Ký ức của người lính già trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm ấy trở về từ bom đạn, vẫn tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước, nhưng những ký ức về thời máu lửa vẫn in hằn trong trái tim cựu chiến binh Hà Văn Khương (70 tuổi, trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa).

17 tuổi lên đường nhập ngũ

Cựu chiến binh Hà Văn Khương sinh ra trong một gia đình đông anh em. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1972, chàng thanh niên 17 tuổi Hà Văn Khương đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 1 năm kiên trì huấn huyện tại đơn vị, ông nhận được lệnh đi B (vào chiến trường miền Nam chiến đấu) chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Lúc lên đường, ông chỉ kịp ghi vội vài nét chữ để thông báo với gia đình về chuyến đi mà chưa biết ngày về.

Cựu chiến binh Hà Văn Khương hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông Khương nhớ lại: “Trong thời gian huấn luyện, ai cũng mong muốn nhanh được lên đường để trực tiếp chiến đấu, nên khi nhận được tin đi B, trong lòng những người lính chúng tôi hào hứng phấn khởi lắm, chỉ mong nhanh chóng vào đấy để cùng nhau sống chết với địch, giành lại non sông đất nước. Đêm trước khi lên đường, nghĩ về cha mẹ tuổi già cần người phụ dưỡng, nước mắt tôi lại tuôn rơi. Nhớ lại lời dặn của cha ngày tôi nhập ngũ: “một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực, đừng lo lắng cho gia đình, hãy cố gắng vì non sông đất nước, làm vẻ vang cho gia đình và làng xóm". Lời nói của cụ cứ văng vẳng bên tai, tiếp thêm sức mạnh và theo tôi trong suốt hành trình chiến đấu”.

Hành trình vào Nam, qua nhiều lần chuyển tàu, đổi xe, thay đổi trang phục, băng rừng vượt núi, cuối cùng đơn vị ông đã vào đến Hậu Giang để chiến đấu với địch ở mặt trận phía Tây Nam. Chiến sĩ Hà Văn Khương lúc đấy vừa tròn 18 tuổi, được phân bổ về tiểu đội 17 pháo binh phụ trách súng DKZ 82mm, thuộc Trung đoàn 20, Sư đoàn 4, Quân Khu 9, với nhiệm vụ đánh chiếm đồn, cứ điểm của địch, để mở rộng vùng giải phóng.

Những ngày chiến đấu trực tiếp với quân giặc, chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình hi sinh trước nòng súng của kẻ thù, càng hun đúc thêm tinh thần thép trong ông.

Nhớ lại khoảnh khắc người đồng đội thân thiết hy sinh mà mắt vẫn hướng về Thủ đô yêu dấu, khiến ông Khương rưng rưng xúc động.

“Trong đơn vị, tôi và anh Việt rất thân với nhau. Anh ấy từng là giáo viên nên lúc rảnh anh hay dạy thêm cho tôi, hẹn ngày giải phóng anh Việt sẽ đưa tôi ra Hà Nội chơi. Vậy mà, trước lúc giải phóng khoảng vài tiếng đồng hồ, anh đã hy sinh sau lần tập kích của kẻ thù”, ông Khương nhớ lại.

Chưa có niềm vui nào hơn giây phút ấy

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị ông Khương nhận nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Trà Nóc (Cần Thơ). Để chuẩn bị cho trận đánh, tối 26/4/1975, các trinh sát của ta đã bí mật tiếp cận và thông báo các vị trí chuẩn bị tấn công. Nhận được lệnh, đơn vị ông Khương đã dùng thuyền đưa vũ khí, trang bị vào trận địa. Quá trình di chuyển vào đêm thì gặp địch tuần tra, anh em phải nhấn chìm thuyền cùng vũ khí xuống nước, ẩn nấp dưới gốc dừa nước hay những đám bèo, đợi quân địch đi qua, rồi lắc thuyền di chuyển tiếp đến trận địa”.

