mắm cùng với hàng trăm tấn rau các loại... Đó là những đóng góp vô cùng to lớn của quân và dân Thanh Hóa cho chiến thắng.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-uc-dien-bien-phu-nhung-buoc-chan-nat-da-10276960.html