Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc (17/2/1979 - 17/2/2019):Cùng nhau tạo dựng môi trường hòa bình, phát triển

Hôm nay (17/2) vừa tròn 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019). Toàn thể dân tộc Việt Nam long trọng kỷ niệm sự kiện này.

Kỷ niệm không để khoét thêm vết đau hận thù mà kỷ niệm là để khơi dậy tinh thần dân tộc quật cường, luôn đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi tình huống mà sâu xa hơn muốn gửi một thông điệp rằng tất cả các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam muốn được sống trong môi trường hòa bình để cùng nhau xây dựng sự thịnh vượng chung.

Bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường biên giới bẽ gãy sự xâm lược của quân thù (ảnh tư liệu)

Và như đã đề cập trong số trước, vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ thống nhất đất nước (30/4/1975); giải phóng biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, tưởng tiếng súng sẽ im trên quê hương Việt Nam thanh bình, thì một lần nữa quân và dân nước ta, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Bắc lại phải chiến đấu bảo vệ phên dậu biên giới của Tổ quốc mến yêu mà đỉnh cao là những tháng đầu năm 1979 của thế kỷ trước… Sự thay đổi trong quan hệ tam giác chiến lược giữa Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ (gọi tắt là trục Trung- Xô- Mỹ) thập niên 70 của thế kỷ XX và Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc. Trái ngược với tình trạng xấu đi trong mối quan hệ Trung - Xô, thì mối quan hệ Việt -Xô (1965- 1975) phát triển càng trở nên mạnh mẽ. Điều này đã tác động đến toan tính chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi nước CHXHCN Việt Nam và LBXHCN Xô - Viết ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (3/11/1978) đã đề cập đến mối quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có an ninh, quốc phòng càng làm mối quan hệ Việt - Trung xấu đi. Cạnh đó, sau khi quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pon Pot vào ngày 7/1/1979 càng đẩy mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên đỉnh điểm.

Với toán tính chiến lược và thực hiện mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”, sau khi đã chuẩn bị kỹ càng, đêm 16 rạng sáng ngày 17/2/1979 (đêm thứ Bảy rạng ngày Chủ nhật) lợi dụng trời tối, sương mù phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng lớn quân đội vượt biên, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu). Đồng thời, triển khai đội hình gồm một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tấn công.

Việc mở cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc theo giới quân sự và sử học là nhằm giúp Trung Quốc thực hy vọng thực hiện được 5 mục tiêu: Một cứu chế độ diệt chủng Pon Pol; Hai là tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để giúp họ xây dựng bốn hiện đại hóa (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội, khoa học- kỹ thuật); Ba là phá hoại nền quốc phòng và làm nền kinh tế của ta suy yếu; Bốn, uy hiếp Lào từ phía Bắc để suy yếu liên minh chiến đấu Việt- Lào và Năm là thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới...Trước khí thế tấn công của quân thù,quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã chống trả quyết liệt, gây ra những tổn thất hết sức lớn lao đối với quân xâm lược. Tuy nhiên, để đảm bảo cuốc chiến đấu thắng lợi, ít gây tổn thất nhất, ngày 4/3/1979 BCH Trung ương la Lời Kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm giữ vững biên cương của Tổ Quốc. Đồng thời, ngày 5/3/1979 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố Lệnh tổng động viên. Đáp lời kêu gọi của BCHTW, Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước cả nước hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến.

…Quân đã mạnh, lực lượng đã đông, phát huy hào khí quật cường của dân tộc anh hùng, của đất nước anh hùng không chịu để một tấc đất vào tay kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu- quân và dân ta đã kiêng cường, sáng tạo bẽ gãy và dáng từng đòn đau xuống kẻ thù xâm lược. Do đó, kẻ thù không đạt được mục đích đề ra, kết quả ngày 5/3/1979 Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng.Và đến ngày 18/3/1979 về cơ Trung Quốc đã rút quân ra khỏi nước ta.

Mặc dù tuyên bố rút quân, nhưng từ sau ngày 18/3/1979 Trung Quốc chiếm đóng trái phép một số cao điểm thuộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên có nơi sâu vào lãnh thổ từ 200 đến 500 mét, thường xuyên gây hấn khiến tình hình luôn căng thẳng kéo dài đến tận năm 1989. Theo đó, từ tháng 4/1984-5/1989 Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Vị Xuyên- Hà Tuyên lại trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Chiến thắng biên giới phía Bắc của quân và dân ta một lần nữa thể hiện tinh thần quật cường của dân tộc anh hùng, luôn muốn chung sống hữu nghị, hòa bình với tất cả các dân tộc, quốc gia khác, song một khi Tổ quốc bị lâm nguy thì cả nước đồng lòng vùng lên “kẻ thù nào cũng đánh thắng” để bảo vệ Giang sơn mà Tiên tổ để lại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân hội đàm cùng Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Bắc Kinh ngày 6/11/1991 mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam- Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

... Với phương châm “gác lại quá khứ, mở ra tương lai” để hai đất nước có điều kiện phát triển và hội nhập trong một thế giới đầy biến động, hai Đảng, hai Nhà nước từ những năm 90 của thế kỷ trước đã thông qua các kênh ngoại giao để tiến hành thiết lập các mối quan hệ. Từ ngày 5-10/1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Võ Văn Kiệt đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức nước CHND Trung Hoa. Đây là dấu thời gian đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam- Trung Quốc. Hai bên tuyên bố hai nước sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: “Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình”. Chính dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản này mà đến nay mối quan hệ giữa Việt Nam- Trung Quốc đang tốt đẹp đẹp trên mọi lĩnh vực.

... Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những đổi thay, nhưng gam màu chung vẫn là lấy phát triển kinh tế làm thước đo cho sức mạnh quốc gia. Bởi thế, ở đâu đó còn còn có những suy nghĩ về chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thậm chí cực đoan hay mưu toan áp đặt chủ quyền... là đi ngược lại xu thế của nhân loại tiến bộ, đồng nghĩa với việc sẽ chuốc lấy thất bại. Chỉ có hợp tác, tôn trọng lẫn nhau cùng chung tay tạo dựng môi trường hòa bình mới tạo ra sự thịnh vượng cho dân tộc mình và nhân loại.

L.Hà

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/cung-nhau-tao-dung-moi-truong-hoa-binh-phat-trien-d2062692.html