Kỷ niệm Trường Sa

Vào cuối năm 2011, lần đầu tiên tôi được đi trên con tàu HQ 996 ra thăm các điểm đảo Trường Sa. Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên về hành trình đến với quần đảo thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Tàu HQ 996 đưa hơn 400 cán bộ, chiến sĩ hải quân và nhà báo ra thăm quần đảo Trường Sa. Ảnh: CÔNG HOAN

1. Con tàu HQ 996 đưa chúng tôi rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) vào ngày 15/12/2011. Đảo Song Tử Tây là điểm đến đầu tiên trên hải trình ra Trường Sa. Những con sóng vỗ ào ạt vào thân tàu làm nó lắc lư, nghiêng ngả. Hơn 400 chiến sĩ, cán bộ và phóng viên (PV) cũng ngả nghiêng theo sóng. Hơn 1/3 người trên chuyến đi không chịu được sóng đã bắt đầu say.

Con tàu cứ đi, số người say sóng tăng dần. Bữa cơm đầu trên tàu chỉ còn một nửa số phóng viên tham gia. Trong phòng khách, nhiều phóng viên phải nằm nghiêng ăn cơm nắm cho đỡ say sóng. Khi cả những đầu bếp của tàu cũng say và thiếu người vắt cơm nắm, anh Đức Tuấn (PV Đài PT-TH Thái Nguyên) liền xông vào bếp vắt cơm và đưa cho tôi phân phát cho phòng Đ24, Đ25 và Đ26, nơi cánh phóng viên nghỉ ngơi. Những ngày tiếp theo, anh Tuấn vẫn duy trì đều đặn công việc vắt cơm nắm. Anh ấy đã có thêm một biệt danh mới sau chuyến đi Trường Sa: Tuấn cơm nắm!

Càng đi, biển càng nổi sóng mạnh. Tiếng radio trên tàu báo tin bão cấp 7 đã đổ bộ vào quần đảo Trường Sa. Gương mặt trung tá Nguyễn Văn Đoàn (Thuyền trưởng tàu HQ 996) thêm phần căng thẳng hơn. Bao năm lăn lộn với sóng gió Biển Đông, anh hiểu được những hiểm nguy từ cơn bão. “Giảm tốc độ, bật radar và máy dò độ sâu!”, tiếng anh Đoàn dõng dạc chỉ đạo các thuyền viên. Rồi anh tất bật chạy đi chạy lại kiểm tra các thông số. Không cao to lắm, nhưng trông anh Đoàn rắn rỏi với nước da bánh mật của những người xứ biển.

“Bao giờ mình tới đảo hả anh?”, câu hỏi của tôi làm anh Đoàn hơi giật mình. Dường như hiểu được nỗi lo lắng trong tôi, anh mỉm cười nói: “Con tàu này chịu được bão cấp 8, sóng gió này ăn nhằm gì. Chú yên tâm, vài ba bữa nữa mình tới đảo thôi”. Nói vậy, nhưng gương mặt cũng không giấu được nỗi lo lắng như tôi. Bởi nhiệm vụ của anh cực lớn khi phải đưa hơn 400 con người vượt biển an toàn trong cơn bão.

Câu chuyện giữa tôi và thuyền trưởng Đoàn bị gián đoạn khi anh bạn Thái Lộc (PV báo Tuổi Trẻ) chạy vào gọi tôi lên boong ngắm biển. Anh bạn người Huế này cũng lần đầu ra Trường Sa như tôi. Không bị say sóng, suốt ngày anh ta cứ tung tăng chạy khắp tàu ghi hình, vui đùa với mọi người. Từ cột radar của tàu, tôi nhìn ra xa chỉ thấy sóng biển và hải âu. Những cánh hải âu miệt mài bay theo con tàu không nghỉ. Chúng bay lên, liệng xuống, chao nghiêng quanh tàu tìm cá. Lâu nay, hình ảnh hải âu mà tôi biết chỉ qua mấy câu hát bài “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song: “Tháng năm con tàu quen sóng cả, quen gió biển/Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép/Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi/Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em”. Lần đầu tiên nhìn thấy chim hải âu, dường như tôi cũng vui hơn và quên đi những nhọc nhằn sóng gió.

Thượng tá Ngô Duy Đỗ (Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 146) bế cháu Hồ Song Tất Minh ngay khi đến đảo Song Tử Tây. Ảnh: CÔNG HOAN

2. Sau 4 ngày đêm lênh đênh giữa biển khơi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được xã đảo Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ở những nơi xa xôi của đất nước, mỗi cái bắt tay hay mỗi ánh mắt nhìn nhau đều thân quen lạ thường. Dù chưa gặp nhau lần nào, nhưng quân dân xã đảo đón chúng tôi như đón người thân trở về nhà. Cả 7 hộ dân ở xã đảo rộn rã trong bộ áo quần mới đón đoàn với những nụ cười rạng rỡ. Các cháu nhỏ sống trên đảo ùa ra vây lấy những chú hải quân.

