Kỳ cuối: Yêu nghề, yêu người dẫu biết hiểm nguy

Thường xuyên phải đối mặt với máu, mủ và đủ thứ nguồn bệnh lây nhiễm... thậm chí cả nguy cơ phơi nhiễm bệnh tật để giành lấy sự sống của bệnh nhân với 'tử thần', các bác sĩ gây mê hồi sức (GMHS) trong phòng phẫu thuật là nghề chỉ dành cho người có sức khỏe và tinh thần... thép.

Nghề đi trước về sau

Nhiều người vẫn nói, nghề bác sĩ gây mê là đi trước về sau trong mỗi cuộc phẫu thuật, là bước thang để phẫu thuật viên bước lên đài danh vọng “bàn tay vàng”.Bởi lẽ, trong mỗi cuộc phẫu thuật, e kip gây mê phải vào trước để làm các công tác chuẩn bị cho ca phẫu thuật như đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ.Xong xuôi, khi bệnh nhân đã có được “giấc ngủ ngon” thì lúc đó mới đến phiên các bác sĩ phẫu thuật.

Sau ca mổ, e kip phẫu thuật có thể tháo găng, cởi đồ nhưng ê kip GMHS vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy móc. Đây được coi như “phần 2” của quá trình điều trị, giúp bệnh nhân hồi tỉnh, hồi sức và giảm đau sau mổ. Đây là giai đoạn bệnh nhân rơi vào trạng thái yếu nhất, vậy nên chỉ một sơ suất nhỏ cũng khiến bệnh nhân bị nguy hiểm tính mạng. Bởi vậy, mỗi biến đổi nhỏ về chỉ số hô hấp của người bệnh cũng đều phải hết sức thận trọng.

Các bác sĩ Khoa GMHS, Bệnh viện Phổi Trung ương đang chăm sóc bệnh nhân sau mổ.

Có mặt tại phòng phẫu thuật tại Bệnh viện Phổi Trung ương, tôi đã được tận mắt chứng kiến ca phẫu thuật lấy khối u trung thất bằng phương pháp nội soi. Ca mổ bắt đầu từ 9h sáng, nhưng từ 8 giờ, bệnh nhân đã được đưa vào phòng mổ. Một ca phẫu thuật có 8 người. Trong đó, kíp GMHS gồm có 1 bác sĩ gây mê, 1 kỹ thuật viên gây mê, 1 kỹ thuật viên chạy ngoài và một kịp dụng cụ phục vụ cho ca mổ.

Các bác sĩ dự tính mở xương ức để lấy khối u trực tiếp, nhưng ngoại khoa có hội chẩn lại và mổ ca này theo phương pháp nội soi theo đường khoang liên sườn. Tuy nhiên, điều khó khăn trong ca phẫu thuật này, là bác sĩ gây mê phải đặt ống nội quản 2 nòng, đây là một kỹ thuật rất khó. Bởi sự di lệch của khí quản do khối u đè đẩy làm biến dạng vi trí giải phẫu. Vậy nên khi đặt được ống nội khí quản ở vị trí chính xác cho bệnh nhân thành công, thì trán các bác sĩ đã lấm tấm mồ hôi vì phải tập trung cao độ để không xảy ra bất kỳ sai sót nào.

“Vậy đấy, lúc nào chúng tôi cũng phải căng lên như dây đàn, luôn phải sẵn sàng để phối hợp với nhau trong ê kip nhằm xử lý mọi tình huống xấu có thể xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Trưởng Khoa GMHS, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ. Vất vả, căng thẳng, đầy nguy cơ xảy ra biến cố là vậy, nhưng hiếm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nào biết đến vai trò của bác sĩ gây mê trong ca phẫu thuật đó, thậm chí cả lời động viên cũng ít khi có.

Theo Chủ tịch Hội GMHS Việt Nam Công Quyết Thắng, hiện nay, khi Việt Nam chưa tập trung vào chuyên ngành GMHS thì chúng ta rất thiếu chuyên gia về GMHS giỏi và cuối cùng chính bệnh nhân là người thiệt thòi.

Bởi vậy, thông điệp đối với ngành Y tế cần coi GMHS là một chuyên ngành đặc biệt, để có sự đầu tư đặc biệt cả về đào tạo nhân lực, trang thiết bị, thuốc men,…từ đó chuyên ngành GMHS mới có thể phát triển và phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.

Không chỉ áp lực công việc, các bác sĩ GMHS còn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm bệnh do tiếp xúc với thuốc gây mê thường xuyên. Theo các chuyên gia y tế, mỗi ca phẫu thuật, các bác sĩ có thể hít vào cơ thể một lượng thuốc mê nhất định và trong suốt nhiều năm làm việc trong môi trường như vậy thì ít nhiều sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Nó có thể là nguy cơ gây ra các bệnh về gan, thần kinh...

Đặc biệt, với những kỹ thuật gây mê thời xưa, thì lượng khí mê thải ra môi trường phòng mổ là rất lớn nên ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe các bác sĩ.Trước đây có những bác sĩ bị viêm gan mãn tính vì thường xuyên hít phải thuốc mê trong môi trường phòng mổ.