Vào rạng sáng 29/4/1975, quân ta đến lộ Vòng Cung và triển khai đội hình chiến đấu đánh chiếm sân bay Trà Nóc -Một trong những căn cứ quân sự quan trọng của địch. Tuy nhiên khi vừa áp sát, địch sử dụng pháo binh bắn phá và máy bay ném bom dữ dội vào trận địa của ta. Máy bay trực thăng vũ trang UH-1 của địch bay thấp, quần thảo, phóng rốc két và bắn đại liên như mưa. Xe bọc thép M113 dàn hàng ngang bắn yểm trợ cho bộ binh địch. Mặt đất bom đạn cày xới, cây bị mảnh pháo, đạn nhọn phạt gãy, đổ ngổn ngang…, một khẩu đội cối 120mm của ta bị trúng đạn, hư hỏng nặng phải rút lui về sửa chữa.

Từ những công sự chiến đấu, quân ta bình tĩnh bắn từng loạt đạn chính xác vào các tốp địch ở cự ly gần, sử dụng các loại hỏa lực như B40, B41, cối 60mm, DKZ 82mm và đại liên M6.

Những huân, huy chương do Nhà nước khen thưởng được ông Khương treo trang trọng trong nhà.

Rạng sáng 30/4, địch điên cuồng bắn pháo dữ dội vào đội hình ta, tiếng động cơ máy bay gầm rú, máy bay A37 và AD6 ném bom liên tục. Chúng dùng trực thăng vũ trang và xe lội nước yểm trợ bộ binh đánh chặn phía trước, phía sau. Tuy nhiên, bộ đội ta vẫn bám sát trận địa, cơ động tiến công, phòng thủ linh hoạt, không sợ hy sinh, chờ thời cơ phản công.

Gần trưa cùng ngày, nhận thấy thời cơ đã đến, quân ta đồng loạt tiến công thọc sâu vào sân bay trước sự hoảng loạn của địch. Chúng chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Cùng thời điểm đó, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Nhớ lại những khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử, cựu chiến binh Hà Văn Khương nói: “Có lẽ chưa có niềm vui sướng hạnh phúc nào hơn thời khắc đó, giây phút ấy đã in sâu vào trong trái tim tôi. Đến bây giờ, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng với riêng tôi đấy là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Đất nước thống nhất, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam để phát triển kinh tế và ổn định tình hình chính trị. Đôi tay rời xa súng đạn, bắt đầu cầm cuốc phát triển kinh tế”.

Năm 1976, tập đoàn Pol pot tại Campuchia đã tiến sát biên giới Tây Nam, đánh chiếm một số làng mạc của ta. Trước tình hình trên, đơn vị ông Khương lại rời những cánh đồng lúa chưa trổ bông để tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và sang giúp nước bạn Campuchia giành độc lập. Năm 1988, ông được nghỉ chế độ mất sức, trở về quê hương với quân hàm Đại úy.

Gặp gỡ, trò chuyện với ông Khương chúng tôi còn được biết đơn vị của ông có nhiều con em nhân dân Thanh Hóa cũng tham gia chiến đấu, nhưng nhiều người đã hi sinh anh dũng, nhiều người bị thương. Giờ đây, cựu chiến binh Hà Văn Khương tuổi đã cao, trí nhớ đã bị bào mòn theo năm tháng nhưng khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng trong những ngày đất nước thống nhất vẫn mãi in hằn trong trái tim ông.

Với ông, đó là niềm vinh dự tự hào khi được khoác lên trên người bộ quân phục màu xanh. Tình cảm đồng chí, đồng đội đã từng sát cánh bên nhau trong suốt hành trình chiến đấu gian khổ và cũng rất vinh dự tự hào vẫn in đậm trong trái tim người chiến sĩ ấy.

Ông Khương mong muốn trong quãng đời còn lại của mình có dịp gặp lại đồng đội cũ. Mọi thông tin xin liên hệ: Hà Văn Khương, thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Điện thoại: 0329731052.

Thành Phan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ky-uc-cua-nguoi-linh-gia-trong-chien-dich-ho-chi-minh-428005.html