Thượng tá Ngô Duy Đỗ (Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 146) được những cháu nhỏ trên đảo gọi í ới thân thương: bố Đỗ, bác Đỗ, chú Đỗ… Từ ngày ra khơi đến giờ, tôi chưa thấy lúc nào anh vui đến vậy. Anh vỗ về và ôm hôn thắm thiết những cháu nhỏ. Nhấc bổng công dân đầu tiên sinh ra ở Trường Sa là cháu Hồ Song Tất Minh (sinh ngày 16/5/2009, tại xã đảo Song Tử Tây), anh Đỗ hỏi: “Con khỏe không?”.

Bé Minh không nói mà chỉ mừng rỡ ôm chầm vai anh Đỗ. Riêng tôi, trong phút giây nồng ấm đó cũng được gặp một đồng hương Hà Tĩnh là thượng tá Phan Văn Hòa (Đảo trưởng đảo Song Tử Tây). Ngay từ câu chào đầu tiên, anh đã hỏi ngay: “Em ở Hà Tĩnh à?”. Tôi vừa gật đầu, anh đã vội ôm chầm lấy nói: “Lâu rồi mới gặp đồng hương ở đây!”. Cầu tàu xã đảo Song Tử Tây hôm đó cứ nhộn nhịp trong tiếng chào hỏi không dứt.

Đại úy Chính (Thuyền phó tàu HQ 996) tâm sự: “Khi tàu chạy, hải âu thường bay trước mũi để săn những con cá biển tung lên theo sóng khi vấp tàu. Từ cabin tàu nhìn ra trông chúng rất vui mắt và thân thương. Với những người lái tàu, hải âu như người bạn tri kỷ trong những ngày lênh đênh trên biển”.

3. Đúng vào ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/2011), con tàu HQ 996 đưa chúng tôi có mặt ở đảo chìm Đá Thị. Ở đảo chìm này, đặc sản là ốc. Trên góc giường, trong phòng nghỉ đâu đâu cũng thấy những vỏ ốc đẹp mê hồn. Bạn Diễm My (PV báo Ninh Thuận) được một sĩ quan tặng chiếc neo tàu với dây vỏ ốc nhảy quấn quanh như những bông hoa hồng. Những sĩ quan khác cũng đem những “báu vật ốc biển” tặng cho cánh nhà báo chúng tôi.

Tác giả trong chuyến công tác ra thăm đảo Trường Sa cuối năm 2011

Nhận những món quà đó, có phóng viên ái ngại hỏi: “Các anh tặng chúng tôi rồi, lấy đâu ra ốc tặng cho người yêu và bạn bè?”. Nhưng các anh chỉ cười nói: “Ở đây có nhiều ốc lắm, các nhà báo đừng lo”! Đại tá Nguyễn Đức Vượng (Trưởng đoàn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) vỗ vai tôi cười: “Anh em chúng tôi quý nhà báo lắm vì các anh là những người nói hộ được tâm tư của chúng tôi đến với mọi người dân trên khắp đất nước”. Bữa cơm trưa, các sĩ quan trên đảo đãi chúng tôi rất nhiều món ăn từ ốc. Còn chúng tôi tặng lại các anh những bài hát về anh bộ đội Cụ Hồ.

Mỗi điểm đảo Trường Sa chúng tôi đi qua đều ghi dấu những kỷ niệm khó phai mà tôi không thể nào kể hết. Trong đó, có đêm đón Tết Dương lịch ở xã đảo Sinh Tồn (31/12/2011). Ngay từ buổi chiều ráp nhạc, hàng chục chiến sĩ đã tập trung về cột mốc chủ quyền để nghe chúng tôi hát. Đúng 7h tối, hàng trăm chiến sĩ, sĩ quan và người dân có mặt đông đủ ở cột mốc chủ quyền trên đảo để giao lưu cùng đoàn nhà báo. Ca khúc về biển đảo được các chiến sĩ hải quân hát hay như những ca sĩ chuyên nghiệp. Còn chúng tôi, những “ca sĩ” lần đầu lên sân khấu cũng được cổ vũ nồng nhiệt.

Bạn Hà Ly (PV báo Công an Nhân dân) dẫn chương trình, anh Đình Quân (PV báo Tiền Phong - đã mất) kể chuyện 3 lần ra Trường Sa, bạn Trần Lê Anh Tuấn (PV Trung tâm Phát thanh Quân đội) hát bài “Sông Đắc Rông mùa xuân về”. Còn tôi gửi đến các chiến sĩ hương vị cà phê qua ca khúc “Ly cà phê Ban Mê”. Mỗi bài hát kết thúc, những tràng pháo tay vang lên rộn rã. Đêm giao lưu kết thúc lúc 9h tối nhưng ai cũng muốn kéo dài thêm mãi. Trường Sa với tôi chỉ là những điều dung dị như thế!

CÔNG HOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-niem-truong-sa-post1587027.tpo