Hiện nay, trong Bệnh viện Phổi Trung ương đang sử dụng các loại thuốc mê bốc hơi thế hệ mới nhất với các máy gây mê hiện đại, nên môi trường phòng mổ cũng trở nên an toàn hơn cho nhân viên làm việc trong phòng mổ. Bác sĩ Nghĩa chia sẻ: “May mắn vì tôi sinh ra ở thế hệ sau nên thuốc mê, máy móc ngày càng được cải tiến, nên nguy cơ nhiễm bệnh cũng thấp hơn. Tuy nhiên, do tiếp xúc thường xuyên với thuốc gây mê, nên nguy cơ mắc bệnh vẫn có thể xảy ra”.

“Sập nguồn” sau những ca mổ kéo dài

Bất cứ nghề nào đều có những vất vả riêng, tuy nhiên đối với các y, bác sĩ nói chung và bác sĩ GMHS nói riêng thì vất vả, áp lực hơn gấp nhiều lần. Hiện tại bệnh viện Phổi Trung ương có tất cả 6 phòng mổ, với lịch mổ dày đặc, trung bình mỗi ngày 16 ca. Mỗi bác sĩ mổ gây mê phẫu thuật phổi làm khoảng 3 ca ngày. Còn phẫu thuật nhỏ thì số ca tăng nhiều hơn. Đặc biệt, tại Bệnh viện Phổi, có những ca phẫu kéo dài từ 8 - 10 tiếng, thậm chí liên ca tới 15 tiếng không còn là hiếm gặp.

Đối với bác sĩ Nghĩa, trong cuộc đời làm nghề từ khi ra trường anh đã có không ít kỷ niệm về những ca mổ xuyên đêm. Có đêm trực bác sĩ Nghĩa đã làm việc kéo dài tới 14 tiếng liên tiếp, với 5 ca phẫu thuật thần kinh sọ não. “Tôi còn nhớ những ca phẫu thuật đó bắt đầu từ 17h chiều hôm trước tới 7h sáng hôm sau. Chúng tôi phải làm việc liên tục, bởi lẽ phẫu thuật thần kinh sọ não cấp cứu thì không thể trì hoãn hay ngưng nghỉ được” - bác sĩ Nghĩa nói.

Điều đặc biệt, trong khi thực hiện nhiệm vụ với bác sĩ GMHS cần phải có cái đầu tỉnh táo cho dù có làm việc liên tục trong nhiều giờ với sự tập trung tinh thần cao độ, chính xác gần như tuyệt đối và không cho mình được phép mắc sai lầm, tất cả vì sự sống của người bệnh. Nhưng sau những giờ mổ kéo dài như vậy, nhiều bác sĩ “sập nguồn” vì mất sức.

Mặc dù, làm việc trong phòng phẫu thuật vất vả, căng thẳng là vậy, nhưng giá của một ca mổ cũng rất bèo bọt. Cụ thể, với một ca mổ của bác sĩ GMHS tại Bệnh viện Phổi Trung ương là 120 - 130 nghìn đồng/ca, dù thời gian ngắn hay dài giá cũng không thay đổi. Đáng lo ngại, tại Việt Nam vai trò của bác sĩ GMHS chưa được đánh giá cao.

Theo PGS. TS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội gây mê Việt Nam: “Ở nước ngoài, để đào tạo một bác sĩ GMHS làm việc tốt phải mất thời gian đào tạo dài hơn ở các chuyên khoa khác. Như ở Mỹ đào tạo tối thiểu 11 - 13 năm mới được làm GMHS, vì chuyên ngành này phải cần quá nhiều kiến thức để có thể làm chuyên môn tốt.Còn tại Việt Nam, việc đào tạo bác sĩ GMHS cũng còn nhiều bất cập, chính sách đãi ngộ chưa phù hợp với trách nhiệm và công sức bác sĩ bỏ ra.Thực tế ở Việt Nam, nhiều bác sĩ gây mê ra trường, hoặc làm việc một thời gian đã phải chuyển sang chuyên ngành khác vì quá vất vả và áp lực”.

Chia sẻ về lựa chọn của bản thân, các bác sĩ GMHS đều tâm sự rằng: Vơíbất cứ nghề nào cũng có cái hay, cái khó, nhưng khi đã lựa chọn thì dù có thế nào cũng vẫn phải yêu, phải say thì mới trọn vẹn được cả trách nhiệm và nghĩa tình. “Nhất là với những người làm nghề y là cứu người, là làm việc nghĩa nên không thể cân đong, đo, đếm thiệt hơn. Chỉ cần sau mỗi ca mổ cứu sống được bệnh nhân, nhìn họ ngày một bình phục tới khi được xuất viện mạnh khỏe là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc rồi”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Chia tay chúng tôi, câu nói đó của bác sĩ Nghĩa dường như càng tô đẹp lên hình ảnh của những người “chiến sĩ” áo trắng thầm lặng, những thầy thuốc GMHS đang bị “mờ bóng” trong lòng người bệnh. Bỏ lại những xô bồ của cuộc sống sau cánh cửa phòng mổ, trái tim ấm áp và đôi bàn tay khéo léo của các bác sĩ GMHS vẫn kiên trì, bền bỉ trên hành trình tiếp tục tạo cho đời những sự hồi sinh kỳ diệu sau phẫu thuật.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-yeu-nghe-yeu-nguoi-dau-biet-hiem-nguy-79954.html